Một ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ: Nếu hòa thì sao?

17:00 | 05/11/2012

1,373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một ngày trước bầu cử tổng thống Mỹ, mọi kết quả trưng cầu dân ý đều cho thấy hai ứng cử viên đang rất khít khao, bất phân thắng bại. Liệu hai ứng cử viên Obama và Romney có hòa, nghĩa là mỗi người sẽ đoạt được 269 phiếu của đại cử tri?

 

Bản đồ đại cử tri minh họa trường hợp mỗi ứng cử viên đều đoạt được 269 phiếu đại cử tri này có thể thành sự thật

Và quan trọng hơn, nếu có chuyện hòa thì điều gì sẽ xảy ra? Không chỉ đặt câu hỏi một cách bâng quơ, nhà báo Mike Emanuel của Fox News đã tỉ mỉ tính toán và vẽ ra một bản đồ đại cử tri (sau đó được nhiều người khác trích dẫn) để chứng minh được trường hợp này có thể thành sự thật.

Trong kịch bản này, ứng cử viên Romney phải thắng ở các tiểu bang Florida, North Carolina, Virginia và Nevada, trong khi đó Obama sẽ phải thắng ở Michigan, Ohio, Pennsylvania và New Hampshire.

Chưa xét vội đến tính cách thiết thực của bản đồ này, câu hỏi là giả sử mỗi bên đạt được một nửa số phiếu đại cử tri thì ai sẽ làm tổng thống?

Tu chính án thứ 12 của hiến pháp Mỹ quy định rằng trong trường hợp không ứng cử viên nào đoạt được đa số phiếu đại cử tri, Hạ Viện sẽ đi bầu và chọn một trong ba ứng cử viên đoạt được nhiều phiếu nhất làm tổng thống.

Theo thể thức bầu phiếu của Hạ Viện, mỗi tiểu bang sẽ chỉ được bầu ra một đại diện để bỏ phiếu. Ðiều này có nghĩa là tiểu bang California với 53 vị dân biểu sẽ cử một người đi bầu, tức được một phiếu; và tiểu bang Vermont, với vị dân biểu duy nhất cũng có một phiếu. Mọi tiểu bang bất kể lớn nhỏ đều được đồng hạng một phiếu, ứng cử viên nào được đa số phiếu của Quốc hội sẽ đắc cử.

Tương tự như thế, các thượng nghị sĩ cũng đi bầu và chọn người nắm chức vị phó tổng thống.

Trong lịch sử nước Mỹ, đã có ba lần Hạ Viện phải quyết định ai được làm tổng thống. Lần đầu tiên là vào năm 1800, khi hai ứng cử viên Thomas Jefferson và Aaron Burr hòa. Năm 1824, các vị dân biểu liên bang phải quyết định trong cuộc đua 4 vì không ứng cử viên nào dành được đa số phiếu đại cử tri, và năm 1876, họ phải quyết định giữa hai ứng cử viên Samuel J. Tilden và Rutherford B. Hayes.

Nếu điều đó thực sự xảy ra, ông Joe Trippi, chiến lược gia của đảng Dân chủ cho rằng nó sẽ tạo ra một màn kịch chính trị “rất căng”, vì Hạ viện, hiện đang do đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế sẽ chọn tổng thống, và Thượng viện đảng Dân chủ kiểm soát sẽ chọn phó tổng thống, và như vậy rất có thể dẫn đến một Nhà trắng lưỡng đảng.

Austin Ostro của tờ Huffington Post viết: “Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho tình hình chính trị của Mỹ trong trường hợp hòa phiếu đại cử tri, mà Quốc hội lại bầu ứng cử viên được ít phiếu phổ thông thành tổng thống? Biết đâu đó sẽ là động cơ cần thiết để đẩy mạnh việc loại bỏ hệ thống cử tri đoàn cổ xưa và phi dân chủ này?”

Karl Rove, cựu cố vấn của Tổng thống George W. Bush nói, trường hợp hòa có lẽ “có xác suất dưới 1%”, nhưng trong cuộc đua đầy gay cấn và độc đáo này, là một “giả thuyết hoàn toàn không thể loại bỏ”.

Nhiều nhà phân tích khác cho rằng một tình huống khác, dù hơi bất thường, nhưng có xác suất cao hơn, đó là một ứng cử viên đạt đa số phiếu phổ thông, nhưng đối thủ lại đoạt đa số phiếu đại cử tri, như trường hợp Al Gore và Bush năm 2000.

May mắn thay mọi người không phải suy đoán lâu. Chỉ còn đúng một ngày nữa!

Ông Malik Obama, anh em cùng cha khác mẹ của Tổng thống Obama, nói với phóng viên AP rằng gia đình ông ở Kenya tin tổng thống Mỹ sẽ tái đắc cử kỳ này

Trong một diễn biến khác, người anh cùng cha của Tổng thống Mỹ ở Kenya nói rằng, gia đình của họ ở châu Phi tin rằng ông Obama sẽ thắng trong cuộc bầu cử vào ngày mai.

Ông Malik Obama trả lời trong cuộc phỏng vấn của AP hôm 4/11 rằng gia đình ông không thấy có lý do nào để ông Obama không được chọn làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Malik lên tiếng trong cuộc thi đấu thể thao do ông tổ chức hằng năm, để vinh danh người cha quá cố là ông Barack Obama, Sr.

Dân làng Kogelo, quê cha của Tổng thống Obama, hết sức kỳ vọng rằng ông Obama sẽ tái thắng cử. Tại nhà thờ St. Richard, ông Okech Ogambe, 53 tuổi, nói rằng ông cầu cho ông Obama được bầu lại.

Hầu hết người dân Kenya đều xem ông Obama, con trai của một người mẹ da trắng gốc tiểu bang Kansas với một người cha da đen gốc Kenya, là con cái của chính họ. Tổng thống Barack Obama có cả thảy năm anh chị em hai dòng máu.

Th.Long (Tổng hợp)