Tiềm năng kinh tế biển Trà Vinh
Thái Bình phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường |
Cà Mau triển khai dự án hơn 30 triệu euro xây đê biển Tây và phục hồi rừng ngập mặn |
Trà Vinh được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, đây là hệ thống giao thông đường thủy huyết mạch của tỉnh và khu vực, kết nối Trà Vinh với các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và với Vương quốc Campuchia và Khu Kinh tế Định An được quy hoạch là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, và là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển của cả nước. Đây là cơ sở và tiềm năng để tỉnh phát triển kinh tế biển trong thời gian tới.
Tiềm năng phát triển ngành thủy sản
Vùng biển Trà Vinh có nguồn thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế tương đối cao gồm: thực vật phù du có 73 loài thuộc 5 ngành, đa phần tập trung vào ngành tảo Silíc và các nhóm tảo có nguồn gốc nước mặn; mật độ trung bình đạt 666/cá thể/ lít. Động vật phù du có 48 loài, số động vật nổi vùng ven bờ đạt bình quân 15.600 cá thể/m3; biến động từ 4.000-34.000 cá thể/m3. Nguồn lợi thủy sản vùng ven biển bao gồm nguồn lợi cửa sông, rừng ngập mặn và vùng nước ven biển có độ sâu 30 - 40m nước vào bờ. Nguồn cá ven biển có 40 họ, 78 giống và 150 loài gồm cá biển ven bờ, cá nước lợ và cá di cư.
Bãi tôm cửa Định An diện tích khoảng 20.000 ha là bãi tôm lớn nhất trong 05 bãi tôm ở dãi ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính trữ lượng tôm biển tại hai bãi tôm chính là 97-212 kg/ha (Bắc Cung Hầu) và 64-249 kg/ha (Cửa Định An). Vùng biển Trà Vinh còn tiếp nối với vùng Biển Đông có độ sâu; nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, cá hồng, cá thu...
Trà Vinh có khoảng 95.000 ha diện tích phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ; 6.000 ha rừng phòng hộ. Việc khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn ven biển, kết hợp nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản với chăm sóc, bảo vệ rừng đã đóng góp hiệu quả cho kinh tế - xã hội các địa phương ven biển. Với những tiềm năng sẵn có, Trà Vinh có nhiều thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Tiềm năng về giao thông vận tải và logistics
Vùng biển và ven biển Trà Vinh là cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Bộ, cảng biển Trà Vinh là cảng thương mại đầu mối cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra vào cảng Cần Thơ.
Toàn tỉnh có 06 bến cảng (01 cảng sông và 05 cảng biển), trong đó, cảng Định An được quy hoạch cảng tổng hợp loại 2 của khu vực, được khởi công xây dựng vào tháng 7/2019 tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải với diện tích hơn 120 ha, tổng vốn đầu tư 4.452 tỉ đồng với 03 bến cảng. Khi hoàn thành, cảng Định An sẽ bảo đảm cho tàu có trọng tải từ 30.000 tấn đầy tải đến 50.000 tấn vơi tải (với thiết kế hiện tại có độ âm từ 9,5 m) và theo thiết kế năng lực của cảng có thể nạo vét độ âm khoảng 16,5 m sẽ đáp ứng cho tàu có trọng tải từ 70.000 tấn đến 160.000 tấn cập cảng, bao gồm trung tâm logistics sau cảng. Năng lực thông quan năm 2030 ước khoảng 3,6 đến 5,4 triệu tấn/năm. Đây sẽ là cảng vận chuyển hàng hóa lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cảng Trà Cú được quy hoạch là cảng tổng hợp cho tàu tải trọng từ 10.000 tấn đến 20.000 tấn giảm tải, diện tích 16,8 ha, bến cập tàu dài 180m. Cùng với đó là cảng Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ là cảng chuyên phục vụ Trung tâm Điện lực Duyên Hải, có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 tấn.
Cầu cảng Nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh - Ảnh: Nguyễn Văn Châu |
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án cầu Đại Ngãi (nối tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh trên Quốc lộ 60) bằng vốn vay ODA, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.040 tỉ đồng và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, tổng mức đầu tư là 800 tỉ đồngđã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình này sẽ góp phần kết nối giữa khu bến cảng tổng hợp Trà Vinh với Quốc lộ 1, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận - Cần Thơ được dễ dàng hơn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cả về đường thủy lẫn đường bộ đang được tập trung đầu tư như: tuyến Quốc lộ 60 là tuyến hành lang ven biển phía đông; tuyến quốc lộ 53 và 54 kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua tuyến Quốc lộ 1; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Vì vậy, Trà Vinh có điều kiện thuận lợi về phát triển giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch và giao lưu văn hóa với tất cả vùng miền trong nước và quốc tế, đây là lợi thế cho Trà Vinh phát triển.
Trong tương lai, khi cầu Đại Ngãi xây dựng hoàn thành, kết nối hai tỉnh là Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp hoàn thiện chuỗi công trình kết nối toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long thì khoảng cách di chuyển từ các tỉnh phía Nam của đồng bằng sông Cửu Long đi Thành phố Hồ Chí Minh qua Quốc lộ 60 sẽ được rút ngắn đáng kể (khoảng cách ngắn nhất hiện tại giữa Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh là 180 km). Đây là những cơ hội cho Trà Vinh biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển, giúp tỉnh trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tiềm năng về phát triển công nghiệp biển
Trà Vinh là 01 trong 02 địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước được Chính phủ chọn để thành lập khu kinh tế, đó là Khu kinh tế Định An trên địa bàn huyện Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp với diện tích 39.020 ha, hiện có 47 dự án với tổng vốn đăng kí khoảng 154.740 tỉ đồng.
Trong Khu kinh tế Định An, Trà Vinh được Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (tổng nguồn vốn đầu tư 88.000 tỉ, công suất thiết kế trên 4.400 MW, hiện đã đi vào hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, nhà máy Duyên Hải 3 mở rộng và Nhà máy Duyên Hải 2 đang trong giai đoạn hoàn thành; bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời và điện gió cũng được lắp đặt đi vào hoạt động đã góp phần đảm bảo nguồn điện ổn định cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của khu vực và cả nước.
Tiềm năng về phát triển du lịch biển
Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển như: rừng nguyên sinh có hệ động thực vật đa dạng, gồm các loài đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, tôm, cua, cá, nghêu, sò huyết, kì đà, các loại chim, cò...; nhiều danh lam thắng cảnh (biển Ba Động, Cồn nghêu, Thiền viện Trúc Lâm); khai thác tắm khoáng nóng (mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông – Long Thạnh, chạy dài từ từ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải) và có nhiều chùa chiền là điểm tham quan du lịch gắn với phát triển du lịch sinh thái, mô hình homestay.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 01 khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn tại thị xã Duyên Hải với tổng diện tích quy hoạch 302,95 ha; khảo sát và hoàn thành đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái Hàng Dương (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) tỉ lệ 1/2.000, quy mô 20 ha để kêu gọi xây dựng khu du lịch sinh thái biển, tham quan, nghỉ dưỡng, cắm trại. Tập trung mời gọi đầu tư về phát triển du lịch biển, có 02 doanh nghiệp thuê đất với diện tích trên 22.500 m2 để đầu tư các hạng mục phục vụ khách du lịch. Tập trung đầu tư hạ tầng du lịch biển gồm hệ thống cấp điện, nước, giao thông nội bộ (đầu tư trên 6.500 m đường giao thông nội bộ dọc theo bờ biển).
Đặc biệt, ven biển Trà Vinh có mỏ nước khoáng nóng chạy dài từ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, phường 1, thị xã Duyên Hải được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước xét và phê duyệt ở cấp B (240 m3/ngày đêm), với nhiệt nóng 37,50C, rất lí tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng. Đây là lợi thế rất lớn có thể đưa vào kết hợp với du lịch biển. Bởi nguồn khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe, thêm vào đó, việc khai thác nguồn khoáng nóng sẽ làm kéo dài tính thời vụ du lịch biển Trà Vinh. Nếu như du lịch biển Trà Vinh thu hút nhiều du khách đến tham quan vào mùa hè, sự xuất hiện của tài nguyên này sẽ tạo điều kiện kéo dài thời gian tham quan, trải nghiệm du lịch biển Trà Vinh. Ngoài ra, có thể kết hợp xây dựng khu vui chơi giải trí hoặc tạo thêm nhiều hoạt động để giữ chân du khách ở lại khám phá vùng đất này. Bởi điểm đến hấp dẫn, níu kéo du khách ở lại sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao doanh thu cho ngành du lịch, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Tóm lại, Trà Vinh là một trong những tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có những tiềm năng và lợi thế để xây dựng Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long như mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. |
Theo Cổng thông tin Điện tử tỉnh Trà Vinh
-
Chứng khoán tuần mới (từ 25 đến 29/11): Thắp lên hy vọng
-
Quảng Ngãi: Cấm khai thác thủy sản tại 2 vùng biển vào tháng 11 hằng năm
-
Quảng Ngãi nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản
-
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, PAN về đích sớm?
-
Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo "cuộc cách mạng cho cây lúa"
-
Tìm giải pháp chuyển đổi xanh trong ngành hàng hải Việt Nam
-
Kiên Giang đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý tàu cá vi phạm chống khai thác IUU
-
Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam
-
Nhân lực là yếu tố cốt lõi cho phát triển kinh tế biển bền vững
-
Chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác