Lái xe phá trạm cân là hành động phá hoại tài sản Nhà nước

18:28 | 09/01/2014

1,372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc triển khai hàng loạt các trạm cân cố định và lưu động trên các tuyến Quốc lộ để “siết” tải trọng xe được coi là dấu ấn về kỷ cương hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường bộ năm 2013. Tuy nhiên, liên tiếp các trạm cân lưu động tại 2 tỉnh thành là Hà Nam và Thừa Thiên Huế đã bị lái xe phá hoại. Việc làm này cho thấy, tài xế đã cố tình làm liều khi bị siết chặt tải trọng.

Xung quanh vấn đề này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).

PV: Thưa ông, năm 2013 lần đầu tiên nước ta triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ trong phạm vi toàn quốc. Vậy, ông có thể đánh giá tóm tắt về những kết quả đạt đã được?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Trong năm qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) và 53/63 tỉnh thành triển khai công tác kiểm soát xe quá tải trên các Quốc lộ. Kết quả bước đầu cho thấy, ý thức chấp hành về tải trọng khi tham gia giao thông của các lái xe, doanh nghiệp vận tải và chủ hàng đã có nhiều chuyển biến. Tại các tuyến Quốc lộ có hoạt động kiểm soát xe quá tải, lượng xe chở quá tải vi phạm đã giảm. Đây là thành công bước đầu, tạo dấu ấn trong công tác siết chặt kỷ cương về hoạt động vận tải.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, họ buộc phải chở quá tải để bù đắp chi phí và như thế mới có lãi. Đây là một nhận thức không đúng. Việc chở quá tải thực chất là giảm giá vận chuyển, là cách cạnh tranh không lành mạnh, tạo mặt bằng giá ảo và loại bỏ cuộc chơi của những đơn vị vận tải làm ăn nghiêm túc. Nếu chủ hàng, chủ doanh nghiệp chở đúng quy định về tải trọng thì không bị cơ quan chức năng xử phạt và cũng không phải chịu những chi phí không chính thức, như: xe bị hư hỏng, lâu bị khấu hao, giảm nguy cơ tai nạn, trả lương cho lái xe thấp hơn, năng suất vận chuyển lưu thông không giảm… Còn xe cố tình chở quá tải trọng thì xe nhanh hư hỏng, phải nộp phạt, phương tiện nhanh bị khấu hao. Như vậy, xe chở đúng tải trọng thì vẫn có lãi, tạo sự cạnh tranh lành mạnh về giá phù hợp với quy luật thị trường.

PV: Sau khi các trạm đi vào hoạt động, rất nhiều lái xe đã tìm cách trốn tránh lực lượng chức năng bằng cách đi vào đường tránh, thậm chí là chống đối. Ông có thể cho biết, biện pháp nào để xử lý tình trạng này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Đúng là có chuyện lái xe tìm cách đi vào các tuyến đường để né tránh trạm cân hoặc chống đối người thi hành công vụ. Để giải quyết triệt để vấn đề này, ngay trong những tháng đầu năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cấp đủ 63 bộ cân lưu động cho tất cả tỉnh, thành để đồng loạt kiểm soát xe quá tải. Một chiếc xe chở quá tải có thể bằng cách này hay cách khác vượt qua vài trạm cân, nhưng không thể trốn tất cả các trạm được.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phải thực hiện đúng quy trình kiểm tra xử lý vi phạm ô tô chở hàng quá tải. Đối với những lái xe có biểu hiện cản trở, chống đối, không chấp hành hiệu lệnh và hướng dẫn, gây hư hỏng thiết bị cân thì lực lượng chức năng sẽ đề nghị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm.

Hành vi cố ý làm hỏng trạm cân là hành động phá hoại tài sản Nhà nước.

PV: Thời gian qua, hai trạm cân ở tỉnh Hà Nam và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị lái xe phá hỏng khiến dư luận lo ngại về hoạt động của các trạm cân. Ông có thể nói rõ hơn về hai vụ việc này không?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Hai trạm cân ở tỉnh Hà Nam và tỉnh Thừa Thiên - Huế bị xe ô tô làm hỏng là do lái xe chủ động điều khiển phương tiện với tốc độ cao lao vào trạm cân, khiến một số thiết bị hư hỏng. Đây là hành vi cố ý phá hoại tài sản của Nhà nước. Việc phá hoại này nhằm mục đích làm cho trạm cân hỏng, không thể kiểm soát được tải trọng xe các xe sau.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cơ quan pháp luật khẩn trương, cương quyết xử lý thật nghiêm đối tượng phá hoại.

PV: Hiện nay dư luận rất lo ngại về tình trạng xảy ra tiêu cực tại các trạm cân. Vậy ông có thể cho biết các biện pháp phát hiện, xử lý vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Khi triển khai các trạm cân, những khâu trong quy trình kiểm tra xử lý dễ xảy ra tiêu cực đã được tự động cập nhật vào phần mềm bảo mật mà nhân viên vận hành không thể tự ý sửa chữa, thay đổi kết quả. Ngoài ra, việc ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại có kết nối với trung tâm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và kết nối với những đơn vị chức năng liên quan để công khai, minh bạch số liệu thực hiện cùng giám sát, hậu kiểm cũng sẽ giúp loại trừ các cơ hội tiêu cực.

Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là quyết định trong vấn đề tiêu cực. Để giảm thiểu tiêu cực, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và cương quyết xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo pháp luật, đồng thời đề nghị người dân, cơ quan báo chí tăng cường giám sát quá trình hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe.

PV: Với chủ đề năm An toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe” và mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bàn giao 53 trạm cân lưu động cho các địa phương. Ông kỳ vọng những gì ở hệ thống trạm cân này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Việc triển khai các trạm cân nhằm "siết" xe tải cày nát đường bộ. Mục tiêu cuối cùng là hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ được bảo vệ, tình trạng tai nạn giao thông giảm, nhân dân và Nhà nước không phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc sửa chữa cầu đường do xe quá tải gây ra.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hùng Đỗ