Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Mưu sự tại nhân

09:25 | 05/07/2014

2,015 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới chuyến thăm chính thức Hàn Quốc (3 và 4/7) của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Bởi đây là lần đầu tiên, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc phá lệ thăm Seoul trước Bình Nhưỡng.

Năng lượng Mới số 336

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình và bà Park Geun-hye hội đàm tới lần thứ 5 trong vòng 1 năm, nhưng chưa gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, trong khi Seoul là đối tác đứng hàng thứ 5 của Bắc Kinh. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên đã bắn thử 7 quả tên lửa trong các ngày 2/7, 29/6, 26/6 và ông Kim Jong-un đã trực tiếp chỉ huy các vụ thử nghiệm tên lửa này. Được biết, ngày 1/7, giới chức quân sự hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tới Hawaii (Mỹ) để bàn biện pháp tăng cường hợp tác quân sự đối phó với các năng lực hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Mưu sự tại nhân

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Park Geun-hye

Ngụy biện để thay đổi thực tế

Sáng 2/7 (theo giờ Việt Nam), trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington DC, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes tuyên bố, Washington không muốn các nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp cưỡng ép và sẽ nêu vấn đề này tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung sắp tới tại Bắc Kinh. Ông Ben Rhodes khẳng định, vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và an ninh hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông đang trở thành tâm điểm không chỉ trong đối thoại Mỹ - Trung, mà còn đối với toàn bộ khu vực.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Bắc Kinh trong ngày 9 và 10/7 để tham gia Đối thoại chiến lược và kinh tế song phương lần thứ 6 với Phó thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì. Ngoại trưởng John Kerry từng tuyên bố, nếu Mỹ - Trung cùng quan tâm đến mọi vấn đề của thế giới thì sẽ mang lại hiệu quả tương hỗ rất lớn và điều này giống như một thông điệp: Đã đến lúc Mỹ - Trung cùng phân chia thế giới.

Ngày 29/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus ở Bắc Kinh và nhấn mạnh, Trung - Mỹ nên duy trì các nguyên tắc trong mô hình quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn, trong đó nêu bật nguyên tắc không xung đột và không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Đại sứ Max Baucus cho rằng, Mỹ - Trung là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới và Washington sẽ tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh nhằm xây dựng mô hình quan hệ mới giữa những nước lớn.

Trên tờ The Philippine Star ngày 30-6, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley đã bác bỏ những suy đoán của Bắc Kinh cho rằng, Washington âm mưu kích động gây rối với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng. Đồng thời nhấn mạnh, Mỹ và các nước láng giềng muốn nhìn thấy sự minh bạch hơn về khả năng hải quân của Trung Quốc để họ tin rằng, bảo vệ các tuyến đường biển thực sự là mục đích của việc mở rộng hải quân của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 30/6, Tạp chí The National Interest đăng bài của chuyên gia Harry J.Kazianis tại Viện Nghiên cứu chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh) cảnh báo, Trung Quốc đang thực hiện âm mưu điều chỉnh chiến lược ở Biển Đông nhằm củng cố vị thế của mình bằng cách hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phát hành bản đồ mới… để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông. Những động thái này đe dọa trực tiếp đến các quốc gia hưởng lợi trong khu vực, do đó ASEAN phải phản đối hành động của Trung Quốc bằng mọi cách có thể.

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc đang âm mưu hợp lý hóa “đường lưỡi bò” thông qua các động thái gây hấn như cố tình thay đổi hiện trạng tại Biển Đông (hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa giàn khoan Nam Hải 9 hoạt động tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời cải tạo ít nhất 5 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát hành bản đồ khổ dọc mới về “đường lưỡi bò 10 đoạn”); hăm dọa và tạo thêm nhiều “sự đã rồi”. Theo Hãng Bloomberg, giàn khoan Nam Hải 9 bắt đầu đi vào hoạt động ngày 24/6 và sẽ kết thúc ngày 20/8.

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Mưu sự tại nhân

Giáo sư Carl Thayer (trái) dự hội nghị về Biển Đông

Toan tính mới

Ngày 2/7, tờ South China Morning Post cho biết, quân đội Trung Quốc được giao thêm nhiều quyền hạn để đối phó với “ngư dân và gián điệp nước ngoài” lai vãng gần khu vực được coi là vùng biển của nước này. Việc này diễn ra sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành luật Bảo vệ Cơ sở Quân sự và có hiệu lực từ ngày 1/8. Cũng trong ngày 2/7, giới truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đăng bài chỉ trích động thái bỏ lệnh cấm quân đội tham chiến ở nước ngoài của Nhật Bản. Trước đó (1/7), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản đối chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản sau khi Tokyo quyết định mở rộng vai trò quân sự của lực lượng phòng vệ và tăng khả năng hỗ trợ đồng minh. Trong khi đó Mỹ, Australia, Philippines và nhiều nước khác lại ủng hộ.

Phó cố vấn An ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết, Tổng thống Barack Obama ủng hộ quyết định của Chính phủ Nhật Bản và coi đây là biểu hiện của sự chín muồi trong quan hệ Mỹ - Nhật. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã hoan nghênh quyết định của Tokyo và cho rằng, điều này sẽ làm liên minh Mỹ - Nhật trở nên hiệu quả hơn. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng, Nhật Bản có quyền trang bị cho mình theo cách mà họ cho là cần thiết và Washington khuyến khích Tokyo thực hiện điều đó một cách minh bạch.

Ngày 1/7, nội các Nhật Bản chính thức thông qua “cách hiểu mới” về Hiến pháp hòa bình, tạo điều kiện cho Tokyo thực thi quyền phòng vệ tập thể. Đây là thay đổi mang tính lịch sử và quan trọng nhất đối với chính sách an ninh kể từ sau Thế chiến II của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, “cách hiểu mới” về điều 9 của Hiến pháp là sẽ cho phép Lực lượng phòng vệ tham chiến khi một quốc gia có quan hệ thân cận với Nhật Bản bị một kẻ thù chung tấn công, kể cả khi Tokyo không phải là mục tiêu bị tấn công. Để thông qua “cách hiểu mới”, liên minh cầm quyền phải đạt được thỏa thuận cơ bản về những điều kiện mới cho phép Tokyo sử dụng vũ lực phòng vệ trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu tạo ra sự thay đổi lớn về chính sách sau Thế chiến II. Đảng Công minh Mới (NKP) từng không muốn thông qua vấn đề nhạy cảm này. Ông Shinzo Abe coi sự kiện này sánh với cải cách Minh Trị năm 1868 đánh dấu sự khởi đầu của nước Nhật hiện đại. Được biết, Tokyo đã vạch ra 8 kịch bản có thể thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Giới truyền thông cho biết, các cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe từng trình dự thảo đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm Tokyo hỗ trợ các đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công. Đề xuất này được coi là cơ sở để ông Shinzo Abe thúc đẩy sự thay đổi lịch sử đối với chính sách quốc phòng lâu nay vẫn dựa trên nguyên tắc: có quyền tự vệ bằng lực lượng tối thiểu cần thiết, nhưng không được tham chiến ở nước ngoài.

Tờ The Wall Street (Mỹ) cảnh báo, Thủ tướng Shizo Abe đang bị người dân trong nước phản đối mạnh mẽ về những nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quốc phòng của Tokyo bằng cách sửa đổi Hiến pháp hòa bình. Theo kết quả khảo sát dư luận của Hãng Kyodo (tiến hành qua điện thoại) cho thấy: Có tới 55,4% số người được hỏi phản đối dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. Trước đó, hàng nghìn người Nhật Bản đã xuống đường phản đối kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe muốn giảm nhẹ điều khoản chủ hòa trong Hiến pháp và trao cho quân đội vai trò tích cực hơn.

Hết ảo tưởng

Theo giới truyền thông, để tăng cường năng lực giám sát biển trước những nguy cơ từ bên ngoài, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản được trang bị hệ thống cảnh báo mới (có thể tự động hiển thị vị trí trên một bản đồ trực tuyến). Trước đó, Tokyo đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm đổ bộ gồm 3.000 quân, theo mô hình thủy quân lục chiến Mỹ để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Nhật Bản là quốc gia sở hữu nhiều đảo xa với kích cỡ khác nhau. Các đảo này tạo cho Nhật Bản vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Điều đó khiến vấn đề bảo vệ các đảo trong những năm tới trở nên bức thiết.

