Vững tin vào tuyến đầu chống dịch

06:59 | 27/02/2021

112 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm nay, ngày truyền thống cao quý - Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) của ngành Y tế thật đặc biệt. Không họp mặt, không lễ kỷ niệm, thay vào đó, những y, bác sĩ tiếp tục căng mình, dồn sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19... Gửi niềm tin ở những “chiến sĩ áo trắng” đang trong tuyến đầu chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng ta có sức chiến đấu, có ý chí mạnh mẽ, kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành, nên dù lần này phải đối đầu với một trận chiến khó khăn, nhưng sẽ thành công”.
Vững tin vào tuyến đầu chống dịch
Các bác sĩ thực hiện lọc máu liên tục cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh).

Cứ có dịch là lên đường…

Sau gần 2 tháng không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ngày 25-1-2021, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca mắc ở tỉnh Hải Dương. Những ngày sau đó, hàng trăm ca mắc tại Công ty TNHH Poyun (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã được Bộ Y tế công bố. So với các đợt dịch diễn ra tại nước ta hơn 1 năm qua, đợt dịch lần này phức tạp hơn, do vi rút gây bệnh là biến chủng vi rút của Anh, tốc độ lây nhiễm tăng hơn 70%. Chính vì vậy, suốt thời gian qua, nhiều y, bác sĩ phải lao vào tâm dịch, xa gia đình, tận tâm hết mình, không quản ngày nghỉ, ngày Tết để bảo vệ sức khỏe người dân.

Là bác sĩ trẻ trong đoàn công tác chống dịch của Bệnh viện Bạch Mai đã từng chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng vào tháng 7-2020, nay khi dịch bùng phát tại Hải Dương, bác sĩ Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai) lại xung phong lên đường. “Hơn 1 tháng qua, tôi chưa về nhà. Năm nay cũng là năm đầu tiên tôi ăn Tết xa gia đình. Nếu bảo không nhớ nhà, nhớ người thân là không đúng, nhưng ở đâu cần, thầy thuốc chúng tôi sẽ có mặt”, bác sĩ Toàn chia sẻ.

Nhớ lại đêm 29 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bác sĩ Toàn kể: “Tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở Hải Dương, có một bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh. Buổi sáng, bệnh nhân chỉ khó thở, nhưng đến chiều, chỉ số ôxy trong máu trung bình chỉ còn 60% so với 95% của người bình thường, đây là con số vô cùng thấp. Đêm đó, tôi cùng cả ê kíp đã thức trắng đêm lọc máu cho bệnh nhân... Và sau 6 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch. Dù cả ê kíp đã có một “đêm trắng” căng thẳng để giành giật sự sống cho người bệnh, nhưng khi thấy họ qua được cơn nguy kịch, bao mệt mỏi của chúng tôi đều tan biến”…

Hơn 10 năm công tác trong ngành điều dưỡng và làm việc tại Khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), việc trực Tết với chị Phan Thị Sen và các đồng nghiệp không còn là điều xa lạ. “Lần thứ 2 kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, dù nhà cách bệnh viện không xa, nhưng vì nhiệm vụ nên tôi không thể về nhà đón Tết. Khi gọi điện về, các con hỏi: “Bao giờ mẹ về?”, tôi cũng tủi thân, nhưng rồi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để đóng góp một phần nhỏ bé của mình giúp đất nước phòng, chống dịch”, chị Sen tâm sự.

Vững tin vào tuyến đầu chống dịch
Bác sĩ Vương Xuân Toàn, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) kiểm tra sức khỏe một bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2, tỉnh Hải Dương.

Quyết tâm chiến thắng đại dịch

Trong đợt dịch này, 5 đội cơ động đáp ứng nhanh của thành phố Hà Nội cùng với 60 đội cơ động của trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã luôn hoạt động hết công suất. Cùng với đó, các "chiến sĩ áo trắng" của Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng ứng trực 24/7 để thực hiện gần 2 nghìn xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, bất chấp mọi khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, những chiến sĩ thầm lặng của ngành Y tế Thủ đô luôn xông pha trong tuyến đầu “chống giặc Covid-19”. Những tháng ngày căng mình chống dịch, các y, bác sĩ ngày quên ăn, đêm quên ngủ và chấp nhận xa gia đình để hoàn thành nhiệm vụ, giúp cho tình hình dịch trên địa bàn Thủ đô nhanh chóng được kiểm soát, người dân được đón Tết trong bình an.

Khác với những đợt dịch trước, ở đợt dịch này các y, bác sĩ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân “đặc biệt”. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, ngoài bệnh nhi nhỏ nhất nhập viện khi mới 24 ngày tuổi và có mẹ là trường hợp F1 đi cùng chăm sóc, hầu hết các trẻ từ 5 đến 10 tuổi vào điều trị, cách ly không có người nhà đi cùng. Khi thấy các bác sĩ, điều dưỡng mặc bộ bảo hộ kín mít, có trẻ đã sợ, thậm chí còn khóc. Khi đó, các y, bác sĩ không chỉ làm nhiệm vụ điều trị, mà còn phải quan tâm, chăm sóc, động viên, giúp trẻ giải tỏa tâm lý. “Có những trẻ thích đọc truyện Đôrêmon, chúng tôi đã mua gửi vào để các bé cảm thấy vui vẻ, phối hợp tốt với y, bác sĩ trong điều trị”, ông Nguyễn Trọng Khoa nói.

Gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến gia đình, người thân của cán bộ, công chức và người lao động ngành Y tế đã luôn đồng hành chia sẻ, làm hậu phương vững chắc, nguồn động viên tinh thần to lớn để cán bộ y tế vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức, hiểm nguy, hoàn thành tốt sứ mệnh của những "Lương y như từ mẫu".

“Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức, đồng lòng của mỗi người dân, toàn xã hội, tinh thần sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh luôn được giữ vững, ngành Y tế sẽ hoàn thành nhiệm vụ, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 đầy cam go và thử thách”, người đứng đầu ngành Y tế tin tưởng.

Theo Báo Hànộimới