Bản tin Năng lượng xanh: Bộ Tài chính Mỹ công bố các quy tắc trợ cấp sản xuất năng lượng sạch

08:35 | 16/12/2023

13,833 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Năm (14/12), Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các hướng dẫn đề xuất dành cho các nhà sản xuất đang muốn nhận tín dụng thuế để sản xuất các thiết bị năng lượng sạch như tấm pin mặt trời và các loại pin, nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bằng các sản phẩm do Mỹ sản xuất.
Bản tin Năng lượng xanh: Bộ Tài chính Mỹ công bố các quy tắc trợ cấp sản xuất năng lượng sạch

Bộ Tài chính Mỹ công bố các quy tắc trợ cấp sản xuất năng lượng sạch

Khoản trợ cấp đề xuất này được tạo ra trên cơ sở Đạo luật Giảm phát (IRA) của Tổng thống Joe Biden, với mục tiêu tạo việc làm trong nước Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các khoản hỗ trợ được gọi là tín dụng thuế 45X cho hoạt động sản xuất tiên tiến, cấp tín dụng cho mỗi sản phẩm được sản xuất tại Mỹ và số tiền tín dụng phụ thuộc vào từng loại sản phẩm. Các quy tắc đề xuất làm rõ định nghĩa về các thành phần đủ điều kiện như bộ biến tần, bộ phận tuabin gió và thiết bị quang điện mặt trời; xác nhận số tiền tín dụng và bao gồm các điều khoản để ngăn chặn việc yêu cầu tín dụng thuế hai lần cho cùng một thành phần.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các công ty đã công bố đầu tư 140 tỷ USD vào sản xuất năng lượng sạch kể từ khi Đạo luật Giảm phát được thông qua tháng 8/2022. Các nhà sản xuất nói rằng các quy định của Bộ Tài chính Mỹ là rất quan trọng để tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư theo kế hoạch của họ.

Hướng dẫn trợ cấp này cần được lấy ý kiến ​​công chúng trong 60 ngày, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ sẽ xem xét ý kiến trước khi ban hành các quy tắc cuối cùng. Trong phát biểu với các phóng viên, Wally Adeyemo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nói rằng các khoản đầu tư của Mỹ vào năng lượng sạch khác với cách làm của Trung Quốc.

Đại diện các ngành công nghiệp ở Mỹ có những phản ứng trái chiều. Tập đoàn thương mại công nghiệp năng lượng mặt trời, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA), hoan nghênh việc Bộ Tài chính Mỹ cho phép các công ty có các cơ sở sản xuất đáp ứng đủ điều kiện được nhận tín dụng và đưa ra các ưu đãi cho những cơ sở thực hiện tối ưu hóa, thu được nhiều năng lượng hơn từ các tấm pin mặt trời.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Khai thác Quốc gia (NMA) chỉ trích quy định loại trừ nguyên liệu thô ra khỏi chi phí sản xuất đủ điều kiện nhận tín dụng 10% của ngành khoáng sản quan trọng. Chủ tịch NMA Rich Nolan cho rằng việc hạn chế hỗ trợ nguồn cung ứng, chính là các mỏ và khoáng sản thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch, đã làm giảm đi quy mô hỗ trợ theo dự kiến của Quốc hội Mỹ đối với nguồn cung nguyên liệu thô trong nước Mỹ.

Nhật Bản chọn ba tổ hợp chiến thắng trong cuộc đấu thầu điện gió ngoài khơi lần thứ 2

Hôm thứ Tư (13/12), Bộ Công nghiệp và Bộ Đất đai Nhật Bản đã chọn ba tổ hợp, trong đó có tập đoàn RWE của Đức và các đối tác của họ, để vận hành các trang trại gió ngoài khơi trong vòng đấu giá công khai lần thứ hai. Các Bộ này cho biết họ sẽ trao thầu cho trang trại gió thứ tư nằm trong gói thầu trong thời gian tới.

Kết quả đấu thầu vòng 2 theo luật mới thúc đẩy điện gió được các công ty năng lượng trong và ngoài nước Nhật theo dõi sát sao, sau khi tập đoàn Mitsubishi Corp đã chiếm ưu thế trong cuộc đấu thầu vòng 1.

