Không có việc “ổn định” tham nhũng

09:53 | 31/12/2014

2,332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề hiệu quả phòng chống tham nhũng (PCTN) được thảo luận tại diễn đàn Quốc hội. Đó là, thanh tra thì nhiều nhưng phát hiện thì ít.

Có một chuyên gia Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng, hiện nay, pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam có thể ví như “một con hổ không răng”. Thật vậy, “con hổ không răng”, về hình thức thì rất mạnh mẽ, nhưng thực chất là chỉ bắt được con mồi nhỏ. Quốc hội đã bàn thảo về phòng, chống tham nhũng và nhận định  thanh tra thì nhiều nhưng phát hiện thì ít.

Có địa phương trong hai năm tổ chức trên 800 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 2 vụ nho nhỏ. Tiền thu được từ tham nhũng chắc không đủ để trả tiền xăng đi thanh tra. Phát hiện tham nhũng ít, thu tiền tham nhũng về còn ít hơn. Năm 2014, kết quả thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỉ đồng/6.740 tỉ đồng thiệt hại trong các vụ án tham nhũng (đạt tỉ lệ 22,3%). Tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra là 17.000 tỉ đồng, nhưng chỉ thu hồi được  khoảng gần 5.000 tỉ đồng.

Không có việc “ổn định” tham nhũng

Cán bộ đảng viên đánh giá việc  kê khai tài sản vẫn còn rất hình thức nên không phục vụ PCTN khi 1 triệu người thực hiện kê khai tài sản, chỉ phát hiện một trường hợp không trung thực và 5 người  phải khai  bổ sung. Đúng như nhận định của của ĐBQH: “Chúng ta cứ loay hoay kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, người có chức vụ quyền hạn thì sẽ xảy ra trường hợp bố là bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh… không có tài sản nhưng con là giám đốc một ngân hàng có hàng ngàn tỉ”. Vận vào việc con ông Trần Văn Truyền kê khai là chính chủ căn biệt thự khủng ở Bến Tre có giá trị bằng 100 năm tiền lương của anh này càng thấy ý kiến trên là  có lý. Sự chuyển hóa và ngụy tạo tinh vi đã khiến việc PCTN bó tay.

Trong các văn kiện, các ý kiến của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, kết quả PCTN chưa tương xứng với cố gắng của cả hệ thống chính trị và trong công tác PCTN, việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả rất thấp. Như vậy nói tham nhũng ổn định là vừa sai hiện tượng, vừa sai bản chất.

Các chuyên gia khẳng định, tham nhũng, về mặt bản chất là một loại tội phạm về tài chính. Việc làm rõ nguồn gốc, cơ chế phát sinh các dòng tiền, công khai, minh bạch tài sản đóng vai trò thiết yếu trong kiểm soát, đẩy lùi tham nhũng. Nhiều cuộc thảo luận chuyên đề: "Kê khai tài sản" và "Truy tìm dòng tiền bất hợp pháp, thu hồi tài sản tham nhũng”, đều làm rõ hai khía cạnh tài chính quan trọng này.

Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra con số mỗi năm có 1.000 tỷ USD chảy vào túi quan tham. Kinh nghiệm của thế giới cũng cho thấy, thường phải mất 10-15 năm sau khi quan tham nghỉ hưu hay mất  chức, thôi chức mới phát hiện họ tham nhũng và cũng chỉ có khoảng 10-15% số tài sản này được thu hồi về công quỹ. Việt Nam không phải là ngoại lệ khi gần đây một số cựu quan chức “vướng” chuyện tài sản không minh bạch.

Trong bối cảnh này, người dân không thể đồng thuận với đánh giá của quan chức PCTN rằng ở nước ta, trong mấy năm qua tham nhũng không tăng, không giảm nghĩa là ổn định. Ổn định làm sao được khi số vụ việc, số tài sản bị thất thoát vẫn cao và tỷ lệ thu hồi vẫn thấp.

Vì vậy, các chuyên gia đề nghị  cần sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự để hình sự hóa các hành vi tham nhũng cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng đồng thời  cần có hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc; tăng cường các biện pháp quản lý tài sản, thu nhập của công chức, nhất là người giữ vị trí then chốt trong bộ máy Nhà nước. Như vậy, “hổ mới có răng sắc, vuốt nhọn và cơ thể mạnh khỏe để chống lại con sư tử tham nhũng”!

Bảo Dân (tổng hợp)