Nếu Crưm về Nga, phương Tây sẽ làm gì?

20:30 | 07/03/2014

21,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc Quốc hội Crưm vừa thông qua sắc lệnh mở đường cho việc vùng tự trị này tái sáp nhập vào Nga cho thấy nhiều khả năng Crưm sẽ tách khỏi Ukraina. Nếu kịch bản này xảy ra, phương Tây sẽ đáp trả Nga như thế nào?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (trái) gặp nhau tại Paris hôm 5/3/2014

Ngày 6/3, Quốc hội Crưm với thành phần đa số là người nói tiếng Nga, đã đề nghị Tổng thống Vladimir Putin cho sáp nhập nước cộng hoà tự trị của Ukraina này về với Nga. Đồng thời Quốc hội cũng thông báo tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới để có quyết định cuối cùng.

Dân biểu Crưm Grigori Ioffe cho biết cụ thể là các cử tri sẽ lựa chọn giữa việc sáp nhập vào Liên bang Nga hoặc tồn tại với quy chế tự trị rộng hơn.

Sau đó ít giờ, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitri Peskov, khẳng định Tổng thống Nga đã được thông báo về  đề nghị của Quốc hội Crưm. Theo AFP, Tổng thống Putin đã triệu tập một cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia Nga để thảo luận đề xuất của Nghị viện Crưm. Còn Quốc hội Nga nhiều khả năng sẽ xem xét vụ việc vào tuần tới. Trước đó, Duma quốc gia Nga cũng cho biết sẽ sửa luật để Nga tiếp nhận vùng lãnh thổ mới dễ dàng hơn.

Có thể nhận thấy rằng người dân Crưm như muốn nóng lòng tách ra khỏi Ukraina. Chính quyền Crưm liên tục thông báo đổi ngày tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraina: ban đầu thông báo là ngày 25/5 sau đổi thành 30/3 và mới nhất là ấn định vào ngày 16/3. Quốc hội Crưm cho biết trước mắt Simferopol sẽ đợi câu trả lời từ Nga, nếu đề xuất được chấp thuận mới tổ chức trưng cầu. Khi ấy, số phận của bán đảo này sẽ do cử tri quyết định. Hiện Nga chưa đưa ra bình luận cụ thể về “nguyện vọng” của Crưm. Dự kiến trong nay mai, một phái đoàn các đại biểu quốc hội Crưm sẽ tới Nga để bàn về vấn đề này.

Theo nhận xét chung của giới quan sát, rất nhiều khả năng Nga sẽ chấp thuận đề nghị này bởi lẽ trên thực tế các cuộc hội đàm giữa Nga và phương Tây vẫn trong vòng bế tắc. Nga yêu cầu chính phủ mới tại Ukraina thực hiện thỏa thuận tái hòa giải ký kết hồi tháng trước (ngay trước đêm chính biến) giữa Tổng thống Viktor Yanukovych và lãnh đạo phe đối lập do 3 nước châu Âu làm trung gian, theo đó tổ chức bầu cử sớm để lập ra một chính phủ đoàn kết và quay lại hiến pháp 2004. Nếu chính phủ thân phương Tây ở Kiev không thực hiện điều này, sẽ không có chuyện Nga ngồi vào bàn đàm phán. Nếu việc này diễn ra, ông Viktor Yanukovych sẽ trở về Ukraina để tiếp tục làm Tổng thống và đàm phán với phe đối lập. Kịch bản như thế gần như không thể xảy ra.

Bản đồ vị trí Crưm - Nga - Ukraina

Vậy thì Nga sẽ tiếp nhận Crưm như thế nào và khi đó phương Tây sẽ phản ứng ra sao? Hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng tại Ukraina, hiện nay những diễn biến nơi này giống như đang lặp lại sự kiện ở Gruzia khi người Nga tiếp trợ và thúc đẩy hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia tách khỏi Gruzia để trở thành độc lập, trong vòng ảnh hưởng của Matxcơva. Có nghĩa là Crưm sẽ trở thành một nước Cộng Hòa thuộc Liên Bang Nga.

