Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 2)

07:00 | 20/05/2014

2,099 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về Viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó cũng sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 1)

Năng lượng Mới số 322

Từ hôm đó, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và bác sĩ Nhữ Thế Bảo thường xuyên có mặt bên cạnh Bác. Cuối năm 1968, Bác vẫn duy trì đều đặn nếp sinh hoạt và rèn luyện hằng ngày. Sáng, 5 giờ 30 phút Bác dậy xuống nhà hầm đánh răng, rửa mặt. Sau đó đi bộ sang nhà ăn ăn sáng. Rồi tiếp khách và trở về nhà sàn làm việc. 11 giờ 30 phút lại sang nhà ăn, ăn trưa. Buổi chiều, Bác thường tập thể dục, ném bóng, đi bách bộ theo đường mòn sang tận chùa Hội Đồng. Bác hết sức chú ý tới những hàng cây mọc hai bên đường, luôn luôn đặt câu hỏi về cây này, cây kia... Nhiều hôm trời nóng, Bác vẫn không từ bỏ những cuộc đi bộ và thường thở dài bảo bác sĩ Mẫn: "Mình đi chơi không mà còn toát mồ hôi, huống hồ là công nhân hầm lò, các pháo thủ trực chiến... Cần phải lo nước giải khát cho họ...".

Luôn luôn quên mình, nghĩ đến dân, đến bộ đội là phẩm chất của Bác. Năm ấy, Bác đã 78 tuổi. Không ai nghĩ rằng, chưa đầy một năm sau, Bác đã vĩnh biệt chúng ta, vĩnh biệt khu vườn đầy hoa trái mà Người đã gieo trồng từ những năm đầu về Hà Nội.

2. Tổ y tế đặc biệt được chính thức thành lập vào tháng 6 năm 1968, do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng. Các tổ viên gồm có: Đại úy, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; Thượng úy, bác sĩ Lê Điều; Thiếu úy, bác sĩ Nguyễn Văn Châu; y sĩ Đỗ Trung Hát và hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am. Để tổ y tế có thể bắt tay ngay vào thực hành thí nghiệm gìn giữ thi hài ở điều kiện khí hậu nhiệt đới, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về Viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó cũng sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

Công trình 75A - Nơi gìn giữ thi hài Bác từ 2/9/1969 đến tháng 12/1969 và từ 3/12/1970 đến 19/8/1971

Nhận nhiệm vụ, từ địa điểm sơ tán một số cán bộ kỹ thuật phòng công trình Bộ Tư lệnh Công binh gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lam Sinh và Trần Thanh Vân, do đồng chí Nguyễn Trọng Quyền phụ trách hành quân gấp về Hà Nội, vừa ổn định chỗ ăn, ở, vừa khảo sát hiện trường, vừa lập phương án thiết kế sơ bộ, cũng không kịp tìm hiểu công trình phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: Đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao so với khả năng, phương tiện hiện có của đơn vị.

Phải thiết kế và thi công một công trình phức tạp, bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 16oC, chỉ được phép dao động trên dưới ± 0,2oC. Độ ẩm phải ổn định 75% trong điều kiện không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Đây là một khó khăn lớn. Mặt khác, qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện, nước bị địch đánh phá hư hại nặng, không thể đảm bảo điện nước 24/24 giờ cho công trình. Các cơ quan Trung ương lại ở nơi sơ tán, việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật, tìm kiếm phương tiện, vật tư bị hạn chế lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng nhóm cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm chuẩn bị thi công. Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Công binh, cả hai lực lượng thiết kế và thi công phải song song triển khai cùng một lúc mới bảo đảm tiến độ. Quá trình thi công cũng là quá trình vừa bổ sung hoàn chỉnh thiết kế. Chỉ ít ngày sau, lực lượng thi công chủ yếu của Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 259 công binh, do đồng chí Trần Sĩ Yêm chỉ huy đã được điều động tới. Thời gian này, phần lớn các khoa của Bệnh viện 108 đã đi sơ tán. Không khí trong viện vắng lặng, kín đáo, rất thuận lợi cho việc thi công cả ban ngày lẫn ban đêm. Do vị trí thi công chật hẹp, Tiểu đoàn 2 phải tổ chức làm ca, kíp, kết hợp với việc tập kết vật tư, nguyên liệu đúng lúc, đồng bộ. Vốn là những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với bom đạn Mỹ trên các mặt đường, trên các cây cầu, bến phà, các chiến sĩ công binh đã tỏ ra dày dạn, có nhiều kinh nghiệm và hết sức năng động trong nhiệm vụ mới này.

