Khủng hoảng chính trị tại Brazil: Vì đâu nên nỗi? (Bài 1)

15:51 | 12/05/2016

1,664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Thượng viện Brazil ngày hôm nay thông qua thủ tục phế truất tạm thời Tổng thống Dilma Rousseff không đồng nghĩa với cuộc khủng hoảng chính trị tại xứ sở Samba sẽ kết thúc.
bai 1 vi dau nen noi
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vừa bị phế truất tạm thời

Khi tham nhũng được phanh phui

Ngày 12/5, Thượng viện Brazil đã thông qua thủ tục phế truất Tổng thống Dilma Rousseff. Đây là điều đã được dự báo sau khi ngày 17/4, Hạ viện đã có một cuộc bỏ phiếu tương tự.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil bắt nguồn từ khi nổ ra vụ bê bối tham nhũng liên quan tới tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Tháng 3/2014, cựu Giám đốc bộ phận cung ứng của tập đoàn, Paulo Roberto Costa, khai báo nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil là đối tác của Petrobras cấu kết thành lập. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras.

Hiện cuộc điều tra đang tập trung vào các cáo buộc cho rằng một số công ty xây dựng lớn nhất nước đã đút lót cho giới quan chức để giành được gói thầu trị giá 23 tỉ USD với Petrobras. Trước những phanh phui trên, tháng 3/2015, Tòa án tối cao Brazil đã thông qua cuộc điều tra đối với 54 người có liên quan đến vụ bê bối rung chuyển quốc gia. Bản thân Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cũng hứa ngay tại thời điểm đó rằng sẽ điều tra làm rõ trách nhiệm của từng người, bất kể đó là ai.

Đã có 3 cựu nghị sĩ ở Brazil bị bắt liên quan tới vụ Petrobas. Đó là Andre Vargas thuộc Đảng Lao động cầm quyền, Luiz Argolo và Pedro Correa thuộc Đảng Tiến bộ. Ngày 15/4/2015, thủ quỹ của đảng Lao động cầm quyền đã phải từ chức sau khi bị bắt giữ do liên quan đến vụ bê bối Petrobras. Theo cơ quan điều tra Brazil, Joao Vaccari, Thủ quỹ của đảng Lao động cầm quyền Brazil, đã "đề nghị trả một phần khoản tiền hối lộ dưới hình thức ủng hộ hoạt động bầu cử" cho đảng Lao động và đã đút túi "các khoản ủng hộ" trị giá 1,2 triệu USD theo tỷ giá hiện tại. Ông Vaccari bị bắt giữ tại Sao Paulo và sẽ được di lý đến Curitiba, bang Parana miền Nam, nơi làm việc của vị thẩm phán đang chỉ đạo điều tra vụ Petrobras.

Tính đến nay, đã có 49 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra trong bê bối Petrobras. Trong danh sách những người bị tình nghi dính líu đến vụ việc này có Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha và 13 cựu nghị sỹ cùng nhiều quan chức khác. 23 tập đoàn xây dựng và cơ khí lớn nhất nước này đã bị cấm đấu thầu các hợp đồng của Petrobras để phục vụ công tác điều tra.

bai 1 vi dau nen noi
Cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Dilma Rousseff tại Đại lộ Paulista, Sao Paulo, 15/3/2015

Giọt nước tràn ly

Đang gặp phải khó khăn do kinh tế, người dân Brazil đã thực sự phẫn nộ tột độ trước các vụ tham nhũng trên trong các cơ quan công quyền. Đó là lý do cho những cuộc xuống đường lớn chưa từng có tại Brazil từ tháng 3/2015 đến nay. Ngày 15/3/2015, 1,5 triệu dân Brazil xuống đường đòi Tổng thống Dilma Rousseff từ chức. Tại hơn 80 thành phố, người biểu tình khoác lên mình những chiếc áo màu vàng, xanh lá cây, màu cờ của Brazil. Tất cả đồng thanh đòi truất phế Tổng thống Dilma Rousseff. Tại thành phố Sao Paulo, đầu tàu kinh tế của Brazil, hơn 1 triệu người hưởng ứng cuộc biểu tình này. Để xoa dịu công luận, Bộ trưởng Tư pháp Brazil thông báo trong những ngày tới, Tổng thống sẽ ban hành kế hoạch quy mô bài trừ tham nhũng, trừng phạt những người nhận hối lộ.

Nhưng người dân Brazil vẫn chưa hài lòng. Ngày 12/4/2015, hàng chục nghìn người tại 195 thành phố ở Brazil lại xuống đường biểu tình. Ngoài chuyện một lần nữa lặp lại cáo buộc rằng Tổng thống Roussef ủng hộ cho tình trạng tham nhũng và yêu cầu bà hãy từ chức hoặc đối mặt với luận tội, một số người còn giơ cao áp phích kêu gọi quân đội hãy có động thái can thiệp bằng vũ lực. Giới phân tích nhận định, các đảng đối lập ở Brazil đang lợi dụng các vụ bê bối tham nhũng để gây sức ép đòi Tổng thống Rousseff từ chức. Bà Rousseff từng đảm nhận chức vụ lãnh đạo Petrobras và đến nay không có bằng chứng nào cho thấy bà có liên quan tới vụ tham nhũng quy mô lớn này. Sự ủng hộ của dư luận đối với Tổng thống Rousseff tụt dốc mạnh sau khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2015. Chỉ có 13% số dân Brazil hài lòng với cách thức bà Rousseff dẫn dắt đất nước.

Theo các nhà quan sát, kết cục này của chính quyền Tổng thống Rousseff phần nào bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế mà Brazil đang phải đối mặt. Brazil-một trong những quốc gia đang phát triển đầy triển vọng, từng là câu chuyện kinh tế thành công của châu Mỹ - nay phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế được cho là tồi tệ nhất trong vòng 25 năm. Các tín hiệu xấu của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những người tiêu dùng Brazil. Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay sẽ giảm 0,58%, xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm trở lại đây. Trong khi đó, Viện thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết trong tháng 2/2015, lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này vào khoảng 7,7% - mức cao nhất trong 9 năm qua. Theo IBGE, giá cả các mặt hàng trong tháng trước đã tăng 1,22%, khiến lạm phát nước này vượt mức trần 6,5% mà Chính phủ Brazil đề ra.

Có thể nói Brazil đang đứng bên bờ vực thẳm. Kinh tế bị đe dọa suy thoái, vật giá leo thang. Brazil từng xảy ra đảo chính quân sự vào năm 1964, khi quân đội với sự hậu thuẫn của Mỹ đã lật đổ Tổng thống Joao Goulart và từ đó đẩy Brazil rơi vào thời kỳ đen tối với sự thống trị tàn bạo và độc đoán của chính quyền quân sự. Các nhà quan sát nhận định, cơn ác mộng đảo chính đang quay trở lại Brazil.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, CNN