Lê Văn Luyện xin nhận mức án cao nhất

07:48 | 11/01/2012

444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Khi được nói lời sau cùng, Luyện run run: "Bị cáo thành thật xin lỗi gia đình bị hại và mọi người. Mong HĐXX giảm nhẹ án cho các bị cáo khác. Vì bị cáo mà người thân phải vướng vào vòng lao lý. Xin HĐXX cho bị cáo mức án cao nhất".

>> Lê Văn Luyện nhận lỗi với gia đình và không kêu oan

15h30 chiều nay, HĐXX sẽ tuyên án.

13h: HĐXX đã kết thúc phần tranh tụng. Ngay sau đó HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng.

Bị cáo Luyện: Bị cáo thành thật xin lỗi gia đình bị hại và mọi người. Mong HĐXX giảm nhẹ án cho các bị cáo khác. Vì bị cáo mà người thân phải vướng vào vòng lao lý. Xin HĐXX cho bị cáo mức án cao nhất.

Bị cáo Miên và các bị cáo khác đều tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi của mình, xin lỗi gia đình bị hại và xin được giảm nhẹ tội.

Luyện cùng các bị cáo khác nói lời sau cùng.

12h30: Gia đình nạn nhân tiếp tục khẳng định quá trình điều tra không bình đẳng vì chỉ tin lời Luyện. Ông Trịnh Văn Tín, bố của anh Ngọc (chủ tiệm vàng bị sát hại) tiếp tục khẳng định không tìm được chiếc túi đựng tiền vàng của nạn nhân. "Tài sản trong chiếc túi này có thể ăn cả đời”.

Ngay sau đó VKS vẫn khẳng định giữ nguyên quan điểm của mình, không thay đổi về quyết định truy tố.

Dù đã quá thời gian nghỉ trưa đã trôi hàng tiếng đồng hồ nhưng hội trường xét xử vẫn "nóng” với nhiều quan điểm khác nhau. Ông Tín: TNhững người tắm cho tử thi con tôi cho biết có 1 vết thương hình móng ngựa xiên sâu vào người, cơ quan điều tra chưa xác định được đó là cái gì đâm vào. Cháu nội tôi (cháu Bích) nhìn thấy 2 thanh niên trẻ nên cần xác định xử đúng người đúng tội không bỏ sót tội phạm.

Phía gia đình nạn nhân vẫn giữ quan điểm có 2 người gây án.

12h20: Mặc dù đã quá trưa nhưng Tòa vẫn tiếp tục cho tranh các bên tranh luận. Rất nhiều người vẫn tập trung bên ngoài tòa để nghe tòa xử.

12h15: Ngay sau khi phía luật sư bào chữa bị hại và gia đình bị hại có ý kiến, đại diện VKS đã bác bỏ những ý kiến mà phía luật sư bị hại nêu vừa qua. Ngay sau đó, người nhà nạn nhân lại đứng dậy phản đối.

12h05: Đại diện gia đình bị hại nêu ý kiến cho rằng việc tài sản Luyện cướp cũng đã có nhiều mâu thuẫn, khi niêm phong vàng là số khác, khi hồ sơ công bố lại khác và đồng tình quan điểm của luật sư bào chữa. Đại diện gia đình nạn nhân bác bỏ quan điểm của Viện Kiểm sát. Người nhà nạn nhân cho rằng cáo trạng và kết luận điều tra đã bỏ sót tội phạm nên đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra lại.

11h55: Luật sư bảo vệ quyền lợi người bị hại cho rằng thực nghiệm hiện trường lại được giấu kín với gia đình nạn nhân và luật sư. Đây là điều thiệt thòi cho gia đình nạn nhân và không đảm bảo quyền lợi của họ. Cạnh đó, việc cho người đóng thế Luyện khi thực nghiệm hiện trường là không khách quan vì sẽ có sự chênh lệch và không đồng thuận với nhau. Nếu đóng thế sẽ không kiểm chứng được chính xác lời khai của Luyện, và có thể hiện rằng có ai giúp sức hay không. Một mình bị cáo Luyện ra tay dã man mà hàng xóm lại không nghe động tĩnh gì thì rất lạ. Luyện khai nhìn thấy cháu Bích cầm điện thoại không dây chứng tỏ ánh sáng rất rõ. Cháu Bích khai có nhìn thấy 2 người đầu xanh đầu đỏ cũng chứng tỏ trời đã sáng.

11h30: LS Thanh cho rằng: Trong lời khai và bút lục còn nhiều điểm mâu thuẫn. Đề nghị làm rõ phần bị cáo Hồng trong việc giúp sức cho Luyện gây án hay không. Khi Luyện xuống tầng 1, hệ thống chuông báo động và camera chưa ngắt tại sao không có hình ảnh ghi hình lại trước thời điểm cắt điện. Luyện xuống tầng 1 dùng đèn pin soi vàng và không tìm thấy chìa khóa mở tủ sau đó mới phát hiện có camera và cầu dao điện. Trong lời khia mâu thuẫn khi phát hiện hệ thông an ninh mới tắt và lại khai bật công tác nên hệ thống báo động kêu. Luật sư Thanh cho rằng vụ án có 2 người: một người soi điện, 1 người ngắt cầu dao. Khi bị chủ nhà phát hiện mới giết người diệt khẩu, đúng như lời cháu Bích nói.

Luyện trèo lên lan can tầng 3, là thanh niên không biết gì về hệ thống báo động… mà biết tìm nơi ngắt tránh phát hiện là vô lý.

Khi Hồng lấy xe máy ra đón, cáo trạng không nêu rõ thời điểm xảy ra vụ án, khi phát hiện vụ việc đã loan tin trước đó. Hồng được Luyện hẹn đón thế nào…? Luyện gây án rất chuyên nghiệp và tẩu thoát rất bình tĩnh. Việc chờ Hồng đón và đến trạm y tế xã băng bó khai rất bài bản…? Cáo trạng không minh bạch, không làm rõ việc giúp sức của Hồng.

Cáo trạng không làm rõ Luyện gây án bài bản. Lời khai của cháu Bích không được làm rõ lại cho rằng cháu hoang tưởng. Cháu Bích là trẻ con và Luyện cũng vậy thì lời khai nào được xem xét…?

Sau khi gây án, Luyện đủ tự tin bước đi lấy ba lô, vào nhà vệ sinh rửa tay, giặt quần áo và xuống tầng 1 băng vết thương rồi lấy vàng… Luyện đã chuẩn bị lý trí từ trước là phải giết cả nhà để cướp tiệm vàng. Ai là kẻ đứng đằng sau? Điều này chưa được làm rõ.

Tại sao khi thực nghiệm hiện trường lại giấu không cho bên gia đình bị hại biết, khi thực nghiệm lại lấy công an làm người đóng thế? Liệu đóng thế có chính xác không…?

Nhiều điểm mâu thuẫn lời khai, mong HĐXX trả lại hồ sơ để điều tra lại vụ án.

11h15: Đến phiên luật sư Huỳnh trình bày trước tòa. Trước HĐXX, luật sư Huỳnh cho rằng, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và dã man vì thế cần phải xử phạt nặng. Tuy nhiên, Viện Kiểm soát chưa đưa điểm tăng nặng vào bản án.

Theo vị luật sư này, hành vi của Lê Văn Luyện là giết trẻ em, giết người man rợ, bản thân Luyện không còn tính người. Hành vi cầm dao cắt cổ cháu Thảo là mất hết nhân tính. Luyện cố tình truy sát nạn nhân đến chết sau khi đã đâm anh Ngọc và giết chị Chín, ra đến cầu thang thấy anh Ngọc ngồi thở phì phò ở cầu thang đã vung phớ chém vào gáy, nhát chém chí mạng.

11h10: Bào chữa cho Nghi và Định, luật sư nói trình độ văn hóa của cả hai đều rất thấp. Bị cáo Nghi là người dân tộc thiểu số, lại có công đưa Luyện về. Tòa nên xem xét cho cả hai vợ chồng bị cáo được hưởng án treo. Từ vụ án này, luật sư đề nghị có chính sách pháp luật thích hợp để có hướng xử lý những vụ án tương tự, đáp ứng tính chất mức độ vụ án cũng như dư luận xã hội.

Phóng viên tác nghiệp ngoài hành lang phiên tòa xét xử.