Tạp chí SAPIO của Nhật Bản số ra tháng 7 cho rằng, mặc dù Mỹ đang giúp Nhật Bản ngăn chặn Trung Quốc trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng dường như Washington muốn tránh đối đầu quân sự trên biển với Bắc Kinh. SAPIO nhận định, trước năm 2025, Bắc Kinh sẽ hoàn tất việc chế tạo và triển khai 6 tàu sân bay hạt nhân cùng khoảng 20 tàu ngầm hạt nhân và Washington buộc phải “vui vẻ chia sẻ quyền thống trị Châu Á - Thái Bình Dương” với quốc gia đông dân nhất thế giới. Mặc dù từng coi Bắc Kinh là “kẻ cạnh tranh chiến lược”, nhưng Mỹ vẫn phải coi Trung Quốc là “người cùng chung lợi ích”. Giới chuyên môn cho rằng, sự gia tăng đáng kinh ngạc trong ngân sách và lực lượng quân sự của Trung Quốc trong những năm qua đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh về ý định của Bắc Kinh trong việc muốn đẩy lùi lực lượng Mỹ ra khỏi Châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ở Singapore (30/6), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam cho rằng, xung đột là khó tránh khỏi khi các quốc gia có những lợi ích khác nhau. Đồng thời nhận định, có rất nhiều mập mờ về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm DOC. Giới chuyên môn cho rằng, cuộc gặp lần thứ 11 của Nhóm làm việc chung giữa Trung Quốc và ASEAN thực thi DOC diễn ra tại Bali, Indonesia (24 và 25/6) là cơ hội tốt để các bên giải tỏa căng thẳng trên Biển Đông, nhưng đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào.

Cảnh báo của Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull tại diễn đàn do Đại học Quốc gia Australia tổ chức (từ 29/6 đến 1/7) đã thu hút sự quan tâm của dư luận khi cho rằng, hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông (hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và tấn công tàu Việt Nam) gây cảm giác bất an cho khu vực và điều này sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá. Ông Malcolm Turnbull còn nhấn mạnh, chính sách hiện nay của Bắc Kinh đang khiến các nước láng giềng trở nên gần Mỹ hơn bao giờ hết. Và nếu căng thẳng ở Biển Đông dẫn đến một cuộc xung đột với sự tham gia của Washington, Bắc Kinh không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Cũng tại diễn đàn kể trên, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cảnh báo, tranh chấp chủ quyền, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, là một trong những vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát chung của giới lãnh đạo khu vực và thế giới.

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Mưu sự tại nhân

Bản đồ mới của Trung Quốc tại xưởng in ở Hồ Nam

Trong khi đó, ông Dan Blumenthal, chuyên gia Mỹ về an ninh châu Á cho rằng, những gì Trung Quốc đang làm chẳng khác gì hành vi của Mỹ trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khi tìm kiếm bá quyền ở biển Caribe và châu Mỹ. Còn ông Abe Denmark, chuyên gia Mỹ về an ninh châu Á lại nhận định, những diễn biến trong chính phủ và xã hội Trung Quốc có liên quan tới những hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và một số nơi khác.

Bàn về thái độ của Trung Quốc đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay, tờ Bangkok Post số ra ngày 30/6 cho rằng, Trung Quốc cần thương lượng sau khi liên tiếp chủ động gây căng thẳng và xung đột và Bắc Kinh đang đe dọa hòa bình ở Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel từng cho rằng, những nỗ lực mang tính cưỡng bức của Trung Quốc nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp không những làm gia tăng căng thẳng, mà còn hủy hoại vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Ngày 2/7, tờ Philippine Star dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, quân đội nước này sẽ nhận được máy bay chiến đấu mới để bảo vệ lãnh thổ. Manila không có máy bay chiến đấu bảo vệ lãnh thổ kể từ khi một phi đội máy bay phản lực F-5 ngừng hoạt động vào năm 2005.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin Votaire cho biết, không quân nước này đã tiếp nhận 4 máy bay trực thăng UH1H đầu tiên từ liên danh Mỹ-Canada, trước dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập lực lượng này. Động thái này diễn ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cáo buộc Philippines làm gia tăng căng thẳng trong khu vực sau khi Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố ủng hộ chính sách quân sự quyết đoán hơn của Nhật Bản.

 

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh