Lấy phiếu tín nhiệm cần tính đến thực chất hiệu quả công việc

21:06 | 29/10/2012

1,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong buổi thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, vấn đề được các Đại biểu Quốc hội quan tâm nhất chính là đối tượng và thời điểm bắt đầu lấy phiếu. Petrotimes đã có mặt tại một số Đoàn Đại biểu để ghi nhận những ý kiến hết sức tâm huyết.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM: “Lấy phiếu và bỏ phiếu là hoạt động hết sức cần thiết vào thời điểm hiện tại. Tôi nhất trí bỏ phiếu và lấy phiếu phải là 2 vòng khác nhau căn bản, đồng thời lấy phiếu chỉ nên 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Còn phân định tín nhiệm cao hay thấp thì phụ thuộc vào số % phiếu tín nhiệm. Ví dụ 49% trở xuống là thấp, trên 50% là tín nhiệm. Đây chỉ là việc thăm dò, mang tính chất định hướng cho cử tri nhìn vào, thấy được chất lượng công việc, đầu ra. Đây cũng là một hình thức mở đường cho công tác tổ chức cán bộ, bổ nhiệm công chức, đại biểu sẽ có sự tự trọng trước Đảng, chế độ và nhân dân. Cao hay thấp là do nhận thức của mỗi cử tri, vì khi chúng ta lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả đó đã thể hiện mức độ tín nhiệm (có hay không tín nhiệm).

Tôi cũng đề xuất, chúng ta không bầu UV UBND. Để có cơ chế tạo ra sự công bằng, người đứng đầu các Sở, thủ trưởng các đơn vị, cơ quan đồng cấp không phải Ủy viên UBND thì cũng phải lấy phiếu tín nhiệm một cách bình thường.”

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Nên đưa hoạt động trên vào quy trình bổ nhiệm, đề nghị, công tác cán bộ nói chung. Còn với Dự thảo Nghị quyết, đây chính là một bước tiến gần hơn việc nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu và bỏ phiếu cũng là làm cho nhân dân, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực đang tràn lan hiện nay. Mục đích là giúp người được lấy phiếu nâng cao trách nhiệm, nâng cao tinh thần chiến đấu, tính phấn đấu, tích cực học tập, tiếp thu... để điều hành công việc của mình tốt hơn.

Tuy nhiên, theo tôi phạm vi đối tượng như tờ trình đặt ra là không cần thiết, vì thực sự các UV thường trực, Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội không quá cần thiết, để tránh hình thức. nhiều chức vụ thuộc các Uỷ ban của Quốc hội, HĐND các cấp không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Về thời điểm lấy tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần tiến hành 2 lần trong 1 nhiệm kỳ, trong đó lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vào năm thứ hai của nhiệm kỳ. Nên nhìn vào kết quả của nhiệm kỳ, của quãng thời gian giãn giữa 2 thời điểm bỏ phiếu. Vả lại, còn một vấn đề khác quan trọng không kém, đó là hiệu quả đầu ra của công việc. Sai phạm, đạo đức, chính trị... đã đành, nhưng còn một vấn đề hết sức quan trọng, đó là họ đã làm được gì, giúp gì cho nhân dân, cho cộng đồng... trong nhiệm kỳ của mình?”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Thịnh: “Nếu người được bỏ phiếu tín nhiệm có dưới 50% số phiếu tín nhiệm thì người đó phải từ chức. Đồng tình với mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo dự thảo nghị quyết. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhằm giúp những người này nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình.

Phạm vi quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo nghị quyết là quá rộng, không cần thiết đưa các phó chủ nhiệm, các thành viên của các uỷ ban của Quốc hội để lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và cần xem xét việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Cần quy định thêm đối tượng để HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm là giám đốc, phó giám đốc các sở, các thành viên của UBND các tỉnh, thành phố và trong nghị quyết cần đưa ra một danh mục cụ thể đối tượng để tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm…”.

 

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Thịnh

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Trần Hoàng Ngân: “Càng sớm đưa Nghị quyết vào hoạt động của Quốc hội thì Đại biểu quốc hội càng có thêm quyền để hoàn thành nhiệm vụ của mình trước cử tri, trước nhân dân.

Theo tôi, chúng ta có thể đưa Bộ trưởng phụ trách những vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận trong dân ra giải trình trước Quốc hội, và kết thúc kỳ họp đó đề nghị các Đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Nếu 2 năm liên tiếp (tương đương 4 kỳ họp Quốc hội) mà không đạt tín nhiệm thì xin Thủ tướng cho đồng chí đó nghỉ. Quan trọng nhất là cơ quan hành pháp và người đứng đầu các cơ quan tư pháp, còn cơ quan dân cử thì không nhiều ý nghĩa bởi chính quyền là then chốt cách mạng!

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM)

 

Lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, bắt đầu vào năm thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội và chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm ở phạm vi hẹp là 49 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và bổ sung thêm chức danh Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, các phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và ủy viên thường trực các ủy ban (với tổng số trên 50 người), thay vì cả 380 chức danh vừa dàn trải, hình thức và tốn kém".

Tùng Lê (ghi)