Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 4)

15:16 | 25/05/2014

1,824 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho tới nay, gần ba mươi năm trôi qua, những cố gắng ban đầu của tổ y tế vẫn được đánh giá cao. Chiến công của họ thật đáng kể nhưng lại diễn ra hết sức thầm lặng.

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 3)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 2)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 1)

Năng lượng Mới số 324

6. Giai đoạn gìn giữ bảo quản thi hài Bác trong thời gian tang lễ đã kết thúc. Đối với tổ y tế, giai đoạn tiếp theo là một khoảng trống hết sức khó khăn. Những kiến thức học được ở Liên Xô chỉ đủ cho họ làm được những gì mà họ đã cố gắng hết sức để làm. Phương pháp hiện đại thì chưa được học hết, phương pháp cổ truyền của dân tộc thì chưa kịp khai thác cho thật thấu đáo. Hơn nữa nước ta đang trong điều kiện chiến tranh và lại là một nước khí hậu nhiệt đới; quanh năm nắng nóng, độ ẩm cao...

Việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Bác có rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ trực tiếp của bạn, tổ y tế tin rằng chúng ta có thể vượt được tất cả để giữ gìn trọn vẹn lâu dài thi hài Bác.

Sau ngày đưa Bác về lại 75A, hàng loạt công việc cần phải làm ngay được đặt ra trước tổ y tế, như việc làm vệ sinh môi trường, chống bụi, chống nấm mốc... Điều gay go nhất là làm sao có ngay được 320 lít nước mềm, bảo đảm chất lượng cao, trong nước hoàn toàn không có chất kim loại, không có khuẩn trùng. Để giải quyết khó khăn này, tổ y tế đã cử người đến các cơ sở y tế có máy chạy thận nhân tạo như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và 108 xin, nhưng khi bạn kiểm tra lại không đạt yêu cầu về chất lượng. Cuối cùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế phải đích thân chỉ đạo cách giải quyết, tổ y tế mới có được 320 lít nước mềm đúng tiêu chuẩn.

Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ Nhất BCHTƯ Đảng đọc điếu văn trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với trí thông minh, sáng tạo, có đầu óc phân tích, phán đoán nhạy bén, tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quân ủy giao phó: Vừa gìn giữ thi hài Bác, vừa nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt.

Cho tới nay, gần ba mươi năm trôi qua, những cố gắng ban đầu của tổ y tế vẫn được đánh giá cao. Chiến công của họ thật đáng kể nhưng lại diễn ra hết sức thầm lặng. Họ không được báo chí nhắc đến, không được biểu dương rầm rộ. Chỉ có tấm lòng, tình cảm của họ đối với Bác là cứ mỗi ngày một sáng thêm. Khiêm tốn, giản dị, không lùi bước trước khó khăn là phẩm chất mà Bác đã để lại cho họ, giúp họ đi đến tận cùng trong mọi lĩnh vực khoa học phức tạp và đầy những trắc trở. Bao giờ những thử thách cũng luôn luôn ở phía trước họ.

7. Cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới - giai đoạn đánh gãy xương sống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Sau khi Bác mất, cả nước dấy lên phong trào thi đua biến đau thương thành hành động cách mạng, miền Bắc tiếp tục làm hết sức mình chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ngày cũng như đêm, những đoàn xe, những dòng người náo nhiệt tập kết ở vĩ tuyến 20 - vĩ tuyến mà Giônxơn đã buộc phải tuyên bố ngừng ném bom hạn chế năm 1968 - chuẩn bị lần chót trước khi bước vào chiến trường. Miền Nam liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn ở vùng ven Sài Gòn, vùng Đông Nam Bộ và trên chiến trường Khu 5... Trước tình hình đó, Níchxơn một mặt tăng cường viện trợ cho quân ngụy, mở nhiều chiến dịch càn quét vào hậu cứ và ngang nhiên tuyên bố sẵn sàng ném bom trở lại miền Bắc...

Đề phòng chiến tranh lại có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Nếu tiếp tục để thi hài Bác tại Hà Nội, khi xảy ra chiến tranh, Công trình 75A không đủ kiên cố chống đỡ sức phá hủy của bom đạn Mỹ. Hà Nội lại là một mục tiêu đánh phá quan trọng của địch, việc bảo đảm điện, nước thường xuyên cho công trình cũng là điều hết sức hạn chế...

Xuất phát từ nhận định như vậy, Bộ Chính trị quyết định giao cho Quân ủy tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội và thuận tiện cho việc di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng.

Sau khi cân nhắc, xem xét kỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn K9 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Đó là một khu đồi thông yên tĩnh nằm bên bờ hữu ngạn một dòng sông, hồi ấy còn là một con sông hung dữ nhưng cũng đầy thơ mộng. Vào mùa mưa lũ, dòng sông réo ầm ầm, nước sông tràn lên mênh mang như dang rộng cánh tay ôm lấy quả đồi, trên đồi có những mỏm đá lô nhô sắc nhọn như những mũi mác lớn. Chính tại vùng đất sơn thủy hữu tình này đã đẻ ra một trong những huyền thoại đẹp nhất về sức mạnh của con người chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên. Đó là chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Trước Cách mạng Tháng Tám, thấy khí hậu ở khu vực này thuận tiện cho việc trồng thông, thực dân Pháp đã mở đồn điền trồng thông và khai thác quặng ở đây. Ngày nay, thông vẫn mọc đầy trong khu rừng thưa thoáng xen kẽ với các loại cây gỗ cao có tán lá rộng như chò, trám, long não...

Năm 1956, trong một lần đến thăm Sư đoàn 316 đang diễn tập bên sông, dọc đường Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đỉnh đồi. Thấy khí hậu ở đây mát mẻ, địa thế hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc.

Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần được lệnh lên khu đồi ấy xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn và đến năm 1960, nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại có thể xảy ra quá rõ ràng. Cục Doanh trại được lệnh tiếp tục lên xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng ngôi nhà sàn, bộ đội công binh còn xây dựng một hệ thống công sự kiên cố và đặt tên là K9. Điều đáng kể là cả hầm và nhà đều do Bác cắm cọc, nhắm hướng. Những năm sau này, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ tại đây. Cũng có một đôi lần Bác đưa khách quốc tế lên nghỉ. Thiên nhiên ở đây đẹp, rất phù hợp với hồn thơ đầy rung cảm của Bác.

Ngày 10 tháng 9 năm 1969, một đoàn cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Công binh và Lữ đoàn 144 đã có mặt tại K9 để khảo sát, thiết kế, cải tạo lại công trình và nhận bàn giao toàn bộ khu vực do các đơn vị công an võ trang và Văn phòng Trung ương giao lại.

Thoạt đầu ở K9, ban chỉ đạo chỉ có ý định dùng ngôi nhà kính đã có sẵn để lắp đặt thiết bị máy móc gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo cả hệ thống hầm ngầm để có thể đưa Bác xuống một khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu đồi yên tĩnh và thơ mộng này.

Khối lượng công việc lớn, vị trí thi công chật hẹp, nhưng các đơn vị thi công nhận được lệnh phải hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng vào đầu tháng 12. Cả thời gian thiết kế và thi công chỉ vẻn vẹn chưa đầy ba tháng. Đây là một yêu cầu vượt quá khả năng và phương tiện hiện có của đơn vị.

Tuy vậy, nhận rõ tầm quan trọng của công trình, các đơn vị trực tiếp thi công đều xác định bằng bất cứ giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ đúng quy định, đúng thời gian. Một ban chỉ huy công trình được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Trọng Quyền, Nguyễn Trung Thành, Cao Đàm, Lam Sinh, Bùi Danh Chiêu, Hoàng Quang Bá, Phạm Hoàng Vân, đại diện cho các ngành, các bộ môn kỹ thuật đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Bá Đặng, Tư lệnh phó binh chủng. Lực lượng thi công chủ yếu vẫn là Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 259, đơn vị đã thi công xuất sắc Công trình 75A và 75B.

Công trình ngầm ở K84, nơi gìn giữ thi hài Bác trong thời gian chiến tranh (1969-1975)

Ngày 20 tháng 9, các lực lượng tham gia cải tạo K9 đã tập kết đầy đủ. Trong cùng một lúc, đoàn vừa thiết kế, vừa thi công công trình. Tuy đã có kinh nghiệm nhưng vấn đề khó khăn nhất đặt ra đối với công trình là vấn đề kiến trúc. Trước đây, Bộ Kiến trúc đã cho làm hai nhà kính, cốt thép ở hai cửa hầm trên và dưới. Để đạt các yêu cầu đặt các thiết bị máy móc, dụng cụ y tế, ban chỉ huy công trình quyết định làm thêm một nhà kính nữa ở cửa thứ ba. Vấn đề khó khăn thứ hai là phải chọn cho được vật liệu, cấu kiện kiến trúc. Từ viên gạch men đến tấm gỗ làm cửa đều phải đi các nơi tìm kiếm. Tìm được vật tư lại lo vận chuyển. Mọi công đoạn vận chuyển đều tổ chức vào ban đêm. Theo yêu cầu của công tác bảo vệ, xe phải có cán bộ áp tải để kịp thời phát hiện nếu có xe lạ bám theo.

