Hồng nhan đa truân (Kỳ 44)

07:00 | 22/01/2014

4,602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Diệu Linh về đến nhà. Cảnh nhà hiu quạnh, ông Tường buồn bã. Cứ thấy nén hương trên ban thờ vợ vừa hết, ông lại ra thắp một nén hương khác.

>>Hồng nhan đa truân (Kỳ 43)

Nguyễn Như Phong

Mộc Miên nghe các cháu đọc Chinh phụ ngâm thì quay sang nhìn Diệu Linh và nói:

- Thầy dạy các cháu bài “Chinh phụ ngâm”, trong đó có câu “hồng nhan đa truân”.

Một lát sau, tiếng bọn trẻ im bặt.

Sư thầy ra mở cửa thấy mấy người đứng dưới thềm.

Sư thầy mỉm cười đôn hậu:

- Chào các em.

Diệu Linh, Mộc Miên và Phương Lan chắp tay:

- Chào thầy ạ.

Sư thầy Đàm Tuệ Minh cười vui vẻ:

- Thôi, đừng gọi là thầy. Cứ gọi là chị, em cho dễ nói chuyện. Mời mọi người sang phòng bên này.

Sư thầy hỏi Mộc Miên:

- Dạo này làm ăn thế nào? Trông thế này, chắc là Mộc Miên sắp có niềm vui mới đây.

Phương Lan nói:

- Chị ấy chuẩn bị cưới đấy thầy ạ.

Vào phòng, Mộc Miên giới thiệu Phương Lan và Diệu Linh với sư thầy.

Thầy nhìn Phương Lan và Mộc Miên mỉm cười đôn hậu:

- Hai cô này là sướng lắm.

Mộc Miên chỉ Diệu Linh nói:

- Thế còn bạn em thì thế nào ạ?

Thầy Đàm Tuệ Minh nhìn chăm chú Diệu Linh, rồi lắc đầu:

- Nghiệp còn nặng lắm. Nhưng kết cục cũng sẽ tốt đẹp thôi.

Mộc Miên hỏi thầy:

- Thầy ơi, bạn em vừa rồi gặp nhiều sóng gió quá. Thầy xem cho bạn em bao giờ mới hết được nợ trần ai?

Sư thầy Đàm Tuệ Minh thong thả:

- Ôi, nói hết nợ trần thì bao giờ cho hết được. Chỉ có chết đi thì mới hết nợ trần. Bây giờ chỉ cố gắng làm sao để bớt được. Nhưng mà thôi, có nói thế thì em cũng chưa hiểu được đâu. Chị chỉ dặn em thế này. Tới đây, khi nào em thấy buồn nhất thì em hãy đến với chị. Còn bây giờ chị có bảo em đến với chị thì cũng không được. Lúc này em chưa sẵn sàng.

Diệu Linh  nói như trêu ngươi:

- Không. Em nói thật với chị là từ lúc em bước chân vào cửa chùa là em đã muốn xin chị cho em ở đây rồi.

Sư thầy Đàm Tuệ Minh nhìn Diệu Linh mỉm cười chế giễu:

- Câu này của em là dối lòng rồi. Chưa phải lúc đâu. Nhưng mà thôi, cứ ghi nhận rằng em có tâm đến cửa chùa đi. Chị khuyên em là nên đến cửa chùa cho tâm tĩnh lại. Trong lòng em, lúc nào cũng như có bão, lúc này có đến cửa Phật thì cũng chẳng ích gì. Bây giờ em làm thế nào cho bớt sóng gió trong lòng đi.

Diệu Linh hỏi:

- Chị ơi, làm thế nào cho bớt sóng gió trong lòng?

Sư thầy Đàm Tuệ Minh vẫn mỉm cười đôn hậu:

- Chuyện đó bây giờ chị có nói thì em vẫn chưa hiểu và thậm chí em cũng không muốn hiểu. Thế nên thôi. Chị nhắc lại nhé, khi nào em thấy em không còn chỗ nào nương tựa, bấu víu được nữa thì em hãy tìm đến chị.

Sư thầy bỗng nhìn thẳng vào mắt Diệu Linh rồi nói tiếp:

- Không. Lúc ấy chị em mình sẽ gặp nhau ở một nơi mà thường người ta không muốn gặp nhau.

Mộc Miên nói:

- Trời ơi, thầy nói bí hiểm quá. Thầy cứ nói thẳng ra xem nào.

