Một hành trình chiêm nghiệm sâu sắc từ Seoul – Busan

08:08 | 09/05/2022

116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước khi viết lời bình cho tập thơ này, có một điều mà tôi muốn làm rõ. Những bài thơ trong tập thơ “400km” này đến với tôi như một sự chấn động, một vẻ đẹp kì lạ, một dấu ấn vô cùng đặc biệt bởi nó là tập thơ được viết nên bởi một nhà thơ người nước ngoài sáng tác thơ bằng thứ ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi băn khoăn liệu rằng trước đây, khi lần đầu tiên tiếp xúc với ngôn ngữ của chúng ta, tác giả đã từng có suy nghĩ rằng một ngày nào đó có thể sáng tác thơ như thế này hay không?

(Về tập thơ “400km” của tác giả Nguyễn Thị Thu Vân)

Son Hyun-sook (Nhà phê bình văn học Hàn Quốc)

Nguyễn Thị Thu Vân (Dịch từ bản tiếng Hàn)

Một hành trình chiêm nghiệm sâu sắc từ Seoul – Busan
Một hành trình chiêm nghiệm sâu sắc từ Seoul – Busan

Khi nhận bản thảo của nhà thơ từ nhà xuất bản, có một mối cảm động kì lạ đã ùa tới quanh tôi. Có lẽ chỉ tác giả mới có thể làm được những điều kì diệu như vậy. Tác giả đã vô cùng thuần thục với từng âm, từng chữ của một ngôn ngữ xa lạ, vượt qua sự sắp xếp câu từ đơn thuần để sáng tác nên những vần thơ đầy xúc cảm cùng sự chiêm nghiệm sâu sắc. Bản thân việc tác giả thử tài ngôn ngữ của mình đối với loại hình văn chương là thơ cũng là một điều đáng khâm phục. Và ngạc nhiên hơn nữa là trong tập thơ, thay vì tập trung vào góc nhìn của một người nước ngoài, tác giả đã cho thấy những cảm xúc và suy tư mang tính phổ biến chung của con người không phân biệt đất nước, biên giới. Cảm xúc và những suy nghĩ nội tâm xuyên suốt trong tập thơ không có gì khác nhiều so với tâm tư nói chung của chúng ta. Điều này cho thấy tình cảm và sự thấu hiểu sâu sắc về đất nước và con người Hàn Quốc của tác giả.

Những câu thơ ấy đã khiến dấy lên trong tôi một sự tò mò rằng tại sao và thế nào mà tác giả lại có mối nhân duyên và dành tình yêu mến đối với đất nước này đến thế? Khi viết nên những dòng này, chính bản thân tôi cũng không biết liệu tác giả đang ở đâu? Cũng như câu chuyện tình yêu trong Nghìn lẻ một đêm, khi đọc những vần thơ này của tác giả, tôi đã đem lòng yêu mến tác giả. Khả năng ngôn ngữ đầy thuyết phục và hoàn hảo của tác giả đã khiến tôi đi đến quyết định rằng từ giây phút này, tôi sẽ xóa bỏ hoàn toàn suy nghĩ trong đầu rằng tác giả là một người nước ngoài.

Cửa ra số 4 ga tàu điện Sadang

Nếu như bước ra từ cửa ra số 4 ga tàu điện Sadang

thì chính là khu nhà của tôi.

Người phụ nữ bận rộn với xe hàng ăn

Mỗi lần nhìn thấy tôi,

Lại hỏi han: “Hôm nay cô định ăn gì?”

Người đàn bà khoảng chừng 50 tuổi

Trong quán ăn vốn nổi tiếng với món canh cá Dongdae

Mỗi lần nhìn thấy tôi,

Lại mỉm cười đầy thân thiện.

Người đàn ông chất đầy táo và quýt

trên chiếc xe tải nhỏ để bán hàng ngày

Mỗi lần nhìn thấy tôi,

Lại cất tiếng chào đầy hoan hỉ

với khuôn mặt đầy mồ hôi

Những con người bình thường như thế

Những con người hàng ngày vẫn vật lộn mưu sinh như thế

Bỗng chốc tự khi nào

Đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi

Một người vốn đến từ một đất nước xa lạ.

Ga điện ngầm Sadang có đến 14 cửa ra. Đôi khi tôi còn gặp những người bị lạc đường ở đó. Chắc hẳn tác giả cũng sống ở gần cửa ra số 4 ga tàu Sadang. Ban đầu có thể mọi thứ đều lạ lẫm nhưng rồi sau một thời gian sống ở đây, tác giả hẳn đã có hàng xóm và bạn bè. Những nhân vật xuất hiện trong bài thơ trên đều là những con người chật vật với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Chắc hẳn tác giả cũng đã sống một cuộc sống giản dị và mang trong mình một lòng trắc ẩn đẹp đẽ mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp giản dị từ những điều hết sức bình thường như vậy. Tôi cũng không hiểu ở đất nước của tác giả - có phải vốn là đất nước thuộc nền văn hóa có tính ngữ cảnh cao, nên người ta cũng thể hiện sự hỏi han bằng câu hỏi mời ăn hay không mà tác giả cũng đã thấm nhuần được với nền văn hóa của chúng ta, vốn hay chào hỏi nhau bằng câu chào dùng bữa nên câu chào hỏi tưởng chừng rất vô vị của bà chủ quán “Hôm nay cô ăn gì?” cũng đã được tác giả đón nhận bằng một tấm lòng hết sức ấm áp trong một ngữ cảnh mang tính ngôn ngữ như vậy.