Khác với việc thi công hai công trình 75A và 75B, ở K9 không có điện, nước, thời gian lại gấp, các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 công binh phải tập trung sức lực làm cả ngày lẫn đêm. Đêm đến, khu đồi sáng rực ánh đèn. Đèn đất, đèn dầu. Anh em chiến sĩ thường gọi những đêm thi công là những đêm "hội đèn" nào là đèn ăn, đèn làm việc, đèn trên đồi, đèn dưới hầm, đèn đào, đèn khoan... không khí lao động rất gấp gáp, sôi động, mặc dầu đời sống của anh em rất khó khăn, thiếu thốn.

Công việc nặng nhọc nhất, khó khăn nhất là cải tạo hầm ngầm cũ, làm thêm một ngách hầm đặt máy điều hòa và dụng cụ y tế. Để tiến hành thi công, các chiến sĩ đã phải đào một cái giếng rộng 5 mét, sâu 6 mét xuống nóc hầm ngầm rồi dùng khoan tay để phá nóc hầm. Tuyệt đối không được dùng chất nổ. Cứ 5 xăngtimét vuông phải khoan một mũi, 1.800 mũi khoan đã được khoan suốt ngày đêm mới phá vỡ được nóc hầm bê tông cốt thép để đưa vật liệu xuống bảo đảm điều kiện thi công theo thiết kế mới.

Thi công xong đường hầm, việc lắp đặt thiết bị cũng diễn ra căng thẳng và sáng tạo. Để lắp đặt một cánh cửa sắt nặng 3.000 kilôgam dưới độ sâu 6 mét trong điều kiện không có cần cẩu, các chiến sĩ công binh đã nghĩ ra cách làm tời quay tay và chỉ cần năm chiến sĩ cũng đưa được cánh cửa khổng lồ ấy xuống đúng vị trí. Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống đường ray trong hầm cũng diễn ra tương tự. Theo yêu cầu của chuyên môn, khi thiết kế và xây dựng phải hết sức chú ý tới đường lên xuống. Làm sao để có thể đưa được thi hài Bác lên xuống hầm ngầm bảo đảm không nghiêng, không rung xóc. Đây là một công việc khó. Ban Chỉ huy công trình giao cho hai kỹ sư cơ khí Đặng Thành Trung và Vũ Quý Khôi nghiên cứu thiết kế. Sau nhiều ngày đêm trăn trở trước bản vẽ, hai đồng chí đã hoàn thành bản thiết kế đường ray thay cho việc khiêng linh cữu từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Khi bản vẽ thiết kế được thông qua, xưởng 49 quốc phòng được giao nhiệm vụ thi công và lắp đặt trong một thời gian ngắn. Kết quả đạt được rất mỹ mãn. Linh cữu được đặt trên một giá đỡ, có bánh xe lăn trên hai đường ray uốn cong, nên ở độ dốc 60 độ, linh cữu vẫn luôn giữ được thế cân bằng, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài của Bác.

Do ngọn đồi K9 có độ cao 250 mét so với mặt biển nên mặc dù nằm ngay bên bờ sông, vấn đề nước cũng như điện khi đưa công trình vào sử dụng là hai yếu tố quan trọng nhất. Để đảm bảo cho công trình hoạt động hằng ngày, nước cần đến hàng trăm mét khối. Đó là chưa kể nước dùng trong sinh hoạt. Điều này đã làm cho các cán bộ kỹ thuật mất ăn, mất ngủ. Đã có ý kiến đề nghị sử dụng nguồn nước sông. Nhưng nguồn nước sông rất thất thường, lên xuống tùy theo từng mùa, dễ xảy ra sự cố. Suy tính mãi, cuối cùng kỹ sư Hoàng Quang Bá đã đề ra một phương án sử dụng nguồn nước giếng hiện có bằng chu trình tuần hoàn. Phương án được chuẩn y và được triển khai thực hiện. Theo thiết kế, nước từ giếng được bơm lên bể chứa ở độ cao 65 mét rồi dẫn vào các máy điều hòa làm lạnh, xong nước không thải ra ngoài theo lẽ thường mà lại được chảy xuống một bể chứa khác gồm bốn ngăn theo nguyên tắc bình thông nhau để hạ nhiệt độ từ 35 độ C xuống 27 độ C. Sau đó nước từ bể chứa này lại được bơm lên bể ở độ cao 65 mét rồi tiếp tục dẫn vào máy. Hệ thống bơm cũng được lắp đặt tự động theo kiểu "du kích hóa" bằng phương pháp phao nổi để đóng ngắt mạch điện cho máy hoạt động mỗi khi nước đầy hoặc vơi trong bể.

