Làn sóng dân túy bị chặn đứng tại Hà Lan?

07:00 | 27/03/2017

741 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì lợi ích quốc gia, người Anh chọn cách rời Liên minh châu Âu; nhờ hứa sẽ chỉ chăm lo cho người Mỹ và giúp “nước Mỹ trở lại vĩ đại hơn”, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ... Làn sóng chủ nghĩa dân túy ở Anh và Mỹ đã khiến nhiều thành lũy ở châu Âu đang trong kỳ bầu cử bỗng trở nên run rẩy. Nhưng “cơn bão dân túy” ấy vừa bị chặn đứng tại Hà Lan.

Ngày 21-3, Hội đồng Bầu cử Hà Lan công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 15-3-2017, đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Mark Rutte giành chiến thắng với 33/150 ghế. Với kết quả này, VVD sẽ buộc phải liên minh với nhiều đảng nhỏ khác mới hội đủ đa số phiếu tuyệt đối 76/150 ghế để thành lập chính phủ mới. Dự đoán, liên minh cầm quyền sẽ bao gồm đảng VVD, CDA, D66 và đảng cánh tả xanh. Đảng Vì tự do (PVV) chủ trương bài ngoại của ông Geert Wilders về thứ 2 với 20 ghế nhưng không được mời vào liên minh cầm quyền.

Hôm 15-3, có 13 triệu cử tri Hà Lan tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội mới, chiếm tỷ lệ bỏ phiếu là 80,4%, cao hơn 6 điểm so với năm 2012. Sở dĩ tỷ lệ người Hà Lan đi bầu cao như vậy là do có phần đóng góp không nhỏ của vụ khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ trước đó vài ngày, khi mà các nhà chức trách Hà Lan ban hành lệnh cấm các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vận động 400.000 người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Hà Lan bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-4 tới và kết quả là Tổng thống Thổ Erdogan đã chỉ trích Chính phủ Hà Lan là "phát-xít". Thủ tướng mãn nhiệm Mark Rutte đã có thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ khủng hoảng này.

lan song dan tuy bi chan dung tai ha lan
Ông Geert Wilders và bà Marine Le Pen, hai chính trị gia theo trường phái dân túy tại Hà Lan và Pháp

Một trong những điểm đáng chú ý của cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan năm nay là "cuộc đấu" giữa Đảng VVD của Thủ tướng Rutte và Đảng PVV của ông Geert Wilders. Ông Wilders bị các nhà lãnh đạo châu Âu lên án là "dân túy" (ủng hộ và bênh vực dân thường thay vì tầng lớp tinh hoa). Ông chủ trương bài xích Hồi giáo và các cộng đồng người ngoại quốc. Trong chiến dịch bầu cử hồi năm 2006, ông Wilders đã rời bỏ hàng ngũ của Thủ tướng Rutte để phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Tiếp đó, ông cũng biểu lộ mong muốn Hà Lan rời EU, như Anh đã làm.

Sau khi công bố kết quả bỏ phiếu, ông Rutte tỏ ra đầy tự tin khi giành chiến thắng trước Wilders và cho rằng, "chủ nghĩa dân túy" là sai lầm. Nhưng nếu Thủ tướng Rutte mừng 1 thì có lẽ lãnh đạo châu Âu mừng 10. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mừng rỡ đón nhận kết quả "bỏ phiếu chống chủ nghĩa dân túy" từ Hà Lan. Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni đăng trên Twitter: "Phái hữu dân túy chống Liên minh châu Âu đã bị ngăn chặn và giờ đây chúng ta phải tái khởi động EU".

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettle cũng đón nhận niềm vui trước thất bại của "phong trào dân túy" ở Hà Lan. Tại Pháp, Tổng thống François Hollande "nhiệt liệt chúc mừng ông Mark Rutte với chiến thắng chống lại chủ nghĩa dân túy". Theo chính trị gia cấp cao người Pháp Emmanuel Macron, kết quả này đã chứng minh phe cực hữu không thể lên ngôi và là một dấu hiệu may mắn. Ủy viên châu Âu Pierre Moscovici hài lòng chia sẻ, "Hà Lan dẫn đầu sự phục hưng của châu Âu và sự thức tỉnh của dân chủ".

Nếu cứ theo đà này thì có vẻ phe cánh tả của Pháp và một số nước châu Âu khác sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới. Giới lãnh đạo châu Âu cho rằng, “hiệu ứng domino” sau sự kiện Brexit và Donald Trump, sẽ sớm “dừng lại”.

Tuy nhiên, báo chí Pháp và giới quan sát quốc tế cho rằng, lãnh đạo châu Âu đang ăn mừng quá sớm. Thật vậy, nếu quan sát kỹ kết quả thì khó có thể yên tâm. Kết thúc cuộc bầu cử, Đảng VVD của Mark Rutte giành được 21,3% số phiếu bầu với 33 ghế Quốc hội, thấp hơn so với mức 26,5% và 41 ghế của năm 2012. Đảng PVV ông Geert Wilders thu được 13,1%, tăng 5 điểm so với năm 2012.

Hầu hết các phân tích đã chỉ ra rằng, người dân Hà Lan đang thận trọng suy xét lại về việc gia nhập EU. Còn bản thân Thủ tướng Mark Rutte cũng cam kết "giữ đất nước hòa bình, ổn định và thịnh vượng", chứ không hề bày tỏ thông điệp chiến thắng đến EU. Thời gian gần đây, trong những phát ngôn của Đảng VVD dần xuất hiện những hoài nghi về châu Âu, nhất là liên quan đến việc tách ra làm thị trường riêng hay tiếp tục sáp nhập với thị trường chung EU. Năm 2005, các cử tri Hà Lan cũng đã bác bỏ Hiến pháp châu Âu.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ ông Mark Rutte không bị thua đậm như dự báo trước phe dân túy của ông Wilders là nhờ cách thức xử lý căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đưa ra lệnh cấm hai Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ diễn thuyết tại Hà Lan, ông Mark Rutte nêu rõ, nước này đã vạch ra một giới hạn đỏ và “không ai” được phép vượt qua ranh giới đỏ ấy. Trong các vấn đề với châu Âu, ông Mark Rutte luôn tỏ rõ việc ưu tiên lợi ích của Hà Lan và EU. Hơn nữa, xét về mặt kinh tế, nhà lãnh đạo này cũng đã đưa ra những giải pháp kinh tế hiệu quả giúp Hà Lan thoát khỏi khủng hoảng và giữ GDP tăng trưởng hằng năm 2%, một tỷ lệ cao so với chuẩn chung châu Âu.

Thất bại nặng nề nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan vừa qua phải kể đến là đảng Lao động (PvdA), thành viên trong khối xã hội dân chủ châu Âu, đã từng nhận được 24,9% phiếu bầu (38 ghế) vào năm 2012, nhưng nay chỉ còn 5,7% với 9 ghế. Thất bại này là do các chính sách thắt lưng buộc bụng của đảng trong những năm gần đây, nhất là về sức khỏe, để đáp ứng yêu cầu chung của châu Âu. Hơn nữa, chính trị gia đảng PvdA Jeroen Dijsselbloem là Bộ trưởng Tài chính, đồng thời cũng là Chủ tịch của Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurogroupe), ông luôn có những chính sách khắc nghiệt, nhất là với Hy Lạp, để bắt chước theo người đồng cấp Đức.

Tổng cộng có 28 đảng phái tham gia tranh cử Quốc hội năm nay, mà theo các nhà bình luận, quang cảnh chính trị Hà Lan đang bị phân mảnh nhiều hơn bao giờ hết. Hà Lan luôn là một chính phủ liên minh và chưa có đảng nào hoàn toàn chiếm được đa số trong tổng số 150 ghế Quốc hội.

Điều tưởng chừng vô cùng nhỏ nhưng lại không thể bỏ qua, đó là trong cuộc bầu cử lập pháp Hà Lan vừa qua, một tổ chức vô danh và chống châu Âu mang tên “Diễn đàn Dân chủ” bất ngờ giành được hai ghế dân biểu. Chủ tịch tổ chức nhỏ này là người đề xuất trưng cầu dân ý hồi tháng 4-2016, để tìm cách bác bỏ thỏa thuận Liên minh châu Âu - Ukraina, nhưng thất bại trong đường tơ kẽ tóc.

Cùng với các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức sắp tới, sự kiện vừa diễn ra tại Hà Lan được coi là 1 trong 3 cuộc bầu cử quan trọng nhất năm nay tại châu Âu giữa thời điểm xu hướng dân tộc chủ nghĩa và làn sóng bài ngoại không ngừng gia tăng tại nhiều nước trong châu lục này.

Tờ báo La Croix (Pháp, ra ngày 17-3) trong bài xã luận “Thận trọng đừng vội thở phào”, đã nhận định, cho dù cử tri Hà Lan đã từ chối lời mê hoặc của phe cực đoan bài ngoại, thì cũng không nên quên rằng, tâm lý bất an của một bộ phận cử tri theo phe cực hữu tại Hà Lan hay tại Pháp là có thật và phải được quan tâm. Nếu không sẽ khó tránh được một kết quả bất ngờ.

S.Phương (tổng hợp)