“Không quên hợp tác công - tư”

14:57 | 23/09/2013

778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng. Và hợp tác công - tư (PPP) được coi là một giải pháp của nền kinh tế khi ngân sách Nhà nước bị thu hẹp hoặc đòi hỏi dàn trải.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu hợp nhất Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg thành Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP. Chủ trương trên xác định rõ, việc đẩy mạnh triển khai theo hình thức PPP là để tái đầu tư công, có hiệu quả nguồn lực cho phát triển. Chính phủ yêu cầu bổ sung quy định về các hình thức hợp đồng PPP mới để tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Hợp tác công - tư được coi là một giải pháp của nền kinh tế khi ngân sách Nhà nước bị thu hẹp

“Việc xây dựng khung pháp lý phải giải quyết được các vấn đề: Mỗi bên tham gia đến đâu? Trách nhiệm và quyền lợi đến đâu?”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH. Theo đó, để bảo đảm tính chất công, Nhà nước có thể can thiệp bất cứ lúc nào khi có phương hại đến lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, không nên quy định mức tỉ lệ cứng, nhưng phải quy định rõ những quyền và trách nhiệm của hai bên. Để không còn “công – công” thì bản thân dự án phải làm rõ được sinh lời ở đâu và bao nhiêu thì mới hấp dẫn nhà đầu tư.

Cho ý kiến về dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn về cơ sở xây dựng giá thành dự án đầu tư. Dẫn chứng từ thực tế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, có công trình, dự án nhưng khi đấu thầu và triển khai thì giá lại đội lên 2-3 lần. “Dự thảo luật khi ban hành phải giải quyết được vấn đề này. Song, vấn đề lớn hơn là lấy đâu ra nguồn tài chính để trả cho phần phát sinh này. Phải làm rõ vấn đề quyết định đầu tư không trúng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì thực tế có rất nhiều lý do để giải thích cho việc đội giá lên 2-3 lần.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị, việc ra quyết định đầu tư công phải dựa trên căn cứ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từng địa phương. Muốn vậy phải có tầm nhìn trung dài hạn. Trong giai đoạn 2001-2010, tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng và duy trì ở mức cao, tỉ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đã tăng từ 35,4% năm 2001 lên khoảng 41% năm 2010. Trong đó, đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước có một vị trí quan trọng, bình quân giai đoạn này chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đầu tư của Nhà nước bao gồm các nguồn chủ đạo là ngân sách Nhà nước, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tái khẳng định, mặc dù đầu tư công đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp còn khá phổ biến. Do vậy, việc tiếp tục đổi mới về quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là rất quan trọng và cần thiết được thể hiện rõ trong dự thảo Luật.

Với mong muốn luật sửa đổi giải quyết được tận gốc các bất cập về đầu tư công, dự thảo Luật này cần giải quyết vấn đề tái cơ cấu đầu tư công một cách toàn diện, căn bản trong mối quan hệ hệ thống với các chính sách công khác như: quản lý nợ công, quản lý chi tiêu ngân sách, quản lý đầu tư của Nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ cần phải quyết liệt, tính toán về dài hạn các hệ quả của tái cơ cấu đầu tư công với các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát hàng năm để có dự báo, đáp án rõ ràng đối với vấn đề này.

L.T