NATO muốn Nga phá hủy tên lửa mới

14:12 | 26/06/2019

692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa yêu cầu Nga phải phá hủy tên lửa mới trước tháng 8 và tuân thủ hiệp ước ngăn chặn đầu đạn hạt nhân ở châu Âu, nếu không sẽ phải đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ hơn trong khu vực.        
nato muon nga pha huy ten lua moi
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Trong cuộc họp sẽ diễn ra vào hôm nay (26/6) của NATO, Bộ trưởng Quốc phòng của các nước thành viên sẽ thảo luận về biện pháp đối phó với Nga, nếu nước này giữ hệ thống tên lửa mới mà Mỹ nói sẽ cho phép thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chớp nhoáng nhắm vào châu Âu, vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (INF).

Trước thềm cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Nga không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ hủy bỏ hệ thống tên lửa mới. Chúng tôi sẽ phải có phản ứng mạnh mẽ". Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Các nhà ngoại giao tiết lộ, các bộ trưởng quốc phòng sẽ cân nhắc tăng cường máy bay ném bom Mỹ mang theo đầu đạn hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa và tập trận quân sự.

Mỹ và các đồng minh NATO muốn Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình hạt nhân 9M729/SSC-8, song Moscow cho đến nay vẫn từ chối thực hiện việc này. Moscow cũng phủ nhận cáo buộc vi phạm hiệp ước INF và cho rằng Washington đang tìm cách khởi động một cuộc chạy đua vũ trang.

Mỹ tuyên bố sẽ rút ra khỏi hiệp ước INF vào ngày 2/8 tới, nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Trong trường hợp điều này xảy ra, những hạn chế ngăn cản Mỹ phát triển tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sẽ được gỡ bỏ.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo, việc Mỹ đưa các hệ thống tên lửa đến Đông Âu, sát biên giới với Nga có thể dẫn đến đối đầu tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hồi năm 1962.

Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Mỹ và Liên Xô ký vào năm 1987 quy định 2 nước phải tiêu hủy toàn bộ các tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500-5.500 km. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đã lần lượt rút khỏi INF sau khi cáo buộc lẫn nhau vi phạm quy định trong đó.

Vũ Lâm

Euronews