Liên hoan sâu khấu “Tuồng, dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013”

19:46 | 19/05/2013

596 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tối ngày 18/5/2013, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam đã khai mạc liên hoan sân khấu "Tuồng, dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013".

Đây là cuộc thi do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VH-TT&DL Quảng Nam. Liên hoan sẽ diễn ra từ 18/5/2013 cho đến 26/5/2013 tại Quảng Nam.

Tham dự cuộc thi lần này có khoảng 700 diễn viên từ 11 đoàn dân ca kịch, nhà hát tuồng trên cả nước. Với 15 vở diễn, trong đó 9 vở tuồng, 6 vở dân ca kịch. Cùng với đó, trong thời gian diễn ra cuộc thi, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ đưa 5 đoàn đến 5 địa phương vùng sâu vùng xa của Quảng Nam để biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong số 9 vở tuồng tham gia cuộc thi năm nay, những câu chuyện lịch sử về các triều đại phong kiến vẫn là đề tài được các đoàn nghệ thuật tập trung khai thác, 6 tác phẩm dân ca kịch tập trung vào các chủ đề cuộc sống hiện tại.

Một cảnh trong vở dân ca kịch “Đường đua trong bóng tối”

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Vương Duy Biên cho biết: “Cuộc thi nhằm tổng kết, đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động nghệ thuật sân khấu tuồng, dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc trong thời gian qua, trên cơ sở đó xây dựng định hướng phát triển cho những năm tiếp theo. Đây cũng là dịp để các đơn vị tập trung xây dựng những vở diễn mới, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân vừa thiết thực phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước. Qua cuộc thi, hy vọng sẽ xuất hiện và tỏa sáng nhiều tài năng mới trong bộ môn nghệ thuật tuồng và dân ca kịch hôm nay”.

Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch được tổ chức định kỳ 5 năm một lần để nhắc nhở sự tồn tại của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. Đây cũng là dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, vấn đề làm sao thu hút khán giả đến với liên hoan, và sau đó là không quay lưng lại với nghệ thuật tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp như nhiều năm về trước là một bài toán đau đầu với những đoàn tham gia liên hoan, cũng như những người tổ chức. Khán giả không quay lưng với tuồng dù hiện nay họ có quá nhiều sự lựa chọn các kênh giải trí cũng như có nhiều lý do khác để không đặt chân đến nhà hát tuồng. Điều đó có thể thấy được khi lượng khán giả đến với những đêm diễn đầu tiên chật cứng khán phòng của Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam. Quảng Nam cũng là một trong những cái nôi sản sinh ra nghệ thuật tuồng và các loại hình văn hóa biểu diễn khác. Chính vì thế, liên hoan năm nay đã nhận được sự chào đón và hưởng ứng rất nhiệt tình của khán giả Quảng Nam.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: "Đây là dịp để tổng kết, đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động của những sân khấu tuồng, đoàn dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước; xây dựng định hướng phát triển cho những đơn vị này trong những năm tới. Tuy nhiên, một thực tế cốt lõi là làm sao để sân khấu tuồng sống được và phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trong khi chính vì không có khán giả, nhiều tác giả kịch bản cũng không thiết tha viết cho sân khấu truyền thống. Cái khó này níu cái vướng kia, dẫn nghệ thuật truyền thống đến tình trạng mờ nhạt dần trong đời sống văn hóa. Trên thực tế, nhiều nhà hát cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nghệ sĩ kế thừa, còn nhiều bất cập trong quản lý và điều hành khiến nghệ sĩ không còn mặn mà. Đấy là bức tranh chung của các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật truyền thống trên cả nước hiện nay. Bên cạnh đó, các vở diễn hiện đại hiện nay hoặc là không có kịch bản hay, hoặc là chưa bám sát với hơi thở của cuộc sống đương đại khiến người xem nhàm chán".

Cùng với đó, hiện nay các nhà hát tuồng không thể bán vé để tự thu tự chi, mà phải sống “thoi thóp” bằng chế độ bao cấp của Nhà nước. Thực tế, các nghệ sĩ tuồng được phong tặng NSƯT, NSND bởi có nhiều cống hiến, thành tích nghệ thuật vẫn là diễn viên hạng ba (lương khởi điểm bậc 2/12, hệ số 2.06). Nghệ sĩ tuồng rất khó bám trụ với nghề. Nhiều nghệ sĩ tỏ ra chán nản, không hăng say, thậm chí bỏ nghề. Chính vì thu nhập từ hoạt động nghệ thuật này quá thấp, nên chỉ có những nghệ sĩ thật sự yêu nghề mới theo nghề đến bây giờ. Vẫn biết làm nghệ thuật là phải cống hiến, phải hy sinh nhưng như nhiều nghệ sĩ vẫn thường hay nói “có thực mới vực được đạo”, khi mà đời sống các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn buộc lòng một số diễn viên trẻ phải bỏ nghề, mặc dù họ rất yêu nghề.

Nói một cách nào đó, thì nghệ thuật là một khái niệm mà ở đó luôn có những điểm nhấn trầm, bổng dẫn đến sự thành công của người nghệ sĩ. Nhưng đôi lúc, đó cũng là sự đa đoan khi đã trót mang nghiệp diễn vào thân. Tuy vậy, suy cho cùng mỗi một con người khi đã dấn thân vào nghệ thuật thì ánh đèn sân khấu cũng là lẽ sống của cuộc đời với đầy đủ những khắc khoải, hạnh phúc, đau buồn...

Gia Ly