Kỳ thi đại học 2012 – đợt I: Năm nào cũng căng thẳng, kỳ nào cũng có bất cập

15:09 | 06/07/2012

500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày thi đại học đợt I vừa diễn ra trong cả nước. Sĩ tử khắp nơi nô nức đổ về các điểm thi. Nhiều người dân thành phố hào hứng đóng góp công sức giúp sĩ tử ngoại tỉnh bớt khó khăn trong kỳ “vượt vũ môn” bằng những hình thức khác nhau: làm “xe ôm” miễn phí, bố trí phòng trọ miễn phí, nấu cơm miễn phí… Bên cạnh đó, giữa những căng thẳng lo lắng cho kỳ thi, giữa những tấm lòng thơm thảo, thì vẫn có những kẻ đang tâm lừa đảo các sĩ tử ngoại tỉnh lần đầu lên thành phố đi thi và vẫn có những sĩ tử “đứt gánh giữa đường”…

Những điểm mới của năm nay

Đánh giá về tình hình công tác chuẩn bị tổ chức thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga cho biết: Hội đồng tuyển sinh các trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh đến làm thủ tục dự thi. Nhiều trường đã chủ động bố trí nhiều chỗ ở và suất ăn miễn phí cho thí sinh ở xa đến dự thi. Các trường đã chủ động xử lý, kịp thời điều chỉnh các sai sót trong Giấy báo dự thi của thí sinh, giúp thí sinh được làm thủ tục dự thi đúng nguyện vọng đăng ký, nhất là các trường hợp đăng ký thi khối A1. Rút kinh nghiệm năm trước, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các tổ ra đề thi ra đề không quá khó, không quá dài, không đánh đố thí sinh để thí sinh trung bình cũng có thể làm được. Đề có tính phân loại cao, nghĩa là với phổ điểm rải đều và điểm cực đại của phổ điểm phải nằm trong vùng điểm trung bình để các trường có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp vào học các ngành đào tạo ở các nhu cầu đầu vào khác nhau. Năm ngoái, môn Ngữ Văn, Địa, Sinh học có phổ điểm tốt. Năm nay, sẽ cố gắng tất cả các đề thi đều có phổ điểm đẹp như vậy để công tác phân loại thí sinh đạt kết quả tốt.

Thí sinh thi đại học

Năm nay Bộ GD&ĐT cho các trường xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, thí sinh có thể nộp nhiều trường để xét tuyển nếu đạt điểm sàn trở lên. Vì vậy, thí sinh đạt điểm trên sàn là có thể tham gia xét tuyển và tìm được chỗ học phù hợp. Điểm mới năm nay là thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Để giảm thiểu những rắc rối xảy ra trong phòng thi, Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam đã yêu cầu cán bộ coi thi (CBCT) khi gọi thí sinh vào phòng thi sẽ thông báo và yêu cầu từng thí sinh khai báo và trình các thiết bị, vật dụng mang vào phòng thi để CBCT kiểm tra; Chỉ cho thí sinh mang các thiết bị, vật dụng vào phòng thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu CBCT không xác định được chủng loại của thiết bị, vật dụng trong khi thí sinh vẫn có nhu cầu mang vào phòng thi thì yêu cầu thí sinh làm giấy cam đoan về tính phù hợp của loại thiết bị, vật dụng đó. Trong quá trình coi thi, nếu CBCT phát hiện thí sinh mang thiết bị, vật dụng vào phòng thi (như quy định trên) mà không khai báo từ đầu, thì CBCT phải kiểm tra vật dụng, thiết bị đó và xử lý theo 2 cách: Nếu thiết bị, vật dụng đó trái với quy định thì lập biên bản xử lý thí sinh theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Nếu thiết bị, vật dụng đó phù hợp với quy định thì yêu cầu thí sinh làm giấy cam đoan và tiếp tục cho thí sinh làm bài.

Vẫn có những sĩ tử bị lừa

Ban Thanh niên trường học Thành đoàn Hà Nội phụ trách tư vấn ở khu vực Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, một thí sinh quê Nam Định lên Hà Nội thi đại học đã bị một thanh niên quen trước đó qua điện thoại lừa lấy mất 2 triệu đồng. Đó là trường hợp của em Đoàn Thị Khơi (18 tuổi, ở thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định) lên Hà Nội dự thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền. Nạn nhân cho biết, chỉ biết quê kẻ lừa đảo ở Tuyên Quang, đi xe máy BKS 22Y1-03266. Tuy nhiên, Khơi đã chụp lại được ảnh trên thẻ bán hàng đa cấp cho hãng Amway của người này, với ngày sinh 12/12/1989, tên Đỗ Trung Kiên.

Em Khơi trình bày: Từ năm học lớp 12, em và Kiên vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại và Internet. Đến trước kỳ thi đại học năm nay, Kiên bảo em cứ yên tâm lên Hà Nội, hắn sẽ lo chỗ ăn ở, đưa đi đón về. Sáng 26/6, Khơi cầm 3 triệu đồng và được mẹ đưa lên Hà Nội. Kiên dẫn hai mẹ con tới một nhà trọ ở một phố mà em không nhớ tên. Sáng 27/6 mẹ Khơi về quê. Khơi ở lại nhà trọ cho đến sáng 29/6, Kiên qua đó vay gấp của Khơi 2 triệu đồng, bảo là phải đi chuộc lại laptop. Sau đó, Kiên quay lại bảo Khơi chuyển phòng trọ tới gần Học viện Báo chí Tuyên truyền để tiện đi thi. Kiên đưa Khơi tới một căn phòng lụp xụp số 54, ngõ 111, đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy rồi biến mất, điện thoại không liên lạc được. Sáng 30/6, mẹ Khơi hớt hải lên Hà Nội vì nghe tin con bị lừa mất hết tiền, hai mẹ con tìm đường xuống Bến xe Giáp Bát hy vọng nhớ được đường về nhà trọ cũ tìm Kiên. Tại bến xe, mẹ con Khơi gặp được đội thanh niên tình nguyện (TNTN) Giao Thủy, Nam Định và Thành đoàn Hà Nội đang trực tại đây. Em đã được các TNTN Giao Thủy, Nam Định và Thành đoàn Hà Nội giúp đỡ nơi ăn, ngủ, nghỉ miễn phí tại phòng trọ gần Học viện Báo chí Tuyên truyền.

Ngoài trường hợp trên, còn có một số sĩ tử “lạ nước lạ cái” vừa đặt chân đến Hà Nội đã bị móc túi lấy mất điện thoại, tiền bạc khiến các em gặp rất nhiều khó khăn.Nhiều phụ huynh và sĩ tử bị các “cò mồi” ép thuê nhà trọ với giá cao.

Sĩ tử sớm “buông bút” vì… điện thoại

ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam cho biết, trong buổi thi môn Toán sáng 4/7, Hội đồng thi nhà trường đã đình chỉ 2 thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi và 1 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Ở Trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội, theo ông Đinh Văn Chỉnh – Phó hiệu trưởng nhà trường, Hội đồng thi đã đình chỉ 3 thí sinh đều mang điện thoại vào phòng thi. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, trong buổi thi môn Toán cũng đã phát hiện 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, mặc dù điện thoại tắt nhưng giám thị vẫn đình chỉ thi vì vi phạm quy chế. Trường ĐH Kinh tế quốc dân, GS Nguyễn Quang Dong – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay, buổi thi môn Toán tại cụm thi Hà Nội diễn ra an toàn, không có thí sinh nào vi phạm quy chế. Tuy nhiên, tại cụm thi Vinh, 1 thí sinh dự thi vào trường đã bị đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi.

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Thương mại, ông Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong buổi thi môn Toán, Hội đồng thi đã đình chỉ 3 thí sinh, trong đó 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và 2 thí sinh mang tài liệu”. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong buổi thi môn Toán cũng đã đình chỉ 1 thí sinh để điện thoại trong ngăn bàn, mặc dù điện thoại tắt nhưng vẫn bị giám thị lập biên bản. Hội đồng thi Trường ĐH Điện Lực phát hiện một nữ sinh tại điểm thi 05 Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội cơ sở 2 đang sử dụng điện thoại di động gắn tai nghe trong thi môn Toán.

Một thí sinh dự thi vào Trường ĐH Ngoại thương cũng đã lôi điện thoại ra “nghịch” khi không làm được bài mà ngủ gật mãi vẫn chưa hết giờ thi. Lãnh đạo Hội đồng thi cho biết, đây là thí sinh đăng ký dự thi nhờ vào Trường ĐH Ngoại thương để đăng ký nguyện vọng 1 vào một trường ngoài công lập. Từ lúc vào phòng thi cho đến lúc phát hiện mang theo điện thoại thí sinh không làm bài mà chỉ ngủ gà, ngủ gật. Điện thoại lúc phát hiện ở chế độ tắt máy, tuy nhiên theo quy chế giám thị đã quyết định đình chỉ thí sinh. Cũng ở điểm thi của ĐH Ngoại thương, Hội đồng thi đã phải yêu cầu một thí sinh mặc thêm chiếc áo sinh viên tình nguyện chùm ra ngoài chiếc áo chép dày đặc công thức toán học mà thí sinh này mặc sẵn trên người.

Thu Hương

Năng lượng Mới số 135, ra thứ Sáu ngày 6/7/2012