Sư thầy Đàm Tuệ Minh lắc đầu:

- Có những điều, phải nói thẳng ra là, chẳng có ích gì lúc này. Các em đừng hỏi chị thêm. Biết đâu có lúc chị lại gọi cho em.

Diệu Linh nói:

- Vậy thì em để lại cho chị số điện thoại nhé?

Sư thầy Đàm Tuệ Minh lắc đầu:

- Không cần. Nếu chị với em có duyên với nhau thì không cần số điện thoại chị cũng sẽ gọi được em. Nếu chị em mình không có duyên với nhau thì có một số điện thoại, chứ mười số thì rồi cũng sẽ quên.

Diệu Linh hỏi:

- Chị xem em với chị có duyên không?

Sư thầy nhìn Diệu Linh chăm chú một lát, rồi cũng chẳng ra lắc đầu từ chối, chẳng ra gật đầu đồng ý.

Với thái độ rất khó hiểu, sư thầy bỗng đến trước ban thờ Phật tổ, thắp một nén hương chắp tay lại và lầm rầm khấn. Không ai hiểu sư thầy khấn gì.

Sư thầy khấn xong, thì quay sang nói với Diệu Linh:

- Cuộc đời em còn vất vả, còn gian truân, nhưng rồi cũng sẽ có kết cục tốt đẹp đấy. Chị nhắc lại nhé, khi nào em thấy buồn nhất, tuyệt vọng nhất, em hãy đến với chị hoặc chị sẽ gọi em.

Có tiếng hai đứa trẻ léo nhéo gọi sư thầy.

Thầy Đàm Tuệ Minh nói:

- Thôi, hai cháu lại bắt chị phải dạy học. Các em thông cảm nhé.

Hiểu ý thầy, ba người xin phép ra về.

Diệu Linh mở túi, lấy ra một phong bì tiền và đưa cho thầy:

- Thưa thầy, con xin gửi thầy tiền công đức với nhà chùa.

Thầy Đàm Tuệ Minh chỉ vào hòm công đức và nói:

- Cảm ơn em. Em cứ bỏ vào trong thùng kia.

Diệu Linh ra bỏ tiền vào thùng, rồi ra về.

Trên ôtô, Diệu Linh hỏi Mộc Miên:

- Chị biết sư thầy lâu chưa? Sao sư thầy nói có vẻ bí hiểm thế?

Mộc Miên nói:

- Thầy vốn là một người bí hiểm. Sau này, nếu như em có duyên được ở gần, em sẽ biết.

Diệu Linh nhún vai:

- Trông thầy ấy bây giờ mà còn đẹp như thế, ngày xưa chắc cũng đẹp lắm. Đẹp như thế mà tại sao lại đi thanh niên xung phong, mà không đi văn nghệ nhỉ? Nghe nói thầy ở Thái Bình - đất chèo nổi tiếng mà.

Mộc Miên:

- Thế mới là cuộc đời. Thầy có kể với chị là ngày xưa ở tuổi thanh niên, lúc ấy tất cả mong ước của thanh niên là được ra tuyến lửa, được đi chiến trường, chứ có mấy người mong ước được vào trường đại học đâu. Ngày ấy, những người muốn đi học đại học là phải được chọn lựa. Ai phải ở lại học đại học thì có khi còn lấy đó làm buồn. Chị đã được xem một tấm ảnh của sư thầy hồi ở bộ đội. Ảnh đen trắng thôi. Ngày ấy thầy rất đẹp. Hôm nay nghe thầy nói thế thì Diệu Linh thấy thế nào?

Diệu Linh bĩu môi:

- Em nói thật nhé, em trọng sư thầy vì thấy thầy có cảnh ngộ như tiểu thuyết, chứ em chẳng tin thứ thầy chùa đâu. Em càng không tin là thầy có khả năng ngoại cảm gì. Gớm, bao nhiêu vụ tìm mồ, tìm mả của các nhà ngoại cảm, cuối cùng cũng chỉ là lừa đảo. Báo chí chẳng nói ầm ầm đó thôi.

Mộc Miên nói:

- Cái đó thì đúng rồi. Hôm nay thầy nhìn thấy gì đó ở em, nên mới nói em còn vất vả, phải cẩn thận.