Như thấy trước được kịch bản này, phương Tây ngày hôm qua đã thi nhau lên tiếng chỉ trích. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý để Crưm tách khỏi Ukraina, sáp nhập với Liên Bang Nga, là xâm phạm chủ quyền của Ukraina và vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh "Crưm là một phần của Ukraina, là Ukraina"; Mỹ ủng hộ sự vẹn toàn lãnh thổ của Ukraina, và chính phủ nước này có quyền quyết định vấn đề chia cắt xứ sở hay không. Ông Kerry nói :"Hiến pháp Ukraina đòi hỏi trưng cầu dân ý toàn quốc về các vấn đề liên quan. Mọi thành phần của Ukraina cũng như tất cả mọi người dân Ukraina đều phải được tham dự trưng cầu dân ý".

Tuy nhiên Ngoại trưởng Kerry nói tiếp, Mỹ vẫn dành ưu tiên cho việc tiếp tục thảo luận ráo riết với các bên liên quan để bình thường hóa tình hình và chấm dứt cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cho biết Matxcova và Washington vẫn chưa đạt được đồng thuận nào về tình hình Ukraina sau khi hai phía gặp nhau nói chuyện tại Paris và Rome.

Hãng thông tấn Interfax trích dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Nga rằng phía Nga đồng ý sẽ nghiên cứu thêm nữa những ý tưởng mà người tương nhiệm Mỹ, John Kerry, đưa ra với phía Nga về những bước cụ thể có thể thực hiện.

Hôm qua, Mỹ và châu Âu cũng đã thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và các cựu quan chức trong chính quyền Ukraina. Mỹ quyết định trừng phạt bằng hình thức cấm du lịch và phong tỏa tài sản tại Mỹ với các cá nhân Nga mà Washington cáo buộc phá hoại sự ổn định, hòa bình của Ukraina. Tổng thống Nga Putin không nằm trong danh sách. Trước đó, các nước châu Âu đã triển khai một số biện pháp nhắm vào chính quyền cũ của Ukraina. EU tuyên bố sẽ phong tỏa tài sản của ông Viktor Yanukovych, con trai ông. Tổng cộng có 18 cựu quan chức Ukraina bị cáo buộc lạm dụng công quỹ và bị EU phong tỏa tài sản. Các nước như Thụy Sĩ, Áo đã có động thái tương tự trước đó trong khi Canada hôm 5/3 cũng tham gia trừng phạt chính quyền ông Yanukovych.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng những biện pháp trên của phương Tây sẽ không thay đổi được lập trường của Nga. Mặt khác, Mỹ và châu Âu khó có thể sử dụng những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga bởi lẽ quan hệ kinh tế giữa Matxcơva với Washington và Bruxelles đáng giá hơn nhiều những gì Ukraina đem lại. Các nhà chính trị Mỹ và châu Âu chẳng dại gì mà làm liều. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng quan hệ Nga - Mỹ không nên bị ảnh hưởng vì khủng hoảng ở Ukraina.

“Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng tầm quan trọng to lớn của quan hệ Nga - Mỹ là nhằm mục đích đảm bảo sự ổn định và an ninh trên thế giới”, AFP dẫn thông cáo của Điện Kremlin. “Quan hệ Nga - Mỹ không nên bị hi sinh vì những bất đồng liên quan đến các vấn đề quốc tế”, cũng theo Điện Kremlin.

Nhà sử học người Pháp, François Thom, cho biết kịch bản diễn ra ở Crưm giống như kịch bản đã xảy ra với vùng Nam Ossetia và Abkhazie năm 2008. Sự phản ứng của phương Tây khi đó cũng mạnh mẽ nhưng rồi sau đó lại đâu vào đó. Nhà sử học này nhắc lại, chỉ vài tháng sau cuộc xung đột Nga - Gruzia, Pháp vẫn ký bán cho Nga chiến hạm Mistral, như không có gì xảy ra. Vài tháng sau đó, Liên minh châu Âu phấn khởi với các quan hệ đối tác với Nga. Rồi đến lượt chính quyền mới của Mỹ cũng muốn khởi động lại mối quan hệ mới với Nga.

H.Phan