Nếu như tôi…

Tôi đã rời xa Seoul được 10 năm

Vậy mà cứ ngỡ như mới hôm qua

Nếu giờ đây tôi ào chạy đến

Liệu ánh nắng buổi sáng của Seoul

Có đánh thức tôi dậy hay chăng?

Nếu giờ đây tôi tìm đến

Liệu cơn mưa xuân của Seoul

Có xoa dịu tôi hay chăng?

Nếu giờ đây tôi ở lại đó

Liệu có ai tìm gặp tôi hay chăng?

Theo tình huống đưa ra ở bài thơ trên thì chúng ta có thể thấy được hiện nay tác giả không còn ở Seoul nữa. Nếu thử ước tính thời gian thì có lẽ đã hơn 10 năm kể từ thời điểm tác giả sinh sống rồi rời xa nơi đây. Các thông tin cụ thể hơn rằng tác giả ở đây bao lâu, và làm gì thì không xuất hiện trong tập thơ. Nhưng nếu theo dấu những bước chân của tác giả thì có thể thấy rằng có lẽ tác giả đã sang Hàn Quốc để học tập, và mang những kỉ niệm ghi dấu nơi đây khi trở về quê hương. Trong bài thơ “Nếu như” này, tuy chỉ là một bài thơ đơn giản, được sáng tác một cách đầy ngẫu hứng, không sử dụng thủ pháp nghệ thuật nào phức tạp hay mang tính tượng trưng, nhưng vẫn rất giàu sức gợi, mang lại cảm giác về một nỗi nhớ xa xăm tràn ngập trong bài thơ.

Có thể thấy từ đắt giá nhất trong đoạn thơ trên chính là trạng từ “ào (chạy đến)”. Chỉ bằng một từ ngắn gọn với một âm tiết thôi nhưng nó đã cho thấy Seoul là một nơi thân thuộc đối với tác giả đến mức nào. Đúng vậy, nếu là một nơi hay một người không có mối thân tình hay không đối xử nhiệt thành với chúng ta, liệu rằng chúng ta có thể có dũng khí để “ào (chạy đến)” bất cứ khi nào hay không? Tôi đã có suy nghĩ rằng, đối với tác giả, có lẽ tự lúc nào, nơi này đã trở thành quê hương thứ hai của chị.

400km

Nếu khoảng cách giữa ga tàu Seoul và cầu Gwangan

là 400km

Thì liệu tấm lòng và nỗi nhớ của mỗi chúng ta

cũng dài đến thế chăng?

Tình yêu và gặp gỡ

Ly biệt và nhớ nhung

Liệu rằng có một lúc nào đó

Chúng ta có thể đi tìm lại

những mảnh ghép của nỗi nhớ

đã vương vãi trên quãng đường 400km ấy hay chăng?

Tình yêu của nhân vật trong bài thơ là tình yêu đã thuộc về quá khứ. Ở thời điểm hiện tại, tình yêu đó đã kết thúc nhưng nhờ những vần thơ mà nó đã sống lại thành thì hiện tại. Trong bài thơ này tác giả đã dùng thủ pháp hoán đổi sử dụng quãng đường vật lý để miêu tả cảm xúc trong lòng. Quãng đường “400km” nếu lái xe sẽ mất khoảng 5 giờ đồng hồ, đi bộ thì mất khoảng 20 ngày. Khi viết nên những câu thơ: “Tình yêu và gặp gỡ/ Ly biệt và nhớ nhung”, tác giả đã chỉ ra thuộc tính muôn thuở của tình yêu. Người ta vốn cho rằng vì tình yêu là một trò chơi kì lạ nên kẻ càng yêu nhiều hơn thì càng phải chờ đợi nhiều hơn, cũng như kẻ càng yêu nhiều hơn thì cũng chính là kẻ thua cuộc. Nhưng đọc những vần thơ này, tôi bỗng có suy nghĩ rằng liệu có đúng như vậy hay không? Cũng có câu nói cho rằng: “Người dũng cảm là người xứng đáng nhận được tình yêu”. Câu thơ: “Liệu khi nào chúng ta tìm lại?” chính là một câu tuyên ngôn khi khẳng định rằng tấm lòng của nhân vật chính trong bài thơ vẫn mãi như vậy. Nếu thế thì có đúng là người chờ đợi nhiều hơn nhất định sẽ là người thua cuộc hay không?

Hoàng hôn ở Gwangalli

Ai đó đã nói rằng

Giá như hoàng hôn màu hoàng kim xuất hiện từ buổi sáng

Bình minh xuất hiện vào buổi tối

Thì tốt biết mấy!

Trong cuộc sống của chúng ta

Giá như

Tuổi trẻ và cái chết

Cũng đến trước

Thay thế cho sự ra đời và thanh xuân

Thì tốt biết mấy

Vì có thể sống với sự thông thái

Có thể nhìn vào cuộc sống mà sống

Vì có thể sống mà không hối tiếc

Vì những ngày tươi đẹp sẽ ngập tràn phía trước chúng ta

Thì tốt biết mấy!

Trong tiểu thuyết “Chiếc đồng hồ đếm ngược của Benjamin Button (The curious case of Benjamin Button)” của nhà văn F. Scott Fitzgerald, ông đã xây dựng nên hình ảnh nhân vật chính sinh ra với dáng vẻ của một người già và chết đi với hình ảnh của một đứa trẻ. Tuy nhiên, thời điểm đẹp nhất của câu chuyện chính là hình ảnh thời thanh xuân khi đang yêu đương của Benjamin Button. Trong bài thơ trên, tác giả cũng đề cao vẻ đẹp của hoàng hôn hay sâu xa hơn là sự từng trải và hiểu biết của những con người đã trưởng thành, bước qua nhiều trải nghiệm trong cuộc đời. Đúng vậy. Cũng như có những người khi ăn một món ăn nào đó thường bắt đầu từ món kém ngon nhất rồi mới ăn đến món ngon nhất, tác giả cũng cho rằng khi chúng ta đã trải qua nhiều dư vị và nỗi buồn của cuộc sống, thì có thể sống tốt hơn và yêu mến cuộc sống này hơn. Nhưng liệu điều đó có thể xảy ra hay không? Đương nhiên là sẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra được. Tôi cũng đã từng có dịp ngắm nhìn hoàng hôn ở Gwangalli. Khi dạo bước trên bờ biển Gwangalli, không biết vì lý do gì nhưng tôi cũng đã có suy nghĩ rằng hoàng hôn ở nơi này đẹp hơn bình minh.

Cái giá của tự do

Nếu như cánh chim muốn bay lên cao

Cần từ bỏ mặt đất

Thì chúng ta

Nếu muốn gắn lên mình đôi cánh của tự do

Rẽ gió

Bay lên mảnh đất của ước mơ

Thì cũng phải từ bỏ điều gì đó.

Khi đọc bài thơ “Cái giá của tự do” này, liên tưởng đến hình ảnh cánh chim rẽ gió bay lên bầu trời của tự do, tôi đã nghĩ rằng bài thơ này chính là bài thơ đại diện cho nhà thơ Nguyễn Thị Thu Vân. Kim Soo-Young đã từng trăn trở rằng: “Làm thế nào mà trong tự do lại có mùi của máu?” Đúng vậy, muốn tự do chúng ta luôn phải trả giá bằng chính những trải nghiệm của mình.

Giờ đây, tôi xin dành chút thời gian sau cùng để nói thêm về nhà thơ Nguyễn Thị Thu Vân mà tôi chưa từng có dịp gặp mặt. Rất muộn sau cùng ở cuối bản thảo tôi mới có cơ hội ngắm nhìn ảnh chân dung của tác giả cùng tóm tắt sơ yếu lý lịch. Trong ảnh, tác giả mặc một chiếc váy Âu phục màu kem, mỉm cười thật tươi. Hình ảnh đầy dịu dàng và rất thư thái của nhà thơ đã khiến tôi có suy nghĩ rằng trong quá trình sáng tác nên tập thơ này bằng một thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình, tác giả hẳn đã vất vả như thế nào? Bởi ngôn ngữ và thơ ca vốn thường có được thông qua những trải nghiệm của chính chủ thể của nó. Khép lại bài bình luận này, tôi mong sao tác giả sẽ luôn tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, may mắn và luôn đóng vai trò là cây cầu nối văn chương giữa đất nước của tác giả và đất nước của chúng tôi.

Vài nét về tác giả và tác phẩm:

“400km” là tập thơ của tác giả Nguyễn Thị Thu Vân, ghi lại những cảm xúc và kỉ niệm của tác giả trong thời gian sinh sống và học tập tại Hàn Quốc 12 năm trước. Tập thơ gồm 48 bài thơ được viết theo thể thơ tự do với minh hoạ là hơn 30 bức ảnh tác giả chụp trong những chuyến đi qua lại Hàn Quốc gần 20 năm qua, sẽ giúp người đọc hiểu hơn về một đất nước Hàn Quốc với một vẻ đẹp giản dị, đầy chiều sâu, khác xa với vẻ đẹp thường thấy trên phim ảnh. Tập thơ được NXB Dohun ấn hành và ra mắt tại Hàn Quốc mùa xuân 2022.

TS. Nguyễn Thị Thu Vân

Hiện là giảng viên, trưởng Bộ môn Dịch tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị là dịch giả của một số tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc được đông đảo bạn đọc Việt Nam đón nhận và yêu mến, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu có năng lực đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực dịch thuật, nhân học, giới vv… trên các tạp chí chuyên ngành, hội thảo khoa học quốc tế trong và ngoài nước.

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps