LHQ nói gì về kế hoạch xả thải nước phóng xạ của Nhật Bản đang gây xôn xao dư luận?

19:00 | 06/07/2023

491 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Ba 4/7, Cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã tán thành kế hoạch xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản ra biển từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị hư hại. Cơ quan này cho biết việc xả nước thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tác động của nó đến môi trường và sức khỏe sẽ không đáng kể.
“Nước cờ” sai lầm của Đức khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân“Nước cờ” sai lầm của Đức khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân
Iran có là mối lo mới của OPEC trong nỗ lực kiểm soát thị trường?Iran có là mối lo mới của OPEC trong nỗ lực kiểm soát thị trường?
LHQ nói gì về kế hoạch xả thải nước phóng xạ của Nhật Bản đang gây xôn xao dư luận?
Bể chứa nước bị ô nhiễm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở Okuma, tỉnh Fukushima

Kế hoạch này bị các nhóm ở Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc đảo Thái Bình Dương phản đối vì những lo ngại về an toàn và lý do chính trị. Các tổ chức đánh cá địa phương lo lắng rằng danh tiếng của họ sẽ bị tổn hại ngay cả khi sản phẩm đánh bắt của họ không bị ô nhiễm.

Rafael Mariano Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã đệ trình đánh giá cuối cùng về kế hoạch lên Thủ tướng Fumio Kishida vào thứ Ba 4/7.

Báo cáo này “đánh giá toàn diện, trung lập, khách quan và có cơ sở khoa học”, ông Grossi nói. “Chúng tôi rất tự tin về điều đó”.

Báo cáo này cho biết IAEA công nhận việc xả thải “đã làm dấy lên những lo ngại về xã hội, chính trị và môi trường, liên quan đến các khía cạnh phóng xạ”. Tuy nhiên, cơ quan này kết luận rằng việc xả nước theo kế hoạch hiện tại “sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường”.

Ông Grossi cho biết kế hoạch của Nhật Bản và thiết bị xả thải “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được thống nhất và phù hợp với tính ứng dụng của nó”.

Ông cho biết việc pha loãng nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn hơi phóng xạ để thải dần ra biển là một phương pháp đã được chứng minh, được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Pháp, để xử lý nước có chứa một số hạt nhân phóng xạ nhất định từ các nhà máy hạt nhân.

Phần lớn nước thải của Fukushima có chứa cesium và các hạt nhân phóng xạ khác, nhưng nó sẽ được lọc thêm để xuống dưới tiêu chuẩn quốc tế đối với tất cả thành phần trừ tritium, chất không thể tách rời khỏi nước. Sau đó, nó sẽ được pha loãng 100 lần với nước biển trước khi được xả ra ngoài.

Tuy nhiên, ông Haruhiko Terasawa - người đứng đầu hợp tác xã nghề cá tỉnh Miyagi, cho biết họ sẽ tiếp tục phản đối việc xả thải trong khi vẫn còn những mối lo ngại.

Ông nói với TV Asahi: “Nước đã qua xử lý là vấn đề không phải sẽ kết thúc sau một lần hay một năm xả thải, mà kéo dài tới 30 - 40 năm, vì vậy không ai có thể đoán trước được điều gì có thể xảy ra".

Nhật Bản đã tìm kiếm sự hỗ trợ của IAEA để tạo uy tín cho kế hoạch này. Các chuyên gia từ LHQ và 11 quốc gia đã đi tới Nhật Bản kể từ đầu năm 2022 để kiểm tra công tác chuẩn bị của chính phủ và nhà điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).

Một số nhà khoa học cho biết vẫn chưa biết được tác động của việc tiếp xúc lâu dài, liều lượng thấp với các hạt nhân phóng xạ có ảnh hưởng gì không, do đó họ kêu gọi trì hoãn hoạt động xả thải. Những nhà khoa học khác thì cho rằng kế hoạch xả thải là an toàn nhưng kêu gọi sự minh bạch hơn trong việc lấy mẫu và giám sát.

Ông Kishida, sau cuộc gặp với ông Grossi, cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục đưa ra “những lời giải thích chi tiết dựa trên bằng chứng khoa học với mức độ minh bạch trong nước và quốc tế”.

Một trận động đất và sóng thần lớn vào ngày 11/3/2011 đã phá hủy hệ thống làm mát của nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến 3 lò phản ứng tan chảy và nước làm mát của chúng bị ô nhiễm và rò rỉ liên tục. Nước ô nhiễm được thu gom, xử lý và lưu trữ trong khoảng 1.000 bể chứa tại nhà máy.

Chính phủ và TEPCO nói rằng nước ô nhiễm phải được loại bỏ để ngăn chặn bất kỳ sự rò rỉ ngẫu nhiên nào.

Các nhà quản lý Nhật Bản đã hoàn thành cuộc kiểm tra an toàn cuối cùng đối với thiết bị vào thứ Sáu tuần trước (30/6) và TEPCO dự kiến ​​sẽ nhận được giấy phép trong khoảng một tuần để bắt đầu xả dần nước tại một địa điểm cách bờ biển 1 km thông qua một đường hầm dưới biển. Ngày bắt đầu xả thải - dự kiến ​​​​sẽ mất hàng thập kỷ - vẫn chưa được quyết định.

IAEA sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá việc xả thải, ông Grossi nói.

Trong chuyến thăm 4 ngày của mình, ông Grossi cũng sẽ thăm nhà máy Fukushima và gặp gỡ các quan chức TEPCO, các nhóm đánh cá địa phương, người đứng đầu các thành phố lân cận và các bên liên quan khác.

“Tôi tin vào sự minh bạch, sự đối thoại cởi mở và tính hợp lệ của hoạt động mà chúng tôi đang thực hiện”, ông nói.

Ông Grossi cũng dự kiến ​​sẽ thăm Hàn Quốc, New Zealand và quần đảo Cook sau chuyến thăm Nhật Bản để xoa dịu những lo ngại ở đó.

Yến Anh

AP