Diệu Linh nói với vẻ bất cần:

- Nói thế thì ai chẳng nói được. Bây giờ em cũng có thể nói với chị được là tới đây chị còn vất vả lắm. Làm sao mà chị không vất vả chứ? Chị lấy chồng, rồi phải sinh con nhé. Sinh nở có phải đau đớn không? Phải đau đớn, phải khổ sở mới có được đứa con, thế rồi nó ốm, nó đau. Không vất vả thì là gì? Nói thế thì ai chẳng nói được. Nếu như nói tới đây cô sung sướng thì ai cũng chẳng nói được. Chỉ có điều, thế nào là sung sướng? Sung sướng ở mức nào? Bây giờ đến giờ ăn rồi, mấy chị em mình đói rồi, mà tìm được hàng phở ngon, ăn một bát thì cũng thấy đó là sung sướng còn gì nữa.

Phương Lan bật cười:

- Khiếp, dạo này cậu đáo để thật. Nhưng mà đáo để vừa vừa thôi. Lúc cần đáo để thì chẳng đáo để cho.

Hiểu sai ý của Phương Lan, Diệu Linh nói khó chịu:

- Cậu dạo này cứ có lối nói ám chỉ, móc máy. Tớ không thích. Cậu muốn gì thì nói thẳng xem nào.

Phương Lan im lặng một lát, rồi nói:

- Tớ có ám chỉ gì đâu. Bây giờ tớ làm báo, nhiều khi nhìn sự việc như sợi tóc chẻ làm tư. Như thế cũng chẳng hay ho gì.

Mộc Miên vừa lái xe, vừa cười:

- Nói thật nhé, bây giờ nhìn cuộc đời nên mù mờ đi một tý. Chứ cái gì cũng rõ quá thì chán lắm. Hết cả lãng mạn. Yêu đương cũng thế. Anh ta chưa mở mồm ra nói, đã biết anh ta muốn gì, định nói gì thì còn gì là thi vị, còn gì là khám phá lẫn nhau nữa.

***

Diệu Linh về đến nhà.

Cảnh nhà hiu quạnh, ông Tường buồn bã. Cứ thấy nén hương trên ban thờ vợ vừa hết, ông lại ra thắp một nén hương khác.

Bỗng nhiên, cảm thấy bức bối, khó chịu, Diệu Linh gọi điện thoại cho một người bạn:

- Này, tớ đang buồn quá.

Tiếng người bạn đằng kia:

- Cậu buồn à? Buồn thì đến đây với tớ.

Diệu Linh thay quần áo và đến một quán bar.

Không hiểu sao hôm ấy Diệu Linh uống rất nhiều rượu. Diệu Linh và người bạn ngồi uống rượu với nhau, nói chuyện nọ, chuyện kia và hết gần nửa chai. Hai người ngồi đến tận khuya, đến tận lúc nhân viên nhà hàng phải ra mời về.

***

Từ sau lần ấy, Diệu Linh đúng như đôi giày đã nhúng bùn. Cô có thể giẫm bất cứ chỗ nào. Mười tối thì có đến bảy tối Diệu Linh lăn lóc ở các quán bar, vũ trường. Vây quanh cô cũng có nhiều người, trong đó có cả những đại gia, có cả quan chức. Diệu Linh không còn biết giữ gìn là gì nữa. Có người cô yêu một tháng, hai tháng, có người cô chỉ yêu một đêm, hai đêm. Sau khi chia tay nhau, Diệu Linh và những người tình đó hầu như không còn quen biết gì nữa. Ông Tường thì phát chán, không muốn đả động đến Diệu Linh nữa. Ông mặc kệ cô muốn sống thế nào thì sống. Thỉnh thoảng ông Tưởng, ông Thưởng gọi cô đến hỏi han và khuyên cô chăm sóc bố. Cô chỉ ừ hữ rồi để ngoài tai. Có thể nói, Diệu Linh bây giờ sống như một con đĩ - ngày thì ngủ, tỉnh dậy lúc nào thì đến lướt qua công ty gọi là có mặt, tối thì lang thang hết vũ trường này đến vũ trường khác. Tất nhiên là cô khác với đám cave bình thường, cô đi đến đâu là có kẻ hầu người hạ, có người đưa kẻ đón. Cũng có những lúc Diệu Linh bừng tỉnh, nghĩ lại phận mình nhưng rồi lại tặc lưỡi, đời người sống được mấy, thôi thì cứ ăn chơi đi, đến lúc cùng quẫn hẵng hay.

