Mỹ lại tráo trở

11:03 | 09/08/2014

7,223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lịch sử “bán tháo đồng minh” của Mỹ mới được ghi thêm một “mốc son” với trường hợp của Nam Sudan.

Tổng thống Mỹ Obama (phải) từng tay bắt mặt mừng với Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir tháng 11/2012

Nam Sudan (tên đầy đủ là Cộng hòa Nam Sudan) là một quốc gia mới được thành lập vào năm 2011 sau khi tách rời ra khỏi Sudan. Với dân số khoảng 9 triệu, Nam Sudan có khá nhiều sắc tộc, hiếm khi thuận hoà với nhau. Ngay sau ngày tuyên bố lập quốc, Nam Sudan đã rơi vào nội chiến. Hiện nay, hai lực lượng chính đang tranh giành nhau một cách quyết liệt nhất là lực lượng chính phủ của Tổng thống Salva Kiir và một lực lượng khác do cựu phó Tổng thống Riek Machar, người bị Tổng thống Kiir cáo buộc là âm mưu đảo chính.

Khi Nam Sudan tổ chức trưng cầu dân ý để ly khai ra khỏi Sudan vào năm 2011, Mỹ rất ủng hộ. Tờ The New York Times khi đó đã xem sự ra đời của nước Nam Sudan là một tác phẩm của Mỹ. Trước đó, quan hệ giữa Mỹ và Sudan rất xấu: Mỹ xem Sudan như một nơi chứa chấp bọn khủng bố, do đó, đã ra lệnh cấm vận Sudan trong thời gian khá dài. Giúp đỡ thành lập nước Nam Sudan được xem là một cách để Mỹ giảm thiểu các nguy cơ gây rối từ Sudan.

Để giúp Nam Sudan trong những năm chập chững lập quốc, Mỹ đã đổ ra cả hàng tỉ USD để viện trợ, xây dựng hạ tầng cơ sở, từ cầu đường đến trụ sở văn phòng chính phủ các cấp, và giúp đỡ về quân sự cũng như an ninh. Các nhà chiến lược Mỹ hy vọng với sự ổn định, phát triển và dân chủ ở Nam Sudan, Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh tiến trình dân chủ đến các nước chung quanh. Ngoài ra, còn một lý do khác, rất thực dụng: Nam Sudan là nơi sản xuất dầu khí lớn hàng thứ ba ở châu Phi, chỉ sau Nigeria và Angola.

Tuy nhiên, các dự tính của Mỹ chỉ là một giấc mơ. Chính phủ nước Nam Sudan càng ngày càng tỏ ra tham nhũng và bất lực, họ lại không đoàn kết được mọi người. Các tranh chấp giữa các đảng phái và các sắc tộc ngày càng trầm trọng. Tiền viện trợ của Mỹ đổ vào đó như muối đổ biển. Tuyệt vọng với Tổng thống Kiir, Mỹ quay sang ủng hộ cựu Phó Tổng thống Machar, để lật đổ chế độ của Nam Sudan. Người mà trước đây Mỹ cáo buộc là "khủng bố", bây giờ trở thành đồng minh của Mỹ. Điều này cũng đã được áp dụng cho Sadam Husein, người mà Mỹ ủng hộ, cung cấp tên lửa để tiêu diệt Iran.

Vấn đề Ukraina hiện nay cũng giống như ở Nam Sudan, nhưng khác biệt ở chỗ: Mỹ đã từng ủng hộ Nam Sudan ly khai với chính quyền Sudan để thành lập một nước Cộng hòa Nam Sudan, trong khi đó, Mỹ và EU lại phản đối sự ủng hộ của Nga về việc ly khai của dân Crưm và dân miền đông Ukraina. Mỹ lên án Nga hỗ trợ phe ly khai và trừng phạt kinh tế Nga, trong khi đổ tiền tỷ USD giúp chính quyền Kiev trong chiến dịch trấn áp người ly khai miền đông Ukraina, đồng thời cung cấp lính đánh thuê và vũ khí cho quân đội Ukraina.

Xa hơn nữa trong lịch sử, đây dường như là thói quen thường xuyên của Mỹ. Mỹ từng liên minh với Liên bang Xô Viết để chống Ðức Quốc Xã trong Thế chiến thứ 2. Sau đó, Mỹ cổ xúy phong trào xóa bỏ chế độ thực dân của châu Âu, nhưng lại ủng hộ châu Âu chống Liên Xô thời chiến tranh Lạnh và yểm trợ các chế độ độc tài.

Mỹ chọn Trung Hoa Dân Quốc là đồng minh để bỏ rơi Trung Hoa Quốc dân đảng trong nội chiến tại Hoa Lục. Sau này Mỹ bắt tay Trung Quốc hòng làm suy yếu Liên Xô. Nóng hổi là việc dẹp bỏ phe Taliban tại Afghanistan xong thì Mỹ có thể lại đàm phán với đối thủ cũ và ồn ào công kích đồng minh là làm không nên chuyện, tham nhũng…

Cách làm thường xuyên của Mỹ đã khiến những nước không ở trong quỹ đạo của Mỹ phải cảnh giác. Tất cả đều thể hiện chính sách bành trướng thế lực của Mỹ trên địa bàn thế giới. Mỹ sẵn sàng triệt hạ kinh tế Nga hay bất cứ ai (kể cả Trung Quốc) trên con đường tiến đến vị trí "cường quốc trên thế giới", cái vị trí không thể thay thế được của Mỹ. Muốn như thế, Mỹ đã và sẽ không ngần ngại sử dụng tất cả đòn phép, thủ đoạn nào để triệt hạ đối thủ của mình, để củng cố ngôi vị "độc tôn của mình”, kể cả những hành động tồi tệ nhất -sử dụng lính đánh thuê và lực lượng khủng bố Al Qaeda. Nhân quyền và chính nghĩa là những mồi nhử cho những ai còn mơ tưởng một thế giới văn minh và bình đẳng.

Nh.Thạch

tổng hợp