Lạy giời, đừng thành phong trào

08:18 | 28/09/2011

601 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đất nước còn nghèo nhưng xem ra vẫn có những dự án, đề án "tiền tấn" luôn được khởi xướng, phê duyệt và thực hiện vắt ngang hai nhiệm kỳ đang dấy lên mối lo ngại lãng phí vì đã nhuốm màu "phong trào". Đó là Đề án 1956 (kéo dài đến năm 2020, trị giá 32 nghìn tỉ đồng) về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm thực hiện chính sách “Tam nông”.

Đề án đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn sẽ được chia thành 3 nhóm: Đào tạo người làm nông nghiệp sẽ giao Hội Nông dân Việt Nam chủ trì; Đào tạo lao động các ngành nghề dịch vụ giao Bộ NN&PTNT và Đào tạo cán bộ LĐ-TB&XH. Riêng đối với 61 huyện có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%, sẽ khảo sát cụ thể và tiến hành theo cách thức riêng như đào tạo lưu động tại các huyện lân cận hoặc chuyển các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành trung tâm giáo dục dạy nghề.

Về chi phí đào tạo cho đối tượng này, về nguyên tắc Nhà nước sẽ cho người học vay (ưu tiên với những vùng đặc biệt khó khăn), 2-3 năm sau khi học xong thì hoàn trả Nhà nước. Trong quá trình theo học, sẽ được trợ cấp tiền ăn, trọ (nếu cơ sở đào tạo không ở địa bàn).

Theo đề án, đối tượng được đào tạo là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (tuổi từ 16 đến 55) có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện xét tuyển vào từng khóa học nghề phân theo lao động tham gia trực tiếp sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi) và lao động làm dịch vụ kinh tế – kỹ thuật (thú y, bảo vệ thực vật). Loại hình đào tạo gồm dạy nghề thường xuyên từ 1 đến 3 tháng (cấp chứng chỉ chứng nhận nghề) và dạy nghề sơ cấp từ 3 đến 12 tháng (cấp chứng chỉ sơ cấp nghề).

Người lao động học nghề sẽ được cấp thẻ học trong vòng 5 năm và nộp thẻ tại các cơ sở đào tạo tại địa phương. Chính phủ sẽ chi hơn 32 nghìn tỉ đồng trong 10 năm với mục tiêu nâng tỉ lệ lao động nông thôn được đào tạo từ 20% (năm 2010) lên 50% (năm 2020).

Hơn một năm trôi qua, đề án đã bắt đầu được triển khai nhưng vẫn ngổn ngang trăm mối. Theo một số chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này thì để thực hiện được chủ trương trên thì cần phải giải quyết các vấn đề lớn mà “tam nông” ở nước ta đang đối mặt. Cho đến nay, sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún, tỉ lệ hộ nghèo cao, kỹ thuật sản xuất thấp, thiếu tổ chức sản xuất với quy mô lớn và đầu tư vốn lớn.

Trong nền kinh tế thị trương định hướng XHCN hiện nay, nông dân là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương nhất trong kinh tế hội nhập. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thiếu cơ sở khoa học nên thương xuyên xảy ra tình trạng trồng – chặt, chặt – trồng đó là chưa kể đến tác động biến đổi khí hậu.

Trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tình trạng hàng hóa kém chất lượng và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản xuất cao và không ổn định dẫn đến khó cạnh tranh trong WTO. Kết quả sản xuất nông nghiệp kém bền vững vì trúng mùa rớt giá, xuất khẩu tăng nhưng thu nhập nông dân thấp và môi trường bị ô nhiễm. Dịch bệnh và thiên tai thường xuyên xảy ra. Thời gian qua đầu tư cho nông nghiệp thấp, trong khi đó nông nghiệp phải đóng vai trò an ninh lương thực và ổn định kinh tế – xã hội đất nước.

Đề án 1956 đặt mục tiêu đào tạo mỗi năm có 1 triệu lao động nông thôn nghĩa là có đào tạo cho nông dân làm nông và đào tạo nghề cho nông dân chuyển đổi ngành nghề sang phi nông nghiệp, có thể “ly hương hoặc bất ly hương“. Đây là mục tiêu quá cao, khó khả thi.

Qua 1 năm thực hiện, Đề án 1956 đã tỏ ra không sát thực tế và thiếu chất lượng. Với cách làm thường không đồng bộ, áp đặt và đặc biệt là thiếu đánh giá chuẩn xác nhu cầu của các nhóm đối tượng nông dân và cán bộ địa phương theo từng vùng sinh thái và địa lý hành chính khác nhau. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng đào tạo không địa chỉ, không biết học viên học xong sẽ "đi về đâu” khi không tiền vốn, không nhà xưởng và không có đầu ra cho sản phẩm.

Có người nói, ngay đến hệ thống giáo dục chính ngạch mà vẫn còn tình trạng thầy chưa ra thầy, trò chưa ra trò, trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp… thử hỏi các trường lớp dạy nghề ở làng này sẽ ra sao?

Của đáng tội, cũng có một vài mô hình thử nghiệm như đào tạo nghề, tổ chức việc làm gắn với xây dựng làng nghề mới. Một mô hình khác là mô hình đào tạo nghề tiếp theo là tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Ngoài ra, mô hình đào tạo nghề tổ chức việc làm để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phối hợp với 18 trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp làng nghề tổ chức đào tạo nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 300 lao động tại các làng nghề ở Hà Nội, Quảng Nam, Phú Yên, tỉnh Nam Định… Tuy nhiên kết quả rất hạn chế và khó nhân rộng mô hình này.

Với kinh phí lớn, giải ngân thuận lợi, nếu không quản chặt sẽ sớm hình thành phong trào dạy nghề cho nông dân ở mọi xã, mọi huyện trong khi thầy không ra thầy, trò không ra trò. Lãng phí và tham nhũng sẽ rình rập!

Bảo Dân