Sau một thời gian lao động quên mình, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Nhưng đến khi lắp đặt các thiết bị, máy móc, vận hành thử nghiệm lại nảy ra những khó khăn mới tưởng chừng không sao khắc phục, như khi lắp máy điều hòa nhiệt độ, lúc cần hạ thấp nhiệt độ theo yêu cầu thì máy không đáp ứng được. Thế là lại phải mày mò, cải tạo làm cho máy điều hòa nhiệt độ thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu kỹ thuật trong từng giai đoạn gìn giữ thi hài Bác.

Xử lý, khắc phục xong máy điều hòa nhiệt độ thì ở buồng trung tâm, nơi sẽ đặt thi hài lại xuất hiện một trục trặc khác. Nguyên do là sau khi máy điều hòa ngừng làm việc, mọi người nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Hiện tượng này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, trong khi đó, buồng đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này? Nhiều lần các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chóng khô và dùng giẻ thấm nước, nhưng hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Cuối cùng họ đã tìm được một biện pháp: dùng gỗ dán lát toàn bộ trần nhà kết hợp với thông hơi. Hiện tượng đọng sương biến mất. Công trình này đã được hoàn tất vào những ngày cuối năm 1968 và mang mật danh: Công trình 75A.

Khi đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra, bạn đã ngạc nhiên đánh giá cơ sở làm việc được chuẩn bị hết sức tốt và bắt đầu từ đó, công trình được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt sử dụng. Tiểu đoàn 2 công binh chỉ để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục củng cố, bổ sung và quản lý vận hành, còn phần lớn đơn vị chuyển sang một nhiệm vụ mới: cải tạo, xây dựng công trình 75B, một công trình có cấu trúc và thiết bị tương tự như 75A. Đây là nơi đặt thi hài Bác trong những ngày tang lễ.

Bước vào cải tạo, xây dựng công trình 75B, tiểu đoàn 2 công binh có nhiều thuận lợi. Vì sau ngày địch ngừng ném bom, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Dân, Chính, Đảng lần lượt trở về Hà Nội. Những vướng mắc về kỹ thuật, những khó khăn về vật tư, trang thiết bị, được các cơ quan của Đảng và Nhà nước có liên quan quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Nhưng cũng như ở công trình 75A, vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày Hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác.

Trong những ngày đầy lo âu ấy, những dòng người cuồn cuộn đổ qua Quảng trường Ba Đình, không ai nghĩ rằng, bên trong cái vẻ yên tĩnh trang nghiêm của Hội trường Ba Đình, nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử của đất nước, các chiến sĩ công binh đang âm thầm chuẩn bị cho cái ngày đau xót nhất của dân tộc. Họ đã làm việc hết sức mình, bởi họ nhận thức sâu sắc rằng, giai đoạn đầu - giai đoạn ở Hội trường rất quan trọng. Nó sẽ là giai đoạn quyết định cho cả quá trình gìn giữ thi hài Bác về sau.

Để có những giải pháp tối ưu, hàng loạt các thí nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật đã được tiến hành. Cũng giống như ở buồng trung tâm của công trình 75A, trên bề mặt hòm tôn được gò để chạy thử máy, không chỉ có hiện tượng đọng sương mà hơi nước còn bốc lên, ngưng tụ, chảy thành dòng. Trước khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật lại lao vào vật lộn với các đề án khắc phục. Cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ, họ đã tìm ra biện pháp chạy máy điều hòa kết hợp với thông hơi dùng tốc độ gió, chấm dứt được tình trạng đọng sương, ngưng tụ nước. Chính kết quả này đã làm cơ sở cho lãnh đạo quyết định duy trì phương án cải tạo xây dựng công trình 75B và tiếp tục cho đặt các máy móc, thiết bị kỹ thuật như ở công trình 75A.

Cũng cần nói thêm rằng, năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bungari tìm hiểu về nghi thức lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng trước đây trong chiến tranh, Đại tướng Cutudốp chết, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bungari, bạn trả lời việc này tùy theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ào. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử đi Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.

Hoàn thành hai công trình đặc biệt trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ công binh Trung đoàn 259 đã biểu lộ tất cả tấm lòng của họ đối với Bác. Đứng trước những thành quả lao động, do chính bàn tay mình tạo ra, họ không thấy thỏa mãn mà thấy lòng mình trống trải. Họ cố mong rằng, công trình làm chỉ để dự phòng, rằng Bác vẫn đang mạnh khỏe. Bác sẽ còn sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.

3. Trong khi các chiến sĩ công binh bước vào giai đoạn khởi công cải tạo xây dựng công trình 75B thì ở 75A, tổ y tế đặc biệt cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị trang thiết bị y tế. Một việc cấp bách cần làm ngay là phải đặt làm một chiếc bàn đá ganitô chuyên dụng để ướp giữ thi hài. Đây là một chiếc bàn đặc biệt. Khi còn học ở Liên Xô, anh em trong tổ y tế đã đo kích thước để khi về nước đặt làm. Sau khi nhận được mẫu vẽ, các công nhân ở xí nghiệp đá An Dương đã làm được một chiếc bàn rất đẹp, y hệt như chiếc bàn đặt trong phòng giải phẫu của Viện thi hài Lênin tại Mátxcơva.