10h50, sau phần bào chữa cho sát thủ Luyện, Luật sư Ngọc quay sang bào chữa cho các bị cáo còn lại. Bào chữa cho ba bị cáo Hồng, Hợp và Lược, luật sư cho rằng cả ba bị cáo này nhận thức pháp luật đều thấp. Với bản chất là những người lao động cần cù, chân chất, họ không biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội. Điều này cũng phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của người Việt Nam nói chung khi có người thân phạm tội. Gia đình bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có nhân thân tốt. Ba bị cáo trên có hai tình tiết giảm nhẹ tội như đền bù thiệt hại mỗi người 5 triệu đồng trở lên nên luật sư đề nghị tòa phạt cảnh cáo với Hợp, phạt Hồng cải tạo không giam giữ.

Theo vị luật sư này, Hồng có tiền sử bệnh tim, phải điều trị và không phải là tội phạm nguy hiểm đối với xã hội. Vì thế, luật sư đề nghị phạt Hợp và Hồng hình phạt cảnh cáo. Đến đây, luật sư kết thúc phần bào chữa.

10h45, sau khi nghe Luật sư Ngọc trình bày quan điểm, người nhà nạn nhân không kìm nén nổi sự bức xúc đã đồng loạt đứng dậy, hô to yêu cầu phải tử hình Lê Văn Luyện.

10h35: Luật sư Nguyễn Bá Ngọc, luật sư bào chữa cho Lê Văn Luyện, bày tỏ quan điểm của bản thân về sự mất mát của gia đình nạn nhân. Mong gia đình nạn nhân nén đau thương, tha thứ cho các bị cáo về hành vi mà các bị cáo gây ra. Luật sư cho rằng: quan điểm của VKS trình bày vừa qua là hoàn toàn chính đáng và đúng người đúng tội. Tuy nhiên Luyện chưa đủ vị thành niên nên hình phạt không quá 18 năm tù. Chính vì vậy, mong gia đình nạn nhân không nên quá đau buồn và bức xúc.

Luật sư Ngọc cũng trình bày: Trước 1985, Việt Nam có 1 trường hợp chưa đủ 18 tuổi bị xử tử hình. Ngay sau đó vụ án này đã mang ra để thảo luận truớc khi có Bộ Luật Hình sự năm 1985. Tuy nhiên trường hợp kia chỉ còn 1 ngày là đủ 18 tháng, còn Luyện thiếu hơn 2 tháng mới đủ 18 tuổi. Người chưa thành niên là người chưa kiểm soát về hành vi, dễ bị kích động nên có thể hiểu được nguyên nhân vì sao vị thành niên dễ gây án. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong cách giáo dục con em mình.

Bị cáo Luyện không nói gì khác và hoàn toàn đồng ý với các luật sư cũng như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.

Người nhà nạn nhân tại phiên tòa.

10h20′: Vào thời điểm gây án, Luyện 17 tuổi 10 tháng, chưa thành niên nên VKS yêu cầu bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, chi phí mai táng hơn 64 triệu, cấp cứu chữa bệnh cháu Bích 57 triệu đồng tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện khác và chi phí chăm sóc, tổn thương tâm lý cháu Bích…, tổng 250 – 350 triệu và cấp dưỡng từ 24/8/2011 đến khi cháu Bích 18 tuổi là 1.500.000 đồng/tháng.

VKS đề nghị tuyên phạt Lê Văn Luyện 18 năm tù về tội giết người, 18 năm tù tội cướp tài sản và 6 tháng tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt cho 3 tội là 18 năm tù giam.

Bị cáo Lê Văn Miên (bố Luyện) bị đề nghị phạt 42-46 tháng tù. Bị cáo Hồng 24-30 tháng; Định 18-24 tháng, Hợp 15-18 tháng; Nghi 15-18 tháng treo và Lược 9-12 tháng treo.

Sau khi nghe xong phần đề nghị mức án cả khán phòng vẫn lặng im. Gia đình bị hại chưa có phản ứng gì.

9h55: Sau khi đại diện Viện Kiểm sát phát biểu quan điểm, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và chuyển sang phần tranh tụng.

Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu quan điểm.

9h50: Chủ tọa phiên tòa hỏi lại VKSND, hội đồng thẩm và hai bên luật sư có ý kiến gì không. Tất cả không có ý kiến. Ngay sau đó, HĐXX hỏi bị cáo Luyện về mức bồi thường theo yêu cầu của bị hại hay không. Luyện chấp nhận bồi thường.

9h45: HĐXX hỏi lại đại diện phía gia đình bị hại về các khoản chi phí bồi thường thiệt hại là 1,6 tỉ đồng, gia đình có yêu cầu gì không? Trong đơn có 1 khoản bồi thường thiệt hại tinh thần là 100 triệu, gia đình có yêu cầu bổ sung gì không?

9h40: Thấy chị của bị hại trình bày liên miên vấn đề này sang vấn đề khác nên HĐXX phải ngắt lời giải thích: "Nếu gia đình bị hại có tài liệu, hình ảnh, chứng minh được việc có cái túi thì cơ quan điều tra mới xác minh việc trên”.

9h35: Chị dâu của nạn nhân Ngọc cho biết: Sáng hôm đó, khi chưa biết vụ việc, thấy mọi người bảo nhiều người mua vàng sao không mở cửa nên lấy điện thoại gọi cho Ngọc và máy bàn không được. Sau đứng ngoài cổng gọi cho Chín có đổ chuông nhưng không nghe máy. Không biết chuyện gì xảy ra nên tôi gọi điện cho trường học cháu Bích xem có đi học không thì hay không học. Sau đó đi chỗ khác có việc thì nhận hung tin về vụ việc.

Hằng ngày em tôi dọn hàng vào lúc 7h30 hoặc 8h tối. Ngày nào thấy em tôi dọn hàng đeo cái túi màu trắng đựng vàng, vậy mà sau khi vụ việc xảy ra lại không thấy cái túi đó. Chính vì vậy tôi yêu cầu cơ quan điều tra cần làm rõ tìm cái túi đó lại để làm rõ vụ việc.

9h30: Luật sư Hải hỏi Trương Thanh Hồng:

- Bị cáo cho biết khi nhận điện thoại của Luyện bảo đến đón là lúc mấy giờ?

- Hơn 7h.

- Lúc đó đang mưa hay nắng.

- Mưa, ít người qua lại.

- Lúc nhìn Luyện bị thương, có ai nhìn thấy không?

- Không.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh (bảo vệ bị hại) đang hỏi bị cáo.

9h25

- Bị cáo nghĩ giết người cướp tài sản hay cướp tài sản giết người trước…?

Luyện không trả lời.

- Tại sao bị cáo giết 2 đứa trẻ?

- Do nó khóc và bị lộ nên giết người diệt khẩu.

9h20: LS Trần Chí Thanh (bảo vệ bị hại) tiếp tục hỏi Luyện:

- Vào thời điểm phạm tội bị cáo có đúng sinh vào ngày 13/10/1993 không?

- Bị cáo đang tuổi vị thành niên, chưa đủ 18 tuổi.

- Toàn bộ nạn nhân đều chết bởi những nhát cắt chí mạng ở cổ, tròn sâu thẳm, bị cáo nghĩ sao?

Luyện im lặng 1 lúc rồi trả lời nhát gừng: Bị cáo không biết!

- Bị cáo có dám quay lại nhìn di ảnh nạn nhân không? – Luyện: Không.

- Bị cáo có muốn nói lời gì sâu thẳm trong lòng mình không? – Luyện: Không.

9h18: – Sau khi lấy vàng Luyện làm gì…?

- Sau khi lấy vàng bị cáo đưa cho Hồng 2 sợi dây chuyền và bảo Hồng bán đi chuộc xe còn lại để mà tiêu.

9h10: Tiếp tục hỏi Luyện:

- Sao khi giết người xong không lấy hết vàng mà chỉ lấy 1 khoang trong 3 khoang vàng bày ở tủ.

- Vì bị cáo không thể lấy được hết.

- Vì sao 1 đứa bé 18 tháng tuổi mà giết, cháu bé không thể có hành động chống đối.

- Do nó khóc…

LS bị hại: Vì sao tiệm vàng tầng 1 có cách âm mà không lấy ngay lại sát hại mới lấy vàng?

Luyện: Không biết.

- Mục đích có phải cướp của không? Khi bị cáo xuống tầng 1 có thấy cái ô tô không?

- Có.

- Bị cáo có lấy gì ở ô tô không?

- Không.

- Bị cáo chặt tay cháu Bích rồi chặt bao nhiêu nhát nữa vào người cháu Bích?

- Bị cáo ko nhớ.

Luyện quanh co cho rằng: Đã khai hết tại cơ quan CSĐT rồi.

- Sau khi giết cháu Bích, bị cáo ra ngoài thấy ông chủ nhà vẫn thở, bị cáo có chém tiếp không?

- Có.

9h05′: Gia đình nạn nhân xin 1 phút cầm 3 di ảnh cho các bị cáo nhìn. HĐXX không chấp nhận. Luật sư bên bị hại cũng giải thích cho gia đình bị hại hiểu việc làm này là không được, phải tuân theo nội quy phiên tòa.

Trương Văn Hợp (bố của bị cáo Hồng).

9h02′: Luật sư bảo vệ bị cáo: Trước sau khi bị bắt, bị cáo có biết mình phạm tội hay không. – Hồng: Không biết.

- Vì sao Luyện bỏ học?

- Luyện tự bỏ học, đi làm nghề sửa xe sau đó làm thợ xây ở Hà Nội.

- Trước khi bị bắt phạm tội đâu không?

- Không.

Luật sư hỏi Lê Thành Nghi:

- Có hối hận về việc đã làm không?

- Không.

- Tại sao sang Trung Quốc đón Luyện về?

- Vì biết Luyện phạm tội.

8h50: HĐXX hỏi Luyện:

- Mua dao nhíp và phớ làm gì mà nhiều vậy?

- Mua chơi và mua nhiều cho đủ bộ.

- Sau khi giết nguời lấy vàng rồi lên tầng 2 và quay lại lấy tiếp. Số vàng vẫn còn nhưng không lấy được hết.

Bị cáo Trương Thanh Hồng.

8h40: Luật sư yêu cầu Luyện xác định lại trong nhà có mấy người. Luyện vẫn khai là 4 người.

VKS hỏi Trương Thanh Hồng: Theo bị cáo, mẹ của bị cáo có nghe được khi bố bị cáo nói về chuyện của Luyện không?

Hồng: Có.

Ngay sau đó, HĐXX hỏi bị cáo Dương Thị Lược – nhân viên y tế và là mẹ của bị cáo Hồng.

- Bị cáo có biết Luyện gây án không? Bị cáo có đồng tình, nhất trí với lời khai của bị cáo Hồng không?

8h40: HĐXX hỏi Lê Văn Luyện:

- Bị cáo có gây án cùng với ai không.

Luyện vẫn khẳng định một mình gây án.

8h35: HĐXX hỏi bị cáo Luyện:

- Khi bị cáo vào nhà cướp tiệm vàng thì trong nhà có mấy người?

- Có 4 người: 2 vợ chồng anh Ngọc và 2 cháu nhỏ.

8h30: Một người nhà nạn nhân khai: Khi cháu Bích ở bệnh viện có một đồng chí công an ghé tai vào cháu Bích hỏi: "Cháu nhìn thấy mấy người”. Bích: "Cháu nhìn thấy 2 người”. Công an: "Thế là thanh niên hay người già?”. Cháu Bích: "Là thanh niên”.

Bà Trịnh Thị Nga (chị gái nạn nhân Ngọc): Tôi xin bổ sung vấn đề, khi đưa cháu Bích đi bệnh viện, cháu Bích có nói với tôi rằng có hai thanh niên trong nhà giết bố mẹ mình. Chính vì vậy tôi đề nghị cơ quan điều tra và HĐXX cần bổ sung chi tiết này.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng khẳng định: Cháu Bích là trẻ con không có lí do dựng chuyện. Cháu Bích trên xe đi bệnh viện đã nói có 2 người. Tại cơ quan điều tra, cháu Bích khai: Ngoài một người lạ to cao thì có một người nữa thấp, béo, đi chân đất, cả hai người này cháu không quen biết. Do trời tối nên chỉ nhìn thấy hình dáng chứ không thấy mặt. Cháu Bích khẳng định, do trời mất điện nên cũng chỉ nhìn thấy bóng người. Thấy một dáng người cao, to hơn bố cháu. Chú ấy còn vào phòng lấy điện thoại gọi điện cho người nào đó. Khi thấy tiếng mẹ cháu hô, cháu định chạy lên tầng 3 thì thấy 2 người đánh nhau trên tầng và có một con dao rơi xuống nhà.

8h15: HĐXX hỏi nhân chứng Trương Văn Tám là hàng xóm với chủ tiệm vàng Ngọc Bích, người đầu tiên có mặt tại hiện trường. HĐXX hỏi các vấn đề liên quan thì Tám cho biết sáng ngày 24/8 không thấy anh Ngọc dậy nên vợ Tám bảo Tám sang xem có chuyện gì thì phát hiện sự việc.

8h10: HĐXX hỏi nhân chứng Hoàng Thị Liên, nhân viên y tế, người trực tiếp khâu vết thương cho Luyện.

- Khi băng vết thương cho Luyện có biết về vụ án không?

- Không.

- Có hỏi gì Luyện không?

- Có hỏi sao bị thương thì Luyện chỉ bảo là do bị ngã và nguyên nhân vì sao bị ngã thì không nói cho nhân viên y tế biết.

8h: Trong phần hỏi đại điện gia đình bị hại, yêu cầu xử tử hình đối với Lê Văn Luyện về tội danh giết người và giết nhiều người, cướp tài sản.

HĐXX hỏi người đưa Luyện sang Trung Quốc là Hoàng Văn Trai (hàng xóm của chú rể của Luyện). Trước khi đưa Luyện sang Trung Quốc, hai người đã biết nhau. Khi hỏi lí do nào đưa Luyện sang Trung Quốc lại đón về thì Trai nói: Chú Luyện bảo sang đón Luyện về vì công an đang truy bắt Luyện trong vụ án giết người. Trai cho rằng vào thời điểm đưa Luyện sang TQ không hay biết Luyện gây án.

Mở đầu phiên xét xử, HĐXX đi vào phần tranh luận về phần đền bù thiệt hại về kinh tế cho bên bị hại. Đây là phần xét hỏi, làm rõ về trách nhiệm dân sự và yêu cầu dân sự của gia đình bị hại.

7h50: Phiên tòa chính thức bắt đầu.

7h40: Các bị cáo trong vụ án đã được áp tải đến hội trường. Khi Luyện được đưa vào phòng xét xử cả hội trường như nóng lên với sự phẫn nộ và tiếng la hét của phía gia đình bị hại.

Luyện bình thản và mỉm cười khi ra tòa.

Ngay khi thấy Luyện, một cố người thân bên phía gia đình bị hại đã lao vào đấm Luyện, rất may không dính cú đấm hận thù này. Để bảo vệ cho bị hại, lực lượng công an đã phải bao vây bị cáo và đưa vào phòng nghị án.

Bị cáo Lê Văn Luyện được dẫn giải vào hội trường xét xử.

7h30′, hai bên gia đình cũng với các nhân chứng trong vụ án đã có mặt tại hội trường xét xử. Thư ký phiên tòa bắt đầu vào công tác điểm danh những người liên quan đến vụ án.

Khác hẳn với ngày hôm qua, sáng nay, người nhà bị hại không còn căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối bị cáo Lê Văn Luyện. Chỉ còn 5 phút phiên tòa diễn ra những cả hai bên gia đình bị cáo và bị hại vẫn chưa có mặt của bất kỳ ai.

Trước đó, Viện Kiểm sát cáo buộc, với mục đích trộm vàng để chuộc xe máy của chú đem cầm đồ trước đó, ngày 24/8/2011, Luyện đột nhập tiệm Ngọc Bích ở phố Sàn (LụcNam, Bắc Giang). Hắn cắt hệ thống camera, chuông báo động, đâm chết vợ chồng chủ tiệm. Con gái lớn của họ (bé Bích) bị chém đứt lìa tay phải, bé út (18 tháng tuổi) bị giết.

Bị cáo Luyện đã kéo chính bố đẻ và anh họ của mình ra vành móng ngựa.

Khép lai ngày xét xử thứ nhất, về nội dung trong phần xét hỏi, bị cáo Luyện không hề tỏ ra ăn năn hối lỗi về hành vi của mình đã gây ra. Luyện chỉ cho rằng mình đã sai và xin lỗi người thân.

Phiên xét xử ngày thứ nhất vụ án “cướp của”, “giết người” và “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Lê Văn Luyện khép lại với nhiều nỗi bức xúc của gia đình bị hại cũng như sự phẫn nộ của người dân về hành vi Luyện gây ra.

Sáng nay, ngày 11/1, phiên xét xử ngày thứ 2 đối với bị cáo Lê Văn Luyện sắp diễn ra như dự định. Theo ghi nhận của chúng tôi, không khí trong phiên xét xử ngày thứ hai trầm lắng. Cho đến thời điểm cận kề với thời gian diễn ra phiên xét xử nhưng, bên trong và bên ngoài phòng xét xử chỉ lác đác một vài phóng viên các cơ quan báo chí cùng với lực lượng cảnh sát bảo vệ.

Thiên Minh