Nelson Mandela - Những khoảnh khắc cuộc đời

06:50 | 06/12/2013

1,668 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hãy cùng nhìn lại cuộc đời của người anh hùng đã phá tan xiềng xích của chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi - một cuộc đời không chỉ là biểu tượng tranh đấu cho sự bình đẳng, chống áp bức mà còn là biểu tượng của hy vọng và hòa giải.

Ông đang ngồi ngắm mặt trời ló rạng, tâm trí thoải mái hưởng thụ những giai điệu mượt mà của Handel và Tchaikovsky - hai nhạc sĩ cổ điển mà ông thích nhất. Hồi trước, bị giam kín trong xà lim trong suốt hàng chục năm ròng, Nelson Mandela không thể tận hưởng cả ánh sáng mặt trời cũng như dòng suối nhạc du dương. Trong nhà giam, mỗi dịp lễ lớn như Giáng sinh, anh em tù nhân vẫn thường tổ chức những buổi ca nhạc và đó là lúc Mandela tạm quên nỗi gian truân tù đày. Ông thích cả nhạc phương Tây lẫn nhạc châu Phi và chính âm nhạc đã làm trái tim ông không trở nên khô khan và chai mòn trên con đường gian nan tìm kiếm hòa bình...

Nelson Mandela tên thật là Rolihlahla Dalibhunga Mandela, sinh ngày 18/7/1918 tại làng Mvezo (có tài liệu ghi là làng Qunu) ở Transkei trong một gia đình danh giá. Sau khi cha ông - Henry Mgadla Mandela, cố vấn của bộ tộc nổi tiếng Thembuland mất đi, cậu thanh niên Mandela trở thành một trong những người được bộ tộc tin cậy nhất. Tuy nhiên, do tiếp xúc thường xuyên với những vụ xử trong tòa án bộ tộc, Mandela quyết định chọn con đường luật. Nghe kể nhiều về những câu chuyện xưa nói về các cuộc chiến mà tổ tiên mình từng thực hiện để bảo vệ lãnh thổ, Mandela ấp ủ giấc mơ cống hiến công sức cho việc giành tự do dân tộc.

Năm 21 tuổi, khi học tại Đại học Fort Hare, Mandela được bầu vào Ủy ban đại diện sinh viên nhưng sau đó bị cấm học vì tham gia vào một cuộc biểu tình tẩy chay. Tránh một cuộc hôn nhân sắp đặt, Mandela đến Johannesburg, hoàn thành bằng cử nhân qua chương trình hàm thụ của Đại học Nam Phi rồi từ đó bắt đầu dấn thân vào chính trường. Năm 1942, ông gia nhập Đại hội dân tộc châu Phi (ANC, thành lập năm 1912) lúc ấy nằm dưới sự lãnh đạo của Anton Lembede. Năm 1943, ông ghi danh vào Đại học Witwatersrand để lấy bằng luật. Cùng các thành viên ANC, Mandela quyết tâm xóa bỏ chủ nghĩa apartheid.

Cha đẻ của apartheid (tiếng Afrikaans có nghĩa “phân biệt chủng tộc”) là Daniel Francois Malan (1874-1959), Thủ tướng Nam Phi (1948-1954), cho rằng xã hội có ba giai cấp: da trắng (gốc gác từ châu Âu, gồm thành phần thiểu số đứng đầu bộ máy chính phủ), da đen (gốc bộ tộc Bantu, chiếm đa số) và người lai. Sau này, apartheid còn phân ra loại thứ tư (dân gốc châu Á). Thật ra, trước khi Malan tung ra chủ nghĩa phi nhân tính này, tình trạng phân biệt chủng tộc đã tồn tại từ rất lâu ở Nam Phi và đến đầu thế kỷ XX càng rõ nét. Năm 1910, Quốc hội Nam Phi chỉ dành cho những người da trắng và năm 1913, người ta lại ban ra điều luật giới hạn quyền sở hữu đất của toàn bộ dân da đen chỉ được 13% diện tích Nam Phi. Ngoài ra, apartheid cũng ngăm cấm chuyện kết hôn giữa những người không cùng giai cấp.

Tháng 9/1944, ANC thành lập thêm Liên minh thanh niên đại hội dân tộc châu Phi (ANCYL), tung ra hàng loạt chiến dịch vận động dân chúng đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, với những mục tiêu cụ thể: giành quyền đại biểu Quốc hội cho mọi người có khả năng, bất kể màu da; tái phân phối đất đai; đòi hỏi quyền liên đoàn công nhân; cải cách giáo dục và văn hóa...

Năm 1952, sau khi chính phủ bác bỏ lá thư thỉnh nguyện về việc xóa bỏ apartheid, ANC tung ra chiến dịch quy mô Phản kháng những điều luật bất công và Mandela giữ nhiệm vụ tuyên truyền khắp lãnh thổ. Quy kết Mandela và đồng sự về tội kích động quần chúng nhưng sau khi nhận thấy họ chỉ kêu gọi một tiến trình hòa bình bất bạo động, cuối cùng, Tòa án Nam Phi không thể hạ lệnh bắt giam Mandela mà cho hưởng bản án treo. Sau chiến dịch, Mandela bị ngăn cấm tổ chức hội họp và bị quản thúc ở Johannesburg trong 6 tháng. Trong thời gian này, Mandela hoàn thành công trình nghiên cứu về luật và người ta đành phải cấp cho ông giấy phép hành nghề. Mandela mở một văn phòng luật ở Johannesburg. Với thành tích qua chiến dịch Phản kháng, Mandela được bầu làm Chủ tịch ANCYL và Phó chủ tịch ANC.

Mandela với con gái Zindzi sau khi ra tù năm 1990

Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, vai trò của Nelson Rolihlahla Mandela ngày càng lớn. Ông thực hiện nhiều chiến dịch đấu tranh, nhất là trong môi trường giáo dục (giành quyền lợi cho sinh viên da đen). Năm 1956, Mandela lại bị kết tội là “cộng sản” với những hành động chống chính phủ da trắng. Tuy nhiên, năm 1961, ông được xử trắng án vì không có bằng chứng cụ thể. Lúc này, ANC bắt đầu hoang mang về đường lối bất bạo động của mình, trong hoàn cảnh chỉ có thể đạt được mục đích bằng cách thức mạnh mẽ hơn. Đó là lý do chính khiến thành viên Robert Sobukwe rời ANC và thành lập Đại hội toàn châu Phi (PAC) vào tháng 4/1959. Tôn chỉ của PAC là sử dụng hình thức quân sự để đối đầu với chính phủ da trắng.

Ngày 21/3/1960, PAC tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham dự của hàng chục ngàn người da đen tại thị trấn Sharpeville (hiện nay là tỉnh Gauteng) ở Đông Bắc Nam Phi. Bi kịch xảy ra khi cảnh sát nổ súng nhắm vào đoàn biểu tình, làm chết 69 người da đen trong đó có cả phụ nữ, trẻ em và làm bị thương 180 nạn nhân khác. Ngọn lửa từ Sharpeville nhanh chóng lan cháy khắp Nam Phi. Ngày 30/3/1960, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hơn 18.000 người bị bắt và ANC cũng như PAC bị cấm chỉ hoạt động. Dư luận thế giới bắt đầu đổ dồn về Nam Phi, trong đó có Liên Hiệp Quốc, tất cả đều lên án gay gắt vụ thảm sát ở Sharpeville.

Phản ứng chính sách đàn áp của chính phủ, ANC thành lập tổ chức ngầm Umkhonto we Sizwe (UWS, tiếng Zulu có nghĩa “Ngọn giáo dân tộc”) với Mandela là tổng chỉ huy. Lần đầu tiên, những người cách mạng thuộc ANC thực hiện các chiến dịch bạo động, giết bọn lính và cảnh sát. Tuy nhiên, không như PAC, UWS không sát hại thường dân da trắng. Sợ hãi trước các chiến dịch hiệu quả của UWS, chính phủ ra lệnh cho cảnh sát được quyền bắn chết không cần tra hỏi bất cứ kẻ tình nghi nào. Năm 1962, Mandela bị bắt và chịu bản án 5 năm tù.

Tuy nhiên, gần 1 năm sau, tháng 7/1963, sau khi đột kích chỉ huy sở UWS ở Rivonia và phát hiện nhiều tài liệu cho thấy vai trò quan trọng của Mandela, chính phủ tái lập phiên tòa và lần này họ xử Mandela bản án chung thân. Khi Mandela bị giam ở nhà tù an ninh tuyệt đối nằm ở đảo Robben, đó cũng là thời gian người dân Nam Phi sống trong nền hòa bình nghẹt thở. Ông bị nhốt suốt 18 năm ở Robben rồi tháng 4/1984 được chuyển về nhà tù Pollsmorth gần Cape Town và cuối cùng, tháng 12/1988, lại được đưa về trại giam Victor Verster (nơi ông ở cho đến ngày được thả).

Tháng 9/1966, Thủ tướng Nam Phi Hendrik Frensch Verwoerd bị ám sát và John Vorster lên thay (nguyên là Bộ trưởng Tư pháp). Trong thời gian này, các nước láng giềng đều ngoảnh mặt với Nam Phi. Angola và Mozambique giành độc lập năm 1975 và chính phủ mới của họ tỏ ra bất mãn với đường lối apartheid. Các cuộc cách mạng và phong trào giải phóng ở Rhodesia (hiện là Zimbabwe) và Namibia giữa thập niên 70 càng làm cho không khí khu vực trở nên căng thẳng. Ngày 16/6/1976, hàng ngàn học sinh da đen thực hiện cuộc biểu tình. Cảnh sát đã phản ứng bằng cách vãi đạn. Ít nhất 575 người đã bị giết. Toàn Nam Phi lại lâm vào tình trạng bất ổn. Năm 1980, tờ Johannesburg Sunday Post tung ra chiến dịch kêu gọi công chúng đòi trả tự do cho tù nhân vĩ đại Mandela...

Cùng vợ Graca Machel và ca sĩ Geri Halliwell tại chương trình hòa nhạc "Celebration Of Nelson Mandelas Life" tổ chức tại London ngày 27/6/2008

Tháng 5/1983, nhằm xoa dịu tình hình, Thủ tướng B.W. Botha (vài năm sau là tổng thống) công bố cuộc cải cách quan trọng: Quốc hội có sự tham dự của ba thành phần (da trắng, dân gốc Á và da màu). Tuy nhiên, dư luận vẫn tỏ ra bất bình và xung đột lại xảy ra vì dân da đen tiếp tục bị loại khỏi các kỳ tranh cử (thậm chí không được bầu cử). Năm 1984, bạo động lại bùng cháy và chính phủ buộc phải hủy điều luật ngăn cấm hôn nhân đa sắc tộc cũng như hạn chế quyền kinh doanh và sở hữu bất động sản của dân da đen. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng quá đắt: hơn 2.000 người da đen bị giết chết và khoảng 24.000 người khác bị bắt. Rối loạn chính trị - xã hội đã khiến hàng ngàn công ty nước ngoài rút khỏi Nam Phi. Năm 1985, Tổng thống Botha tuyên bố trả tự do Mandela với điều kiện ông từ bỏ ngã rẽ đi vào con đường chính trị. Tất nhiên, Botha nhận được câu trả lời từ chối.

Cuối thập niên 80, tình hình Nam Phi xấu đến mức không thể chấp nhận kéo dài sự tồn tại của apartheid. Ngay sau khi kế nhiệm Botha, tân Tổng thống Frederik Willem De Klerk lập tức thực hiện nhiều cuộc cải tổ quan trọng và thật sự thiết thực. Lần đầu tiên, những cuộc diễu hành đa sắc tộc được phép tổ chức ở Cape Town và Johannesburg để lên án apartheid. Đích thân De Klerk gặp Tổng giám mục Desmond M. Tutu và nhiều thủ lĩnh da đen để thương lượng về việc trả tự do cho các tù nhân da đen, đồng thời hủy bỏ lệnh nghiêm cấm các tổ chức như ANC. De Klerk gặp phải phản ứng quyết liệt của đảng Dân tộc (NP) trong Quốc hội. Cuối cùng, De Klerk vẫn thực hiện điều cần làm: thả Mandela. Chủ nhật, 11/2/1990, tù nhân Nelson Mandela được hít thở không khí của bầu trời xanh sau 27 năm ngồi tù (có tài liệu ghi là ngày 2/2/1990).

Sự tái xuất hiện của Mandela làm tiếng nói của ANC thêm mạnh mẽ. Tháng 12/1991, Hội nghị về một nước Nam Phi dân chủ (CODESA) được khai mạc với sự tham dự của NP và ANC. Kết quả dàn xếp từ Hội nghị này đã đạt được vào ngày lịch sử 13/11/1993 mà toàn đất nước Nam Phi đã chờ đợi đằng đẵng, theo đó, một nước Nam Phi mới sẽ có chính phủ không phân biệt sắc tộc, giới tính, thống nhất và dân chủ trên tinh thần “mỗi người dân một lá phiếu”. Ngày 27/4/1994, kỳ bầu cử dân chủ thực sự ở Nam Phi được tiến hành. ANC chiếm đa số phiếu và ngày 10/5/1994, Nelson Mandela tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Với những cống hiến và sự tận tâm, cả hai ông Nelson Mandela và De Klerk được trao tặng Nobel Hòa bình 1993 (nhiệm kỳ của Tổng thống Nelson Mandela kết thúc vào tháng 4/1999 và người kế nhiệm là Thabo Mbeki).

Trong thời gian ngồi tù, Mandela bí mật viết một quyển hồi ký, bản thảo được tuồn ra ngoài chờ dịp xuất bản. Cuối cùng, cuốn sách ấy - “Long walk to freedom” (Con đường dài đi đến tự do) - đã được ra mắt vào năm 1994. Sau khi vừa ra tù, năm 1991, Mandela cùng Chủ tịch Cuba Fidel Castro viết tiếp quyển “South Africa and Cuba in today’s world” (Nam Phi và Cuba trong thế giới ngày nay). Cho đến năm 80 tuổi, vận động viên boxing nghiệp dư hồi thập niên 40 - Mandela - vẫn thức dậy vào 4 giờ 30 để thực hiện buổi tập kéo dài một tiếng...

Những giải thưởng:

- 1979: Giải Jawaharal Nehru.

- 1981: Giải Bruno Kresky về nhân quyền.

- 1983: Công dân danh dự của Rome.

- 1983-1995: Văn bằng danh dự về luật được trao bởi City College, Lancaster, Strathclyde, Calcutta, Đại học Kent, Đại học Howard.

- 1988: Giải Công dân tự do của Dublin.

- 1989: Giải Gaddafi về nhân quyền.

- 1993: Giải Nobel Hòa bình (đồng nhận với De Klerk).


Mạnh Kim