Khi tổ y tế đặc biệt về nước, bạn đã cấp cho ta ba bộ đồ đại phẫu và một số dụng cụ đặc biệt chuyên dụng. Số dụng cụ này là một cái vốn ban đầu hết sức quý giá nhưng chưa đủ. Dưới danh nghĩa của Khoa Giải phẫu Quân y viện 108, tổ y tế đã phân công người đi tìm thêm những dụng cụ ở các kho, các cơ sở y tế, ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, ở Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần và đặt làm ở các xí nghiệp, các nghệ nhân, các kỹ sư của Trường đại học Bách khoa Hà Nội... Cuối cùng, tất cả các dụng cụ chuyên dụng cho việc bảo quản thi hài như kim tiêm đặc biệt, ống thông chỉ platôn, chỉ vàng bạch kim... đều đã được chuẩn bị chu đáo.

Thiết bị kỹ thuật đảm bảo thông số phục vụ Quốc tang ở Hội trường Ba Đình ngày 6/9/1969

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe của Bác rất sốt ruột về công tác chuẩn bị của tổ y tế đặc biệt. Nhiều lần, đồng chí trực tiếp xuống kiểm tra hoặc gọi lên báo cáo. Trong một lần gặp mặt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ thị:

- Phải tiến hành khẩn trương công tác thực nghiệm để Bộ Chính trị và Trung ương yên tâm.

- Trong lĩnh vực này phải hết sức chú ý khai thác những kinh nghiệm của cha ông ta.

Để tiến hành được các thí nghiệm theo phương pháp đã học được, việc đầu tiên đối với tổ y tế là phải có tử thi. Đây là một vấn đề hết sức nan giải. Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, không dễ gì có thể giữ lại được thi thể của những người quá cố một khi họ còn thân nhân.

Đã nhiều lần, các cán bộ của tổ y tế đặc biệt được cử đi các bệnh viện để xin tử thi nhưng đều trở về tay không. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ quyết định đi tìm bằng được và một thời gian sau đó, tổ đã tìm được một số thi hài không còn thân nhân ở các bệnh viện.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương và đồng chí Phạm Ngọc Mậu, sau khi kiểm tra kết quả thực nghiệm đã hết sức hài lòng. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu thay mặt Tổng cục Chính trị, quyết định cấp ngay cho tổ y tế mười chiếc áo khoác Ba Lan để chống rét, một máy ảnh Đức có ống kính chụp gần và một số đồ dùng khác cho cá nhân và cho tập thể mà Tổng cục Chính trị có thể có được.

Với những kết quả bước đầu, tổ y tế đặc biệt đã khẳng định: Với khả năng của mình, họ có thể gìn giữ được thi hài của Bác trong giai đoạn đầu. Dĩ nhiên phía trước họ còn là một con đường gian khổ, cần phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa và phải được sự giúp đỡ không điều kiện của bạn mới có thể gìn giữ được lâu dài thi hài Bác.

Cuối năm 1968, đồng chí Rômacốp, Viện phó Viện Thi hài Lênin sang kiểm tra, xem xét công việc chuẩn bị tại chỗ và kết quả thí nghiệm đã đánh giá cao cố gắng của tổ y tế. Thời gian này, sức khỏe của Bác yếu đi nhiều, mặc dù Người vẫn kiên nhẫn duy trì nếp sinh hoạt, tập luyện hằng ngày. Nhưng các bác sĩ đi với Bác hiểu rất rõ: Người đã phải hết sức cố gắng mới có thể duy trì được nếp sinh hoạt tập luyện ấy.

Tháng 3 năm 1969, đề phòng mọi việc có thể xảy ra sớm hơn, hai đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Vương Quốc Mỹ được cử sang Liên Xô thông báo kết quả thí nghiệm và quy trình kỹ thuật dự kiến tiến hành trong giai đoạn đầu, đề phòng bạn không sang kịp. Ngoài ra, đoàn còn được giao nhiệm vụ xin thêm dụng cụ chuyên môn, nghiên cứu thêm công tác bảo quản thi hài tại Hội trường và cả khi chuyển vận. Đồng chí Vương Quốc Mỹ tìm hiểu sơ bộ về việc xây Lăng. Mọi việc được tiến hành gấp gáp và đã được bạn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ.

Có thể nhận thấy rất rõ rằng, bên ngoài sự tĩnh lặng, yên ả thường ngày của thủ đô là sự lo âu, căng thẳng của các đồng chí lãnh đạo, của các bộ phận được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho những ngày đau thương, chắc chắn không lâu nữa sẽ xảy ra.

