Lá phiếu phải công tâm, trách nhiệm

07:10 | 21/12/2023

1,191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được bầu tại Quốc hội, HĐND các cấp là việc làm thường xuyên. Đây là phương thức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Lá phiếu phải công tâm, trách nhiệm
Ảnh minh hoạ.

Mục đích, ý nghĩa, cách thức tiến hành thì ai cũng thuộc. Các vị đại biểu - những người có quyền bỏ phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm - lại càng thuộc hơn. Lâu nay, qua các cuộc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm thấy rằng, hầu hết đều phản ánh trung thực, khách quan. Các cán chủ chốt giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu đều được “đo” mức độ tín nhiệm bằng những lá phiếu có trách nhiệm cao. Thế nhưng không phải không có những trường hợp để lại nhiều băn khoăn trong nghị trường và ngoài xã hội.

Mới đây, có một vị Chủ tịch UBND tỉnh nhận tới 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp tại đợt lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 nhân sự đảm nhiệm các vị trí do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn. Ông cho rằng đây là điều “bất thường”, vì qua các cuộc sinh hoạt kiểm điểm thường kỳ trong Đảng, ông đều được đánh giá tốt. Công việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền ông đều làm trôi chảy, được cho là có bước tiến bộ. Dư luận trong, thậm chí ngoài tỉnh ồn ào. Người bảo, đại biểu bỏ phiếu kín, chắc người ta phải cân nhắc kỹ, không thể có sự vận động ngầm nào đó để “triệt” ông. Người khác lại bảo, thế là “bất thường”, cấp ủy Đảng nên kiểm tra lại, kẻo oan cho đồng chí ấy. Các cụ bảo “nói phải củ cải cũng nghe”. Đây tuy không phải là nói mà là bỏ phiếu đánh giá, nếu cùng cấp đánh giá “không phải” thì cần có cấp cao hơn đánh giá. Địa phương khó đánh giá thì Trung ương giúp tháo gỡ nút thắt này.

Đã có quy định rất rõ ràng, cán bộ chủ chốt nào đó mà có tới trên một nửa hoặc hai phần ba số phiếu tín nhiệm thấp thì nên viết đơn xin từ chức. Vì thế, không thể coi đây là chuyện bình thường mà cần sớm làm rõ. Để làm rõ thì lâu nay các tổ chức đảng đã có nhiều kinh nghiệm, trong đó kinh nghiệm đầu tiên là phải tổ chức kiểm điểm từ chi bộ, cấp ủy; rồi thanh tra, kiểm tra, tranh thủ ý kiến của quần chúng nhân dân. Có làm thận trọng, kết luận rõ đúng sai thì mới giải quyết được những nghi ngờ, khúc mắc, lấy lại niềm tin của nhân dân, cử tri đối với các cơ quan dân cử. Kết quả tín nhiệm khách quan, thực chất sẽ là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ, hoặc sự yếu kém về phẩm chất, năng lực của những người được giao trọng trách.

Nhân đây xin bàn đôi điều về mặt trái của những lá phiếu. Không chỉ có việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội, HĐND đâu. Lâu nay mỗi lần thực hiện quy trình bỏ phiếu bầu Ban chấp hành các tổ chức đảng, đoàn thể, hoặc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ cũng thường xảy ra những chuyện không bình thường. Có nơi khi họp giới thiệu nhân sự thì người ta ca tụng nhau hết lời, cho rằng “anh ấy rất xứng đáng”, thế nhưng khi bỏ phiếu thì “gạch rách cả giấy”. Để tránh tình trạng này mà có nhiều kiểu “ốp phiếu”, “vận động phiếu”, “xin phiếu”. Họ vận động bằng đủ kiểu, đủ cách, vận động bằng quan hệ, tiền tệ.

Một khi còn tồn tại kiểu “bỏ phiếu-bắt tay” thì lá phiếu chỉ là hình thức. Nó trái với nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới mất đoàn kết trong đơn vị. Nó rõ ràng là hậu quả trực tiếp dẫn tới tình trạng người được ngồi vào ghế thiếu đức, kém tài, nhưng khi họ đã yên vị thì quay lại trù dập, gây khó dễ cho người không “ủng hộ ” mình.

Trong một tập thể, muốn tạo nên sự đoàn kết thống nhất thì điều cốt tử là lòng tin tưởng và sự chân thành của người lãnh đạo với anh em cán bộ, công chức. Cho nên, việc thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, thực chất, phê bình “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Bác Hồ căn dặn là vị thần dược để giữ cho cơ thể đảng và các tổ chức, đoàn thể vững mạnh, trong sạch.

Tuy nhiên, để cho lá phiếu thật sự có chất lượng, công tâm, chính xác thì còn nhiều yếu tố khác, điều mà lâu nay chúng ta thường nói là “thước đo” và “người cầm thước”. Khi người cầm thước lòng dạ không trong sáng, khi bị chi phối lợi ích nhóm, khi sa vào cái tôi tầm thường thì lá phiếu mà họ thể hiện thái độ sẽ sai lệch. Muốn vậy, việc đánh giá kết quả công tác, lấy phiếu, bỏ phiếu cần được tiến hành kỹ lưỡng, thấu đáo và toàn diện. Những người tham gia phải có thông tin, có đầy đủ cơ sở, luôn đặt sự thật lên trên cảm xúc, trên lợi ích cá nhân, để đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm.

Văn hóa trong Đảng thể hiện rất rõ ở đây. Phẩm chất và bản lĩnh, thậm chí là “đòn cân não” của người cán bộ, đảng viên thể hiện rất rõ ở đây. Cũng cần chú đến các điều kiện đặc thù của từng người, từng lĩnh vực để việc bỏ phiếu tránh được bệnh hình thức, để đạt được sự đồng thuận cao.

Thủ tướng trẻ nhất châu Âu bị phế truấtThủ tướng trẻ nhất châu Âu bị phế truất
Cán bộ tín nhiệm thấp phải từ chức, bị miễn nhiệm hoặc Cán bộ tín nhiệm thấp phải từ chức, bị miễn nhiệm hoặc "hạ cấp"

Hài Đường