Lương y… “chui”

07:00 | 15/06/2014

4,220 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không đâu tìm thầy lang lại dễ như ở xứ ta. Do nắm bắt tâm lý cả tin của người dân vào đông y nên rất nhiều thầy lang dù không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề mà vẫn ngang nhiên bắt mạch, kê đơn và bốc thuốc.

Năng lượng Mới số 325

Những ông lang vườn

Kể về câu chuyện trường kỳ tìm thầy lang chữa bệnh ung thư máu cho chồng, đến giờ chị Hoàng Thị Hiên (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết buồn. Chị bảo, chồng chị mắc căn bệnh ung thư máu được hơn một năm, điều trị hóa chất ở Viện Huyết học truyền máu Trung ương được một đợt thì sức khỏe của chồng chị quá yếu, không thể truyền được tiếp. Nghe người nhà mách ở Hưng Yên có người chữa được các bệnh ung thư, chị vui mừng khôn xiết, tìm đến thầy với hy vọng có thể cứu được chồng. Thầy lang này yêu cầu mang hồ sơ bệnh án của chồng đã điều trị ở viện đến để tiện cho việc chẩn đoán và bốc thuốc. Ra về mang theo 3 thang thuốc là niềm hy vọng để cứu chồng, tuy nhiên mới uống được hai thang thì bệnh tình của chồng chị xấu đi trầm trọng, sau đó chồng chị mất. Thực tế, câu chuyện về những thầy lang chữa được bệnh ung thư ở xứ ta đã không còn lạ. Dù đã nhiều lần được các phương tiện truyền thông đại chúng khuyến cáo nhưng nhiều người thay vì chọn cách điều trị khoa học thì lại đi theo “tiếng gọi” của… thầy lang.

Thầy lang Nguyễn Bá Nho (bên trái) và bệnh nhân

Được biết ông Nguyễn Bá Nho ở Lai Cách, Sóc Sơn, Hà Nội qua nhiều phương tiện truyền thông là có thể chữa được bệnh hiểm nghèo từ nhiều năm nay, thậm chí ông còn công khai là chữa được cả bệnh ung thư. Mang mối nghi ngờ, chúng tôi đã về tận nơi để tìm hiểu thực hư. Căn nhà hai tầng khang trang, có vài bệnh nhân ngồi đợi thầy Nho cho thuốc. Theo quan sát thì một ngày bệnh nhân đến xin thuốc thầy Nho khá nhiều, toàn những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo như: ung thư máu, ung thư dạ dày, ung thư thực quản… Tại nhà ông lang Nho, chúng tôi thấy 3 cuốn sổ dày có ghi lại địa chỉ của cả trăm người đến khám. Dò xét những số điện thoại của bệnh nhân còn lưu trong sổ của ông Nho, xác minh đã có người khỏi, người đang đỡ nhưng cũng có người không qua khỏi. Đúng hôm đó, chúng tôi cũng gặp được anh Cao Đình Quang (Yên Thành, Nghệ An) ra “cảm ơn” thầy Nho vì đã cứu sống anh qua khỏi căn bệnh ung thư thực quản.

Đóng góp của thầy lang Nho trong việc chữa ung thư đến đâu còn chưa rõ và dù đã chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo cho dân nhưng ông Nho lại chưa có chứng chỉ hành nghề. Chính ông Nho thừa nhận chỉ là thành viên của Hội Đông y Sóc Sơn, nhờ có bài thuốc gia truyền mà bốc thuốc chữa bệnh cho bà con nhiều năm nay. Ông Nho cũng không trưng biển hiệu bốc thuốc, chỉ là do người bệnh chữa khỏi nên họ tự truyền tai và mách nhau đến chữa.

Không riêng gì ông Nho, trên địa bàn huyện Sóc Sơn dễ dàng bắt gặp những thầy lang bốc thuốc theo kiểu “truyền miệng”, thậm chí còn nghênh ngang trưng biển hiệu bốc thuốc. Đơn cử trên địa bàn chợ Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) trước hai căn nhà nằm sát nhau trưng cùng hai biển hiệu “Nhà thuốc Bắc Nam Bà Tàu Đường gia truyền”, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc đến giấy phép. Tương tự có cửa hàng đông y ở chợ Nỉ, cửa hàng thuốc đông y ở Nam Lý (Bắc Sơn, Sóc Sơn) hay cửa hàng đông y ở xã Phú Cường... Theo ông Phạm Duy Hùng, Phó trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn thì cả huyện có hơn 100 thành viên trong Hội Đông y nhưng chỉ có 2 người được cấp phép hành nghề. Với quá nhiều thầy lang như vậy mà cơ quan quản lý lực lượng mỏng, rất khó để kiểm soát.

Thực tế, quy trình cấp phép cho thầy lang hàng nghề tối thiểu phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT như: Phải có đất xây dựng địa điểm riêng, cố định và tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình. Xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, phòng khám chuyên khoa phải có buồng khám bệnh có diện tích ít nhất là 10m2 và nơi đón tiếp người bệnh… Chiểu theo những điều kiện này thì rất ít thầy lang có thể đáp ứng. Vậy nên, đa số các thầy lang đều bán thuốc… “chui”.

“Quản” thầy lang thế nào?

Xưa nay, Việt Nam có cả trăm thầy lang tự nhận mình chữa được ung thư và thực tế cũng có những trường hợp thoát chết thần kỳ. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội thì: Bệnh ung thư là căn bệnh mà cả nền y khoa thế giới còn chưa dám khẳng định là chữa được. Trường hợp các thầy lang ở ta quảng bá chữa được bệnh ung thư là hoàn toàn không có cơ sở.

Lý giải việc các bệnh nhân có thể chữa được ung thư, ông Siêm giải thích: Thực chất những bài thuốc mà các thầy lang quảng cáo chữa được ung thư là các bài thuốc chữa u bướu. Bài thuốc này kết hợp với các vị thuốc thảo dược có chức năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Nhiều thầy lang còn kết hợp với các loại dịch truyền của tây y để hỗ trợ giải độc. Khi bệnh nhân bị mắc trọng bệnh, cơ thể suy kiệt, uống thuốc này vào sẽ khỏe hơn, kéo dài tuổi thọ nên bệnh nhân dễ ngộ nhận. Trong đông y, ung thư là loại u bướu ác tính chưa có bài chữa. Nên với những trường hợp bệnh nhân khỏe mạnh hơn thì chỉ có thể hiểu loại thuốc này có chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. Ông Siêm cũng chỉ ra một thực tế, nhiều thầy lang khẳng định chữa được ung thư nhưng cứ một thời nổi lên, về sau lại chìm nghỉm, ông đánh giá đó là cách làm chộp giật, vô lương tâm.

Một lý do được đặt ra là, việc cấp phép hành nghề cho các thầy lang còn chưa sát thực và chậm trễ nên khó phân luồng, đánh giá và quản lý. Nhiều lương y bày tỏ bức xúc cho rằng, việc chậm trễ cấp chứng chỉ hành nghề vừa gây khó khăn cho các lương y, vừa ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của ngành y học cổ truyền và phát sinh hiện tượng “đánh đu” mác lương y hành nghề trái phép. Bản thân cũng là một hội viên Hội Đông y, ông Nguyễn Bá Nho bày tỏ: “Chúng tôi cũng thấy rõ việc bốc thuốc khi chưa được cho phép là sai, nhưng chẳng nhẽ thấy bệnh mà không cứu. Thêm nữa, việc cơ quan quản lý ban hành luật mà không có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, thì khó cho chúng tôi. Thực tế, với những điều khoản trong quy định thì khó lương y nào có thể đáp ứng để được cấp chứng chỉ hành nghề. Có nhiều thầy lang chữa được bệnh hiểm nghèo cho dân thật thì cần phải được ghi nhận chứ không thể cứ để “vàng thau lẫn lộn” vừa thiệt thòi cho lương y, vừa đem đến một thực tế là lương y hành nghề bát nháo như hiện tại. Tôi mong muốn sớm có hướng dẫn sát thực để phân luồng chất lượng lương y”.

Hiện tại, chỉ tính riêng Hội Đông y thành phố Hà Nội đã có hơn 5.000 thành viên. Hội chỉ là một tổ chức nghề nghiệp, có nhiệm vụ tuyên truyền. Trong trường hợp phát hiện các thành viên trong hội bốc thuốc trái quy định thì hội cũng chỉ “khuyên răn” chứ không thể xử phạt. Trong khi đó, lực lượng thanh tra y tế cơ sở lại quá mỏng để có thể kiểm soát nên mới có hiện tượng “lách luật” của các thầy lang.

BS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội mong muốn: “Bộ Y tế sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề công nhận lương y, lương dược để các đối tượng này được hành nghề đúng luật. Hiện các thủ tục hành chính còn quá rườm rà. Với những lương y đã được lịch sử chứng nhận rồi thì cũng không nên làm khó họ về thủ tục”. Ông Siêm cũng chỉ ra những trường hợp lương y lách luật, vẫn khám chữa bệnh và bốc thuốc như thường nhưng không trưng biển quảng cáo để khi cơ quan chức năng đến sẽ không có chứng cớ xử phạt. Như vậy, có chăng việc chậm ban hành thông tư chuẩn hóa lương y, Bộ Y tế đã vô tình đẩy hàng trăm lương y vào tình thế hành nghề sai quy định và cũng là tạo điều kiện cho những thầy lang rởm được lộng hành?!

Huyền Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc