'Lão Quềnh' trong lòng dân

09:45 | 14/09/2016

442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tin nghệ sĩ Hán Văn Tình vừa qua đời khiến người yêu mến ông nặng trĩu nỗi buồn. Họ buồn không chỉ vì mất đi một người diễn viên, mà còn bởi mất đi một người nghệ sĩ gắn liền với nhân dân.

Sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã ra đi ở tuổi 59 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp, bạn bè và người hâm mộ. Mặc dù là nghệ sĩ gắn bó với sân khấu tuồng, nhưng khán giả lại biết tới Hán Văn Tình với hình ảnh của một anh nông dân Chu Văn Quềnh trong “Đất và người” có tính cách ba ngang ba ngửa nhưng thật thà, tốt tính. Cái đầu trọc, điệu cười hề hề, tính tình tuếch toác, hay rượu và câu nói cửa miệng “Không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại” của Chu Văn Quềnh đã đóng đinh với sự nghiệp của ông.

lao quenh trong long dan
NSƯT Hán Văn Tình

Trước khi Chu Văn Quềnh lên màn ảnh, Hán Văn Tình đã hóa anh nông dân Trương Tuần trong “Người thổi tù và hàng tổng” - cũng hay rượu, bặm trợn nhưng thương mẹ và dễ động lòng trước người đàn bà có hoàn cảnh đáng thương; hay anh nông dân tên Sở trong “Bão qua làng” với tính cách “phổi bò”, hài hước.

Chính những vai diễn nông dân đưa Hán Văn Tình đến gần và được khán giả cả nước nhớ tới. Thậm chí, nhiều người còn quên đi tên thật của nghệ sĩ, mà chỉ gọi ông bằng cái tên của nhân vật “lão Quềnh”.

Nhận được tin “lão Quềnh” ngã bệnh, đồng nghiệp, bè bạn và rất nhiều khán giả hâm mộ xót xa và chia sẻ. Hồi tháng 6, khi bệnh tái phát tưởng không qua khỏi, khó khăn lắm mới có thể ăn uống được: Mỗi khi hỏi chuyện, nghệ sĩ đều thở hắt ra và mệt mỏi nói “kệ thôi”, “thế thôi”. Nhưng khi được đọc cho nghe những lời chia sẻ của độc giả cầu chúc ông mau khỏi, nghệ sĩ rơi nước mắt rồi tỏ ra vững vàng hơn. Một, hai tháng trước đây, khi có dấu hiệu hồi phục, ông thậm chí còn bày tỏ với bạn bè về một ngày sẽ cùng họ đi diễn hài tết, để đưa “lão Quềnh” trở lại với khán giả, để được cống hiến tiếng cười, để “trả nợ” cho tình cảm của người hâm mộ…

lao quenh trong long dan
NSƯT Văn Hiệp

Trong buổi tiễn biệt nghệ sĩ Hán Văn Tình vào chiều 7-9 vừa qua, không chỉ có những đồng nghiệp, bạn bè thân thiết mà còn có nhiều khán giả tiếc thương cho nghệ sĩ, cho “lão Quềnh” đã tới viếng và chia buồn với gia đình. Nhà tang lễ Phùng Hưng hôm ấy đông nghịt, ai cũng lặng lẽ, nhiều người mắt đỏ hoe sưng húp; họ tiếc thương một “lão Quềnh” bạc mệnh và cũng xót xa cho số phận người nghệ sĩ tới lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa hết trăn trở về cuộc sống đời thường đằng sau các vai diễn.

Khi “khép tấm màn nhung”, đời thường của một nghệ sĩ không lung linh như ánh đèn; đặc biệt là với những ai cống hiến cho nghệ thuật đích thực. Cả một đời hoạt động nghệ thuật, Trưởng đoàn Biểu diễn 2 của Nhà hát tuồng nhưng khi lâm bệnh, nhưng ít ai biết rằng, nghệ sĩ Hán Văn Tình không dám tiêm thuốc vì sợ không có tiền để trả. Nghe chuyện vợ chồng ông phải tính từng đồng, từng hào tiền thuốc và phải bó tay, thậm chí phải đưa ông về nhà vì chi phí điều trị quá cao khiến ai cũng thương cảm. Tới khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn trăn trở mãi vì chưa lo cho vợ con được cuộc sống đầy đủ, gia đình vẫn phải chui ra chui vào trong căn nhà tạm chưa có sổ đỏ và tình hình kinh tế gần như kiệt quệ.

lao quenh trong long dan
NSƯT Trần Hạnh

Thế nhưng, trường hợp như nghệ sĩ Hán Văn Tình không phải hiếm trong giới nghệ sĩ. Nhiều người đâu đã quên những điều thật cay đắng khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác những ca khúc bất hủ, một tài năng âm nhạc của đất nước lại túng thiếu trên giường bệnh. Hay như NSƯT Trần Hạnh cả một đời đau đáu vì nghệ thuật, nhưng đến những năm cuối đời vẫn phải sống trong căn nhà tồi tàn ở một ngõ nhỏ gần ga Trần Quý Cáp, Hà Nội. Căn nhà của ông vừa là phòng thờ, vừa là chỗ ngủ của hai bố con. Chỗ ngủ đơn giản tới mức chỉ có tấm chiếu mỏng được trải ra dưới lớp chăn cũ kỹ mà không hề có đệm hoặc giường. Hỏi vì sao không kê đệm nằm cho đỡ lạnh và đau lưng, người nghệ sĩ nói mình không quen nằm đệm, nằm giường.

Thế nhưng khi có người gợi ý giúp đỡ ông trang trải cuộc sống, ông xua tay từ chối, ông nói giờ được đạo diễn nào gọi đi đóng phim là ông vui lắm, ông sẽ nhận lời ngay.

lao quenh trong long dan
NSƯT Hồ Kiểng

Cũng tương tự, với “tài sản khổng lồ” là tham gia hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 vở kịch truyền thanh, 12 vở cải lương nhưng cố nghệ sĩ Hồ Kiểng có cuộc sống vô cùng cơ cực lúc về già. Trong suốt 30 năm cuối đời, Hồ Kiểng chỉ sinh hoạt trong căn phòng lụp xụp 17m2, nguyên là nơi chứa máy phát điện ở đường Cao Thắng, Q.3, TP HCM. Những vật dụng đáng giá nhất đối với ông là 2 bộ quân phục treo ở đầu giường cùng những bằng khen, bằng công nhận kỷ lục gia và nhiều ảnh cá nhân treo trên vách. Tất cả mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, tiếp khách… đều diễn ra trên chiếc giường cũ kỹ. Món đồ có vẻ đắt giá nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ để ở đầu giường. Những năm tháng tuổi già ông còn phải sống với một trái tim nhân tạo, hàm răng giả và chiếc nạng gỗ…

Hay như nghệ sĩ Văn Hiệp lúc sinh thời chỉ sống trong một căn nhà ước chừng 8m2. Vật dụng trong nhà giản dị với chiếc bàn gỗ nhỏ để tiếp khách. Dù đóng nhiều phim nhưng thù lao quá ít ỏi, không đủ ông điều trị bệnh. Trong những năm khó khăn, vợ ông đã đi lao động xuất khẩu ở Đức để lo cho gia đình. Lúc tuyệt vọng vì quá nhiều bệnh trong người, ông từng nói với con trai, nếu bố có làm sao thì để thở ôxy một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền.Vào ngày 9-4-2013, ông qua đời vì bệnh phổi và suy thận.

Có lẽ mọi sự so sánh đều là khập khiễng, bởi rất nhiều người nghệ sĩ chân chính, cả đời gắn bó với nghệ thuật truyền thống, lao động nghệ thuật chân chính và khắc khổ lại ít khi nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Có rất nhiều trường hợp nghệ sĩ không chạy theo thị trường, bám trụ với sân khấu, với nghệ thuật đích thực lại phải chịu cảnh nghèo khó, cơ cực lúc xế chiều. Trong khi đó, số lượng các “nghệ sĩ thị trường” đang ngày một giàu lên vì những thứ không phải nghệ thuật; và cũng có rất nhiều người hoạt động nghệ thuật, khoác lên mình danh hiệu ưu tú, nhân dân… lại quá xa lạ với phần đông khán giả.

Văn Hiệp, Hán Văn Tình… chắc chắn không phải là những nghệ sĩ hiến hoi được khán giả yêu mến, quý trọng nhưng chưa hề có danh hiệu nào, dù cả cuộc đời họ cống hiến cho nghệ thuật đủ để họ được nhận những danh hiệu cao nhất. Danh hiệu không làm nên tên tuổi người nghệ sĩ, cũng không làm họ giàu có hơn, sang hơn hay nổi tiếng hơn, cũng không phải là thứ để mang ra “dọa” thiên hạ nhưng là nguồn động viên rất lớn với họ, dù chỉ ở khía cạnh tinh thần. Đối với người nghệ sĩ, được cống hiến, được đứng trên sân khấu, được mang niềm vui tới cho khán giả, cho công chúng đã là một niềm hạnh phúc. Và còn hạnh phúc hơn khi khán giả “quên” mất tên thật của người nghệ sĩ mà chỉ nhớ những nhân vật như “bác trưởng thôn”, như “lão Quềnh”…

Và cũng bỏ qua những cơm, áo, gạo, tiền, bỏ qua những trăn trở của cuộc sống thường nhật, nghệ thuật và công chúng vẫn luôn luôn công bằng với chính tâm hồn của những người nghệ sĩ đích thực. Bởi với họ chỉ cần được hết mình với những vai diễn, chỉ cần được khán giả yêu thương đón nhận… chỉ cần lòng tự trọng không bị đánh mất bởi những thứ vật chất phù phiếm… thì đó là món quà vô giá mà người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới - được trở thành những “nghệ sĩ của nhân dân”.

Khánh An

Năng lượng Mới 557