Thị trường năng lượng gió ngoài khơi của Nhật Bản dự kiến ​​sẽ phát triển khi Chính phủ Nhật đặt mục tiêu đạt được 10 gigawatt (GW) các hợp đồng trang trại gió ngoài khơi vào năm 2030 và lên tới 45 GW vào năm 2040, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy quá trình khử cacbon.

Đơn vị chiến thắng trang trại gió công suất 315 megawatt (MW) ngoài khơi bờ biển Oga-Katagami-Akita thuộc quận Akita phía bắc Nhật Bản là tổ hợp bao gồm công ty JERA, Electric Power Development (J-Power), Itochu và Điện lực Tohoku.

Một tổ hợp khác bao gồm Mitsui & Co, RWE và Osaka Gas đã giành được trang trại gió 684 MW ngoài khơi bờ biển Murakami-Tainai ở quận Niigata, miền bắc Nhật Bản.

Nhóm thứ ba gồm Sumitomo Corp và đơn vị năng lượng tái tạo của Tokyo Electric Power đã giành được trang trại gió 420 MW ngoài khơi bờ biển Enoshima thuộc tỉnh Nagasaki phía tây nam Nhật Bản.

Ba dự án này đều là trang trại gió kiểu cố định đáy và dự kiến ​​bắt đầu vận hành từ tháng 6/2028 đến tháng 8/2029.

Tập đoàn JERA và tập đoàn Sumitomo có kế hoạch sử dụng tua bin gió Vestas VWS.CO, trong khi tập đoàn Mitsui có kế hoạch lắp đặt tua bin General Electric.

Takahiro Ishii, Giám đốc Văn phòng Chính sách năng lượng gió của Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết, những người chiến thắng đã đạt được điểm đánh giá cao nhất về giá thầu và tính khả thi trong kinh doanh trong số các tiêu chí khác. “Chúng tôi đã lựa chọn những kế hoạch tốt nhất để giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu năng lượng hỗn hợp vào năm 2030 và hạn chế gánh nặng chi phí công về thuế năng lượng tái tạo”.

Các Bộ có kế hoạch công bố người chiến thắng trang trại 356 MW còn lại ngoài khơi Happo-Noshiro ở quận Akita vào tháng 3/2024, do nhà điều hành tiềm năng cần phải sửa đổi kế hoạch.

Brazil nối lại thuế nhập khẩu đối với tấm pin mặt trời, tuabin gió

Hôm thứ Ba (11/12), Chính phủ Brazil đã phê duyệt các biện pháp tăng thuế nhập khẩu đối với các mô-đun quang điện và tuabin gió, trong một động thái nhằm thúc đẩy sản xuất thiết bị địa phương được sử dụng để tạo ra năng lượng tái tạo.

Trong một tuyên bố, Bộ Công Thương Brazil cho biết Chính phủ Brazuk đã thu hồi trợ cấp thuế nhập khẩu đối với các tấm pin mặt trời lắp ráp vì nước này đã sản xuất được các sản phẩm tương tự.

Biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024.

Chính phủ Brazil cũng thu hồi hơn 300 khoản giảm thuế tạm thời đối với các mô-đun năng lượng mặt trời, biện pháp này sẽ có hiệu lực trong 60 ngày.

Brazil đã sản xuất được một số thiết bị dùng để tạo ra năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng này đã trở thành nguồn điện lớn thứ hai ở nước này. Tuy nhiên, các tấm panel nền chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Động thái này được Hiệtuabinp hội Công nghiệp điện Abinee của Brazil hoan nghênh, cho biết các nhà sản xuất địa phương “bị lỗ và mất việc làm” do nhập khẩu các sản phẩm châu Á được trợ cấp tại nước xuất xứ của họ và tạo ra lợi thế không công bằng.

Chính phủ Brazil cũng nâng công suất phát điện tối thiểu cho các tuabin gió đủ điều kiện được miễn thuế nhập khẩu. Thiết bị có công suất trên 7.500 kilovolt ampe (kVA) sẽ tiếp tục được miễn thuế trong năm tới, so với mức 3.300 kVA trước đây. Từ năm 2025, toàn bộ sản phẩm tua-bin gió nhập khẩu sẽ phải chịu thuế nhập khẩu 11,2%.

Biện pháp này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất tuabin gió, những người đang phàn nàn về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các sản phẩm nhập khẩu trong khi ngành công nghiệp địa phương bị thu hẹp do một số công ty toàn cầu ngừng sản xuất ở Brazil./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)