***

Một buổi sáng, đoàn làm phim đến hiện trường để chuẩn bị một cảnh quay mới.

Ông Cường có điện thoại.

Tiếng của người đầu dây đằng kia:

- Chú Cường à?

Ông Cường nói:

- Vâng. Tôi Cường đây.

- Chú ạ, cháu là phóng viên Báo Công an Nhân dân. Chúng cháu vừa nhận được thông tin là các cơ quan bảo vệ văn hóa đã có ý kiến về kịch bản phim “Hồng nhan đa truân” mà chú đang làm.

Ông Cường ngạc nhiên hỏi:

- Xin lỗi, tôi đang hân hạnh được nói chuyện với ai đây ạ?

Tiếng người đầu dây đằng kia:

- Dạ, cháu là Thuần - phóng viên mảng Văn hóa của Báo Công an Nhân dân chú ạ. Chú có thể cho cháu xin gặp chú được không ạ?

Ông Cường nói với giọng khó chịu:

- Sao? Người ta bảo phim của tôi là phản động à?

Tiếng của anh phóng viên:

- Dạ, không ạ. Không phải phản động. Theo thông tin cháu nắm được thì có một số đơn kiện lên Ban Tuyên giáo và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rằng chú làm phim để bới móc về một số cuộc thi hoa hậu trước đây, rằng có tiêu cực, ban giám khảo ăn tiền. Các cơ quan bảo vệ văn hóa đang xem xét về việc có tiếp tục cho bộ phim này quay không.

Ông Cường nói với vẻ khó chịu:

- Thế à? Tôi chưa hề biết thông tin này. Thôi nhé, chào anh.

Nói xong, ông Cường tắt máy.

Ông quay sang nói với phó đạo diễn Hữu Tùng:

- Này, cậu có nhận được thông tin gì không? Tại sao nó lại bảo có đơn kiện phim của mình?

Hữu Tùng ngơ ngác:

- Em chưa biết chuyện gì.

Ông Cường lại quay sang hỏi Diệu Linh:

- Cháu có biết thông tin gì không?

Diệu Linh cũng nói:

- Dạ, không ạ.

Nhưng rồi sực nhớ ra điều gì, Diệu Linh nói tiếp:

- Chú để cháu hỏi xem sao.

Diệu Linh lấy điện thoại ra gọi cho Mộc Miên:

- Chị à, chị hỏi anh Lương giúp em xem bộ phim đang quay có vấn đề gì không? Tại sao lại có thông tin rằng ở trên ra lệnh không được tiếp tục làm phim nữa?

Diệu Linh tắt máy.

Một lát sau, Mộc Miên gọi lại.

Diệu Linh nghe máy:

- Dạ vâng, em nghe đây chị.

Tiếng Mộc Miên nói rành rọt:

- Đúng đấy em ạ. Không hiểu kịch bản phim như thế nào mà có một số người làm đơn tố cáo lên Ban An ninh văn hóa, tư tưởng và Cục Điện ảnh rằng, phim của mình bới móc những chuyện tiêu cực trong một số cuộc thi hoa hậu. Trong đó có liên quan đến một vài nhân vật là một ông Bộ trưởng, một ông Thứ trưởng và một ông Chủ tịch tỉnh. Nghe nói các nhân vật Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng này chỉ cần xem qua là cũng hiểu rằng là ai ở ngoài đời. Các ông ấy yêu cầu phải kiểm tra kịch bản.

Diệu Linh ngạc nhiên:

- Lạ nhỉ? Phim này dựa theo tiểu thuyết của em. Làm gì có ông Bộ trưởng, Thứ trưởng nào ở đây.

Mộc Miên nói:

- Chị biết đâu đấy. Anh Lương nói lại như thế. Nếu không có thì mình sợ gì.

Diệu Linh cằn nhằn:

- Chị bảo không có thì sợ gì, nhưng nếu bây giờ đoàn làm phim phải dừng lại mười ngày, thậm chí cả tháng, hết cấp nọ, cấp kia đòi duyệt kịch bản thì chết chứ còn gì nữa.

Mộc Miên an ủi:

- Không. Theo chị thì không đến mức thế đâu. Em cứ yên tâm. Có thông tin gì chị sẽ báo cho.

Diệu Linh kể lại câu chuyện với ông Cường và Hữu Tùng.

