Lương sư - Hưng quốc

08:18 | 21/11/2012

3,693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cách đây hơn 200 năm, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ nhà giáo Võ Trường Toản đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của những người làm nghề giáo, đó là đạo lý “Lương sư - Hưng quốc”. Chân lý này nghĩa là quốc gia có những người thầy giỏi và có một nền giáo dục tốt, thì sẽ hưng thịnh.

Lương sư - Hưng quốc vừa nhắc nhở trọng trách, vừa ngợi ca những người thầy vừa có tầm, vừa có tâm và có đạo hạnh. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao người thầy như thế. Đó là người thầy của muôn đời Chu Văn An (1292-1370) - người dạy học cho thái tử, cũng là người đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch.

Đó là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn - tác giả của nhiều áng thơ văn bất hủ tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân. Đó là các bậc thầy cao quý như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Lân... và lớp lớp thầy cô khác đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ tiếp nối. Người thầy chân chính thường đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tấm lòng nhẫn lại, bền bỉ và bằng cả cái tâm trong sáng của mình. “Lương sư” hiểu đơn giản là làm thầy phải là người vừa có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt lại vừa có năng lực chuyên môn. Thật ra đây chỉ là một cách diễn giải khác về “đạo làm thầy” đã được các bậc thức giả từ cổ chí kim luận đàm, tôn vinh.

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ nhà giáo, để nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; để các thế hệ học sinh tri ân người đã dạy dỗ mình, ngày 28/9/982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Thật lý thú khi người ký văn bản tôn vinh Nhà giáo Việt Nam ấy lại là nhà giáo Võ Nguyên Giáp. 30 năm qua, ngày 20/11 trở thành ngày hội của giáo giới Việt Nam và cũng là ngày mà toàn xã hội dành cho các thầy giáo, cô giáo sự quan tâm sâu sắc.

Cả nước ta hiện nay có khoảng 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Đội ngũ nhà giáo đông đảo hiện nay đang thực sự đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên ai đó đã nói rằng, nghề dạy học thật vinh quang mà sao lắm cay đắng, nhọc nhằn đến thế! Cách nay mấy năm đã có những lời hứa từ cấp cao nhất trong ngành là năm 2010 các nhà giáo có thể sống được bằng nghề nghiệp. Tất nhiên, các nhà giáo không mơ màng này nọ đâu. Họ chỉ cần đủ sống tùng tiệm mà đâu có được.

Một cô giáo 30 năm đứng lớp lương chỉ có 6 triệu đồng một tháng, còn xa mới đến ngưỡng nộp thuế thu nhập, thử hỏi làm sao đủ sống? “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”, với chương trình hiện nay, trừ các thần đồng nếu không học thêm học trò không sao kham nổi nên thầy cô buộc phải dạy thêm cho hết chương trình và có thêm thu nhập, bởi họ không kêu như một quan chức rằng, lương thứ trưởng cũng không đủ sống!? Giả như tất cả các nhà giáo đều được hưởng như ông thứ trưởng nọ, xem cả ngành giáo dục là thiên đường, sẽ không có cảnh rình bắt tại lớp thầy giáo dạy thêm như tội phạm mà học trò là nhân chứng; sẽ không có phụ thu lạm bổ và học sinh nghèo nội trú dân nuôi ở miền núi bữa cơm nào cũng có thịt.

Thật đau lòng vì trong những năm gần đây, tiếc rằng vẫn còn có các thầy giáo, cô giáo có biểu hiện tha hóa về đạo đức mất nghề, mất nghiệp, để lại tiếng xấu khó bề gột rửa. Đặc biệt nguy hại khi điều này chẳng những tác động tiêu cực đến ngành giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhân dân, làm xấu đi hình tượng của những người làm nghề dạy học.

Giữ đạo làm người đã khó, giữ đạo làm thầy càng khó hơn! Lương sư chính là hình tượng sáng trong nhất, rực rỡ nhất của những người giữ trọn đạo làm thầy.

Ngày 20/11 không chỉ là ngày hội của riêng ngành giáo dục mà thực sự đã trở thành ngày hội giáo dục của toàn xã hội. Đây cũng chính là sự tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo, bởi đất nước ta là đất nước ngàn năm văn hiến và nhân dân ta có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học. Đặc biệt, nhà giáo được tôn vinh bởi đội ngũ người thầy có ảnh hưởng to lớn đến sự tồn vong, phát triển của đất nước. Nói cụ thể hơn, người thầy là chủ thể có vai trò quyết định trong việc giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam, trong việc đào tạo nguồn nhân lực làm lực lượng và động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong thời kỳ phong kiến ở nước ta, với sự truyền dạy, đào tạo của các bậc thầy Nho học, nền giáo dục Nho học Việt Nam đã có 2.898 vị đỗ đại khoa. Đây là nguồn nhân lực tinh hoa nguyên khí của đất nước. Các vị đỗ đại khoa này và những người có học khác đã góp phần quan trọng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục nước nhà, đội ngũ nhà giáo của chúng ta không ngừng được xây dựng lớn mạnh, ngày càng đóng góp hiệu quả vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Vì độc lập và tự do của tổ quốc, vì sự nghiệp trồng người, nhiều nhà giáo đã ngã xuống trong chiến tranh như người chiến sĩ. Máu của các nhà giáo liệt sĩ ấy đã làm rạng rỡ thêm hình tượng cao đẹp của nhà giáo Việt Nam. Hiện nay đội ngũ nhà giáo Việt Nam có khoảng 1,2 triệu giáo viên, giảng viên đang nhọc nhằn hưởng vinh quang nghề nghiệp. Đặc biệt, hàng vạn thầy giáo, cô giáo ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đang cống hiến tuổi thanh xuân của mình để mang “con chữ” đến cho các em nhỏ. Ỏ đây làm gì có học thêm, dạy thêm, bởi thầy giáo phải dỗ dành học trò đến lớp…

Dù rằng ở đâu đó trong đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn có người chưa gương mẫu, chưa xứng đáng với danh hiệu nhà giáo Việt Nam, nhưng không thể vì những hiện tượng cá biệt này mà phủ nhận công lao hàng triệu nhà giáo đang tâm huyết hàng ngày, hàng đêm miệt mài trên giảng đường, bên trang giáo án cống hiến tâm lực của đời mình cho sự nghiệp đổi mới và phát triển nền giáo dục nước nhà. Quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cho các  thầy giáo, cô giáo, trước hết là cải cách chương trình, là nâng lương tăng phụ cấp chứ không chỉ tặng hoa và tôn vinh xuông. Có vậy đội ngũ nhà giáo Việt Nam mới thực sự vững mạnh và vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành sứ mệnh trồng người cao cả.

     Thọ Vinh