Đó là việc các chiến sĩ công binh đang cải tạo công trình 75B, các công nhân viên quốc phòng, đội cơ động 2 của Bộ Tư lệnh Công binh đang gấp rút hoàn thành chiếc hòm kính đặc biệt thay thế chiếc hòm kính cũ do Bộ Kiến trúc làm từ trước đã trải qua quá nhiều thí nghiệm...

Khi bắt tay vào việc làm chiếc hòm kính, các chiến sĩ đội cơ động 2 đã gặp một khó khăn tưởng chừng rất vô lý: làm hòm kính nhưng lại không có kính. Kính làm hòm yêu cầu phải dày, trong suốt, không có gợn sóng. Đồng chí Trần Bá Đặng, Tư lệnh phó Binh chủng Công binh, người đã có mặt thường xuyên ở công trình 75A, 75B báo cáo lên trên, có ý kiến đề xuất lấy kính của quầy trưng bày ở Cửa hàng bách hóa tổng hợp. Nhưng khi kiểm tra thì loại kính này mỏng không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Giữa lúc đó anh em phát hiện ở gầm sân khấu Hội trường Ba Đình có một số tấm kính có thể sử dụng được. Đồng chí Trần Bá Đặng cho kiểm tra, kết quả thật không ngờ: kính tốt, đạt tiêu chuẩn, dùng được.

Làm xong hòm kính lại nảy ra một vấn đề khác: đôi dép của Bác đặt ở đâu? Để trong hòm kính thì không ổn. Để bên ngoài càng không ổn. Thế là lại quyết định làm một hòm kính nhỏ để đôi dép. Các chiến sĩ xưởng 49 quốc phòng đã thức trọn đêm để hoàn thành chiếc hòm kính nhỏ bé này.

Đó còn là việc Lữ đoàn 144 do đồng chí Vũ Ngạch làm lữ trưởng được giao nhiệm vụ chọn 150 cán bộ, chiến sĩ triển khai tập luyện các nghi thức cho một lễ tang lớn.

Hằng ngày, khi thành phố vừa lên đèn, các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 144 lại lặng lẽ rời đơn vị chia làm hai bộ phận tập kết tại Hội trường Ba Đình và Câu lạc bộ Quân đội. Tại đây, họ tập các động tác đứng tiêu binh danh dự, tập tiếp cận bảo vệ mục tiêu, khiêng linh cữu, đưa vòng hoa... sao cho thật thuần thục, không rối, không sai, theo các quy định hết sức nghiêm ngặt của nghi lễ Quốc tang.

Công việc phải rèn đi tập lại nhiều lần là động tác khiêng linh cữu. Với chiếc linh cữu đóng bằng gỗ Ngọc Am, một loại gỗ hiếm và quý, màu vàng chanh thơm ngát, nặng gần 200 kilôgam. Bên trong còn chứa thêm hai bao tải gạo. Trên nắp của linh cữu để một bát nước đầy. Mười sáu cán bộ, chiến sĩ phải khiêng linh cữu đi đúng điều lệnh, lên xuống bậc tam cấp thật nhịp nhàng sao cho bát nước không bị tràn sánh ra ngoài.

Ngoài hai bộ phận luyện tập nói trên, Lữ đoàn 144 còn được giao nhiệm vụ lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ do Thượng úy Nguyễn Văn Mộc chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực 75A và triển khai kế hoạch luyện tập phương án hành quân di chuyển từ Phủ Chủ tịch về 75A và ngược lại.

Đội hình xe tham gia luyện tập gồm 5 chiếc, trong đó có 2 xe hồng thập tự (một chính thức, một dự bị) và 3 xe Gat hộ tống do các chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Nhít và Nguyễn Văn Thịnh lái.

Trong thời gian diễn tập, một số cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144 được cải trang, mặc trang phục cảnh sát giao thông, ém chốt ở các ngả đường mà đoàn xe sẽ đi qua. Tất cả mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra đều đã được lường tính để có kế hoạch xử trí.

Tuy chỉ là diễn tập, nhưng một bầu không khí trang nghiêm đã bao trùm trên nét mặt từng chiến sĩ. Những buổi tập, ngay cả trong giờ nghỉ rất ít tiếng cười, nói. Mọi người lặng lẽ, đi, đứng, mồ hôi ướt đầm trên lưng áo. Mặc dù không được phổ biến chi tiết, nhưng mọi người đều ngầm hiểu Bác đang mệt nặng và công việc họ đang làm là để chuẩn bị đón đợi cái ngày không thể không đến đã đang đến với toàn Đảng, toàn dân ta.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo “Giữ yên giấc ngủ của Người”