Ông Cường lẩm bẩm:

- Bọn ngu. Đúng là mấy thằng ngu. Thôi, kệ chúng nó. Ta bắt đầu quay thôi.

Mọi người vừa bắt đầu cảnh quay thì có một chiếc xe ôtô đến.

Ba người bước xuống.

Một người nói:

- Chúng em ở trên Phòng Văn hóa quận. Chúng em nhận được lệnh của cấp trên là xuống đề nghị đoàn làm phim tạm dừng quay. Cấp trên muốn làm việc với đạo diễn và tác giả kịch bản.

Ông Cường nhìn mấy người từ đầu đến chân:

- Lệnh cấm đâu?

Hai anh cán bộ lúng túng.

Một anh nói:

- Đây ạ. Đây là công văn của cấp trên.

Ông Cường nổi cáu:

- Các anh làm ăn hay nhỉ? Tôi là biên kịch, đạo diễn phim này. Các anh chưa biết kịch bản của tôi như thế nào mà đã ra một cái lệnh đề nghị ngừng quay. Tôi hỏi các anh là mỗi ngày ngừng quay, tôi phải trả cho đoàn làm phim này bao nhiêu tiền, các anh có biết không? Nếu sau này quay tiếp thì ai chịu trách nhiệm thiệt hại những ngày ngừng quay thế này?

Hai anh cán bộ lúng túng.

Anh công an nói chen vào:

- Việc ấy bác lên hỏi cấp trên nhé. Chúng tôi chỉ biết truyền đạt lệnh của cấp trên.

Ông Cường nhìn anh công an trẻ ranh:

- Này, cậu nghĩ rằng khoác áo công an là có quyền ăn nói như thế à? Ít nhất tôi cũng bằng tuổi bố cậu. Nói năng với người lớn tuổi thì phải lễ phép, phải có trên, có dưới chứ. Có phải công an dạy cậu kiểu ăn nói xấc xược như vậy không? 

Thấy ông Cường nổi nóng, một anh cán bộ văn hóa nói:

- Tùy bác thôi. Chúng cháu chỉ đến thông báo ý kiến của cấp trên như vậy. Tất nhiên là sẽ có thư mời bác lên làm việc với các cơ quan bảo vệ văn hóa. Theo cháu, bác cứ tạm nghỉ quay một hôm đã.

Ông Cường nói:

- Tôi không nghỉ quay một phút nào cả. Anh về nói với mấy thằng cấp trên của anh như thế. Nếu tôi làm phim mà phim của tôi phản động, đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước, hoặc vi phạm các điều cấm thì các anh mới được tạm dừng, mới được phạt. Phim người ta chưa làm xong, còn mới đang quay mà các anh đã đòi phải ngừng quay. Chẳng hiểu luật pháp ở đâu cả. Các anh định áp dụng luật rừng ở đâu đấy.

Thấy thái độ ông Cường như vậy, một anh cán bộ nói:

- Thôi bác ạ, chúng cháu cũng chỉ là người thừa hành nhiệm vụ. Bác nổi nóng với chúng cháu làm gì cho tổn thọ. Bác đừng để ý. Chúng cháu về đây.

Mấy người về rồi, ông Cường ngồi thừ ra. Ông không còn tâm trí nào để chỉ đạo tiếp cảnh quay.

Ông Cường nói với Diệu Linh:

- Cháu chỉ huy quay tiếp cho chú.

Ông ra ngồi ở một góc, hút thuốc lá thì có điện thoại.

Giọng một người kẻ cả:

- Anh Cường à? Tôi Trung đây.

Ông Cường nhận ra Trung, một cán bộ cao cấp của Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch, ông nói:

- Có việc gì thế anh Trung?

Trung:

- Là thế này anh ạ, Thanh tra của Bộ nhận được nhiều đơn thư về kịch bản của anh. Họ tố cáo rằng, kịch bản phim của anh có đụng chạm đến một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi mời anh mang kịch bản lên để cùng trao đổi.

Ông Cường nói:

- Anh cứ yên tâm. Tôi làm phim cũng có danh dự. Trong bộ phim của tôi không có một ông nào là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước cả. Bộ phim chúng tôi đang làm là về thân phận chìm nổi của một người đẹp và ý chí, nghị lực vươn lên của cô ấy sau này. Chẳng có liên quan gì đến chính trị cả.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P