Với sáng kiến lắp đặt hệ thống nước tuần hoàn này, ở K9 không những đủ nước cho máy hoạt động mà còn bảo đảm nước cho cả đơn vị sinh hoạt, tiết kiệm được một số lượng vật tư, tài chính lớn cho Nhà nước.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng trong việc gìn giữ thi hài Bác là nguồn điện. Không có điện, máy móc không thể vận hành được. Trước đây, ở K9 có một trạm biến thế lấy từ nguồn điện quốc gia. Nhưng từ khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều đoạn đường dây bị phá, trạm biến thế điện cũng bị hư hại nặng. Do đó, phương án cấp điện lúc này chủ yếu dùng nguồn điện từ máy phát đi-ê-den. Bộ phận kỹ thuật điện do kỹ sư Nguyễn Trung Thành phụ trách đã thiết kế lắp đặt ba cụm tổ máy, mỗi cụm có 3 máy đi-ê-den theo thế chân vạc. Song song với việc lắp đặt ba cụm máy đi-ê-den, đường dây lưới điện quốc gia cũng được kịp thời khôi phục.

Để đảm bảo nguồn điện thường trực 24/24 giờ mỗi ngày, một hệ thống đóng và cắt nguồn điện dự phòng đã được thiết kế và thử nghiệm thay thế cho việc thao tác của con người. Hệ thống tự động này không những đảm bảo tự động đưa một trạm đi-ê-den vào hoạt động khi nguồn điện quốc gia bị mất mà còn có khả năng chọn trạm điêden thay thế nhau sau hai lần khởi động không được của máy diesel trực.

Bên cạnh trạm tự động, đóng ngắt điện, bộ phận kỹ thuật còn thiết kế, lắp đặt kèm theo một hệ thống tự động nạp ắc quy, đảm bảo cho các bình ắc quy luôn luôn ở trạng thái "no đủ"...

Trước ngày di chuyển thi hài Bác lên K9, đồng chí Lê Quang Đạo, Trưởng ban Chỉ đạo cùng với đồng chí Trần Bá Đặng đã trực tiếp kiểm tra thử nghiệm các sự cố. Kết quả thu được thật không ngờ, các tình huống giả định đều được xử lý với thời gian không đến một phút.

Giải quyết được nguồn điện cung cấp cho công trình, các cán bộ và công nhân kỹ thuật ngành điện còn thiết kế, lắp đặt một hệ thống điều khiển từ xa đối với các máy điều hòa nhiệt độ đặt ở buồng trung tâm. Bởi vì, nếu phải thao tác bằng tay, khả năng xử lý sẽ không kịp thời và mỗi lần ra vào tiếp xúc với các máy sự ổn định nhiệt độ trong phòng đặt thi hài rất dễ bị phá vỡ đột ngột.

Lắp đặt xong các hệ thống tự động kể trên là một cố gắng lớn của các cán bộ và công nhân ngành điện. Nó chứng tỏ những khả năng tiềm tàng của những người lính khi được phục vụ Bác. Họ luôn tâm niệm rằng, để giữ gìn thi hài Bác, trong mọi việc, mỗi người phải tìm ra những biện pháp tối ưu nhất, tốt nhất mà khả năng và điều kiện lúc đó có thể cho phép thực hiện được.

Ngày 15 tháng 12, công trình K9 hoàn thành những chi tiết cuối cùng, vượt mức thời hạn quy định 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 được đổi thành K84. Gọi K84 là xuất phát từ một phép tính rất đơn giản: K75 + K9 = K84. Từ đó về sau, không ai còn gọi khu đồi đó là K9 nữa.

Có lẽ trong những trang sử truyền thống vẻ vang của quân đội ta, chưa có trang sử nào ghi về nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng hết sức thiêng liêng của những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm gìn giữ, bảo vệ thi hài của Bác. Đó là một đơn vị đặc biệt, làm một nhiệm vụ đặc biệt. Do vậy, chiến công của họ cũng hết sức đặc biệt, không giống chiến công của bất kỳ đơn vị nào ngoài chiến trường.

Hoàn thành xong công trình K84, 20 cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn 2 trung đoàn 259 công binh được lựa chọn ở lại quản lý, vận hành công trình. Đấy là một vinh dự, một phần thưởng lớn đối với họ. Ít ngày sau, khi tiểu đoàn 2 công binh và các lực lượng phối thuộc khác rút đi, những người còn lại rạo rực chuẩn bị, họ chăm chút từng lối đi, từng gốc cây, khóm hoa và hồi hộp chờ đợi ngày được trở về Hà Nội đón Bác lên.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo “Giữ yên giấc ngủ của Người”