Một cuộc chiến tranh dầu lửa mới sắp diễn ra

06:20 | 16/02/2012

463 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tháng 2/2012, để trả đũa việc lượng dầu thô xuất khẩu bị phong tỏa do phải đi qua các hải cảng nằm trong quyền kiểm soát của Bắc Sudan, chính quyền Nam Sudan đã quyết định đóng cửa các giếng dầu trên lãnh thổ của mình. Hành động trên được mô tả "giống với không khí chiến tranh hơn là hòa bình" và Bắc Sudan cho biết đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột với các tỉnh cũ ở phía nam.

Nam Sudan, một nước vừa giành độc lập từ láng giềng phía bắc hồi tháng 7/2011 sau 3 thập niên nội chiến, đã không “phúc đáp” bằng lời với phát biểu trên của Tổng thống bắc Sudan Omar Hassan al-Bashir, nhưng dư luận khu vực không nghi ngờ việc Juba (thủ phủ nam Sudan) cũng muốn một lựa chọn súng đạn. Căng thẳng giữa hai nước “anh em” Bắc và Nam Sudan vẫn xoay quanh vấn đề chia sẻ nguồn tài nguyên dầu lửa.

Sau khi chia cắt, miền Bắc lập tức mất quyền kiểm soát đối với 70% trữ lượng nằm trên lãnh thổ Sudan mới, một mất mát mà Khartoum thực sự không chấp nhận nổi. Ngược lại, việc xuất khẩu dầu thô phụ thuộc vào các đường ống dẫn dầu chạy qua phía bắc cũng khiến Nam Sudan khó chịu. Vì vậy, vấn đề là ở chỗ hai nước chưa bao giờ đạt được một thỏa thuận triệt để về quyền quá cảnh cũng việc chia sẻ nguồn dầu thô.

Bản đồ hai nước anh em Sudan

Trên thực tế, các cuộc đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ kể từ năm 2005, trong khi Hiệp định Hòa bình (CPA) có hiệu lực, chấm dứt nội chiến và mang lại độc lập cho Nam Sudan. Các yêu sách về lợi ích của hai bên có khoảng cách quá xa nhau, thậm chí hết sức vô lý so với thực tế. Bắc Sudan đòi chia 74.000 thùng/ngày trong khi sản lượng của Nam Sudan được cho là chỉ đạt 350.000 thùng/ngày; hoặc đòi tiền thuế 36USD/thùng, một đòi hỏi quá cao theo đánh giá của các chuyên gia, nhưng đất nước phía nam chỉ đồng ý trả… 1USD.

Đối với Khartoum, khoản chia chác nói trên có ý nghĩa sống còn. Việc nguồn thu từ dầu thô sụt giảm đã gây khủng hoảng kinh tế sâu sắc và bất bình trong các tầng lớp xã hội ở bắc Sudan, từ đó gây thêm nhiều nguy cơ đối với chế độ Khartoum và Đảng Đại hội Dân tộc (NCP) cầm quyền.

Cuối tháng 1/2012, Khartoum đã buộc tội Juba không chịu trả phí quá cảnh cho dầu thô xuất khẩu, đồng thời tịch thu 1,7 triệu thùng dầu trước khi vây hãm 4 tàu trở tổng cộng 2,2 triệu thùng dầu của Nam Sudan. Khủng hoảng bùng nổ, Juba buộc tội Khartoum “cướp trắng” của Nam Sudan hơn 800 triệu USD đầu thô và trả đũa bằng việc đóng cửa các giếng dầu trên lãnh thổ của mình.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Addis-Abeba (29/1), Liên minh châu Phi đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải và tìm giải pháp triệt để cho hai nước nhưng không thành công. Juba yêu cầu trước khi bàn đến vấn đề dầu lửa, Khartoum phải giải quyết toàn bộ các các hồ sơ còn tồn tại từ 2005, đặc biệt là vấn đề đường biên giới. Theo yêu sách của Nam Sudan, Khartoum phải công nhận các đường biên giới năm 1956 và trả lại toàn bộ các khu vực còn chiếm đóng. Tuy vậy, Khartoum luôn coi đây là một đòi hỏi không thể chấp nhận được.

Như muốn làm tăng thêm căng thẳng, Chính phủ Nam Sudan còn công khai việc đã ký kết với Kenia một thỏa thuận xây dựng một tuyến đường ống để trực tiếp xuất khẩu dầu thô mà không cần phải đi qua láng giềng phía bắc. Mặc dù giới chuyên gia quốc tế còn nghi ngờ tính khả thi và khả năng sinh lời của dự án này, nhưng đây vẫn là một mối đe dọa hiện hữu đối với Khartoum. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Khartoum khẳng định, “nhát xẻng đầu tiên của dự án này sẽ chẳng khác nào phát súng làm bùng nổ chiến tranh”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng tỏ ra rất lo ngại về căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước Sudan. “Tình hình đã phát triển đến điểm nguy kịch, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn khu vực”. Trên thực địa, căng thẳng về tranh chấp dầu lửa đang gây những tác động tiêu cực ngày càng rõ rệt. Juba và Khartoum buộc tội lẫn nhau về việc trang bị vũ khí cho các dân binh. Tại các khu vực biên giới tranh chấp, đặc biệt các tỉnh thuộc châu thổ sông Nil Xanh và vùng Kordofan ở phía nam, xung đột địa phương đang trở thành dây chuyền, khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm sâu sắc thêm hận thù giữa các bộ lạc.

Song Phương