Liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị để ĐBSCL vươn lên

07:00 | 24/05/2022

687 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hiện tại, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nông dân vẫn canh tác theo hướng tự phát, manh mún, dẫn đến nhiều hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp. Vậy làm sao để ĐBSCL phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước? GS.TS Võ Tòng Xuân đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới xung quanh vấn đề này.
Liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị để ĐBSCL vươn lên
GS.TS Võ Tòng Xuân

PV: Theo ông, nông nghiệp của vùng ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức nào?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Hiện nay, những đề án, chương trình phát triển vùng ĐBSCL triển khai chậm, chưa hiệu quả, chưa tạo những chuyển biến rõ rệt. Trong hơn 40 năm qua, Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng ĐBSCL tập trung đầu tư cho cây lúa, bảo đảm an ninh lương thực. Lãnh đạo địa phương cũng tập trung chỉ đạo sản xuất lúa và quy tấn lúa ra GDP. Chúng ta thiếu đầu tư những lĩnh vực canh tác khác.

Thực tế đã chứng minh, chỉ tập trung phát triển cây lúa không giúp nông nghiệp phát triển, nông dân làm giàu được. Chưa kể, việc trồng lúa càng ngày càng khó khăn do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giá vật tư phân bón tăng cao, giá lúa bấp bênh...

Trong bối cảnh đó, nhiều nông dân tự phát làm theo hướng khác. Ở vùng ven biển, người dân tự dẫn nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Dĩ nhiên, nuôi tôm có lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Vùng khác, người dân đào ao, trồng cây ăn quả, nuôi cá, thu nhập khá hơn trồng lúa... Nhưng vì làm tự phát, người sau thấy người trước có lợi nhuận thì cứ chạy theo làm, canh tác không theo quy trình kỹ thuật nào, đầu ra không ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nên rất bấp bênh. Khi khách hàng Trung Quốc không mua nữa thì kêu gọi “giải cứu”.

Vấn đề đó đã tồn tại nhiều năm qua, vẫn chưa dừng lại. Do vậy, kinh tế vùng ĐBSCL chưa phát triển mạnh. Tuy ĐBSCL là “vựa gạo số 1” của Việt Nam, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng nông dân trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn.

Liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị để ĐBSCL vươn lên
Cần liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị để tăng giá trị nông sản (ảnh minh họa)

PV: Sau Nghị quyết 120-NQ/TW năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2022 có Nghị quyết 13-NQ/TW về phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông kỳ vọng thế nào về những chuyển biến của vùng ĐBSCL trong thời gian tới?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Từ cuối năm 2017, tuy có Nghị quyết 120 nhưng các địa phương trong vùng vẫn lúng túng, loay hoay để triển khai và nông dân phần nhiều vẫn làm theo kiểu tự phát. Chúng ta muốn có những cánh đồng lớn để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có giá cao hơn nhưng không làm được bởi thiếu hướng dẫn. Vấn đề khó khăn hơn cả là làm sao để nông dân không làm tự phát, tập trung lại sản xuất theo định hướng đặt ra.

Nghị quyết 13 là kết tinh từ nhiều hiến kế của các nhà khoa học trong nước cũng như nước ngoài, chủ yếu của Hà Lan. Nghị quyết 13 giải quyết khó khăn về đầu ra của nông nghiệp, nông sản Việt; giải quyết được vấn đề nông dân không còn tự mày mò canh tác... Muốn được như vậy, phải thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ, phải liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị; phải có sự cộng tác từ lãnh đạo địa phương, nông dân, doanh nghiệp, hệ thống phân phối, cửa hàng, siêu thị... trên toàn quốc và cả nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị để ĐBSCL vươn lên
ĐBSCL là “vựa gạo số 1” của Việt Nam

Mấu chốt để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13 là làm sao người nông dân kết nối với nhau trong những hợp tác xã (HTX), liên HTX. Như trước đây, chúng ta đã có mô hình HTX rồi nhưng hiệu quả không cao, do người nông dân chưa thật sự được hưởng lợi. Nhưng Nghị quyết 13 có những sửa đổi, Nhà nước sẽ đầu tư, nông dân được tạo nhiều điều kiện như vay vốn ưu đãi, đầu tư máy móc thiết bị sản xuất... khi vào HTX.

Nhà nước cũng cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp cùng tham gia tạo chuỗi giá trị.

PV: Bao nhiêu năm qua, chúng ta tự hào là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng chưa nói một cách đầy đủ những tổn thương môi trường từ đẩy mạnh sản xuất lúa gạo. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng, tăng giá trị nông sản thay vì cứ chạy theo sản lượng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Nghị quyết 120 năm 2017 được gọi là “Nghị quyết thuận thiên”, tức là thiên nhiên vùng nào phù hợp nuôi trồng loại nào thì thuận theo đó mà làm, không cố làm ngược lại. Ví dụ, ở vùng mặn, mùa mưa có nước ngọt thì trồng lúa; hết mưa, lấy nước mặn vào nuôi tôm. Làm như thế thì không bị ô nhiễm môi trường. Canh tác lúa theo quy trình lúa sạch, dùng phân bón vi sinh, sinh học, chỉ bồi thêm ít phân bón hóa học để vừa nuôi dưỡng cây, vừa cải tạo đất, từ đó giúp nông dân giảm tác động của giá phân bón tăng, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng muốn làm như vậy thì nông dân phải vào HTX để được hướng dẫn, quản lý, sản xuất một cách khoa học.

Sắp tới đây, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 13, không thể mỗi ngành làm theo ý mình, mà phải tạo thành chuỗi tổng thể, liên ngành. Nếu làm đúng theo tinh thần Nghị quyết 13, nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ phát triển mạnh mẽ. Đó là chúng ta đang thực hiện đúng theo lời dạy của Bác Hồ năm 1946: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kinh tế vùng ĐBSCL chưa phát triển mạnh. Tuy ĐBSCL là “vựa gạo số 1” của Việt Nam, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng nông dân trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn do sản xuất tự phát, manh mún.

Lê Trúc (thực hiện)

Hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hộiHoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội
Thủ tướng: Cần xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùngThủ tướng: Cần xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng
Phát triển nông nghiệp bền vững theo phương châm “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn”Phát triển nông nghiệp bền vững theo phương châm “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn”
Phát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với liên kết vùngPhát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với liên kết vùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc