Khi quyết định tái trừng phạt Iran, Mỹ “cân” cả thế giới

09:58 | 22/09/2020

791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 20/9, Mỹ đơn phương thông báo tái lập các biện pháp của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trừng phạt Iran và đe dọa sẽ trừng phạt những quốc gia không tuân thủ lệnh cấm. Quyết định của Mỹ đi ngược lại ý kiến của hầu hết thành viên LHQ.
2021113800387-trumpepa
Tổng thống Donald Trump dự định áp đặt các biện pháp trừng phạt những quốc gia không tuân thủ lệnh cấm Iran.

Để làm được điều này, trước đó ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến trụ sở LHQ ở New York để chính thức khởi động một cơ chế được gọi là “snapback”, đếm ngược 30 ngày nhằm tái lập các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với chế độ Tehran, mà Washington cho là đã không tuân thủ các cam kết được nêu trong thỏa thuận hạt nhân Vienna 2015 hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhằm ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí nguyên tử.

Theo thỏa thuận hạt nhân 2015 Iran ký với 6 cường quốc thì lệnh cấm vận vũ khí của LHQ với Iran sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới. Theo đó, Iran sẽ có thể tự do bán vũ khí, nhất là tên lửa và máy bay tự hành cho đồng minh Syria và Iraq, và quan trọng hơn hết là mua vũ khí của Nga và Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, Bắc Kinh và Tehran sắp hoàn tất một thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm, theo đó Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Iran và đầu tư dồi dào vào các lãnh vực năng lượng của Iran. Giữa Nga và Iran cũng dự trù một thỏa thuận tương tự, dài 20 năm. Nhờ đó, Tehran không cần đến châu Âu và Mỹ mà nhìn về châu Á và phát triển quan hệ với Trung Quốc, với Nga, cũng như với Ấn Độ và Malaysia để lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Nhưng Washington không dễ để cho Tehran “tự mãn”. Giữa tháng 8/2020, Mỹ trình dự thảo nghị quyết lên LHQ đề xuất là nhằm kéo dài vô thời hạn các biện pháp cấm vận vũ khí đối với Iran. Thế nhưng, văn bản này hầu như không nhận được sự ủng hộ trong Hội đồng Bảo an. Dự thảo nghị quyết chỉ được 2 phiếu ủng hộ của Hoa Kỳ và Cộng hòa Dominica, trong lúc có đến 11 nước không bỏ phiếu và 2 nước chống là Nga và Trung Quốc. “Đây là một thất bại lịch sử của Mỹ”, các viên chức Iran và báo chí Iran khi ấy mỉa mai.

Đây là lý do Mỹ kích hoạt "snapback". "Snapback" được Mỹ đưa vào JCPOA, quy định các thành viên được quyền yêu cầu LHQ khôi phục các lệnh cấm vận với Iran nếu phát hiện nước này vi phạm thỏa thuận. Washington cho biết họ khởi động cơ chế nói trên với tư cách một bên “tham gia” thỏa thuận Vienna, hay nói cách khác là những điều họ làm “hoàn toàn hợp lý”. Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ quy định các bên “tham gia” là những nước ký tên ban đầu vào thỏa thuận hạt nhân Iran, tức là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức và Iran.

Trả lời hãng tin AFP, chuyên gia về Iran Ellie Geranmayeh, thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, nhận định: “Chắc chắn là ông Trump sử dụng "snapback" như là một mưu toan vô vọng nhằm triệt tiêu thỏa thuận hạt nhân Iran trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, ngày 3/11 tới”. Nhưng dù là với mục đích gì, chiến lược của Mỹ sẽ để lại những tác hại lâu dài trong Hội đồng Bảo an và khiến Hoa Kỳ càng thêm bị cô lập trong hồ sơ Iran.

Đúng như dự đoán, việc "snapback" được kích hoạt là điểm khởi đầu của một cuộc tranh cãi kéo dài, và cuối cùng có thể sẽ làm suy yếu vai trò của LHQ với tư cách là một định chế. Theo Reuters, trong một thư chung gửi đến 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, ba cường quốc châu Âu Anh, Pháp và Đức nhấn mạnh là mọi quyết định hay hành động đơn phương nhằm tái áp đặt các trừng phạt quốc tế đối với Iran là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Trong một thông cáo chung, các nhà ngoại giao của ba nước châu Âu đã nêu rõ: “Pháp, Đức và Anh ghi nhận là Hoa Kỳ đã không còn là một bên tham gia khi họ rút ra khỏi thỏa thuận vào ngày 8/5/2018. Cho nên chúng tôi không thể ủng hộ việc khởi động cơ chế snapback”. Thông cáo nhấn mạnh là “mặc dù việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận đã đặt ra nhiều thách thức to lớn, ba nước châu Âu vẫn muốn duy trì thỏa thuận đã được ký kết cách đây 5 năm, thỏa thuận mà vào lúc đó đã được xem là cơ hội duy nhất để ngăn cản Iran chế tạo vũ khí hạt nhân”.

Hiếm khi nào mà giọng điệu giữa hai bên bờ Đại Tây Dương lại gay gắt như thế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí cáo buộc đích danh 3 nước Pháp, Anh, Đức là “đã chọn ngả theo các giáo chủ” đang nắm quyền ở nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ông Pompeo còn chỉ trích việc Paris, London và Berlin đã không bỏ phiếu thuận cho dự thảo nghị quyết do Mỹ đề nghị, nhằm triển hạn lệnh cấm vận vũ khí quy ước đối với Iran, mà nay lại còn lên tiếng phản đối Washington kích hoạt cơ chế snapback. Để thêm phần “nghiêm túc”, chính quyền Mỹ dự định sẽ ban bố một sắc lệnh, trong ít ngày tới, cho phép Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp “trừng phạt nhắm vào những thực thể ngoại quốc (không phải là người Mỹ, doanh nhân Mỹ), tước quyền thâm nhập thị trường Mỹ đối với những nước nào vi phạm lệnh cấm vận vũ khí với Iran. Với các lệnh trừng phạt mới này, các công ty của các nước đồng minh châu Âu của Mỹ cùng Nga, và Trung Quốc có thể bị Mỹ trừng phạt nếu làm ăn với Iran.

Trong phản ứng đầu tiên, Iran kêu gọi thế giới "cùng một tiếng nói phản đối Washington". Còn Moscow thì tố cáo điều mà bộ Ngoại giao Nga gọi là hành động "không chính đáng" của Mỹ. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Hiện nay, họ đang cố gắng buộc tất cả mọi người phải đeo 'những chiếc kính thực tế khuyếch đại' do 'Mỹ chế tạo' và thừa nhận sự việc đang diễn ra quanh Iran và JCPOA thông qua họ. Nhưng thế giới không phải là một game trên máy tính của Mỹ". Khẳng định rằng, các lệnh trừng phạt LHQ nhằm vào Iran được khôi phục là "mơ tưởng", Bộ Ngoại giao Nga cũng hối thúc Washington "phải có dũng khí để cuối cùng đối mặt với sự thật và ngừng tuyên bố nhân danh Hội đồng Bảo an LHQ".

Trong bài phát biểu được phát trên kênh truyền hình quốc gia Iran ngày 19/9, Ngoại trưởng Iran Zarif khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt từng được áp đặt trước năm 2015 đối với Tehran trong ý định đơn phương tại Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt trên. Ông Zarif lý giải rằng Mỹ đã đánh mất thẩm quyền đối với JCPOA, khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Theo ông, bản thân các quan chức Mỹ cũng hiểu rõ những biện pháp trừng phạt là "vô ích", song vẫn buộc phải sử dụng chính sách theo kiểu "bắt nạt" này trong quan hệ quốc tế. Phát biểu trên truyền hình ngày 20/9, Tổng thống Hassan Rouhani nói chiến dịch của Mỹ nhằm gây áp lực tối đa lên Iran đã phản tác dụng. "Chúng tôi có thể nói rằng 'áp lực tối đa' của Mỹ nhằm vào Iran, xét trên khía cạnh chính trị và pháp lý, đã trở thành sự cô lập tối đa với nước này", ông Rouhani nói. Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng tuyên bố chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt đối với Iran do "có sự không chắc chắn" liên quan đến vấn đề trên.

Theo chuyên gia Geranmayeh, dù kết quả có thế nào đi nữa, dù Mỹ có bị cô lập trong vấn đề Iran hiện nay nhưng tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và các thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an LHQ có nguy cơ đẩy định chế này vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.

Mỹ siết trừng phạt Iran, VenezuelaMỹ siết trừng phạt Iran, Venezuela
Mỹ sẽ không nhượng bộ để đàm phán với IranMỹ sẽ không nhượng bộ để đàm phán với Iran
Dầu mỏ Iran: Trung Quốc tố cáo lệnh trừng phạt của MỹDầu mỏ Iran: Trung Quốc tố cáo lệnh trừng phạt của Mỹ
Bất chấp Mỹ trừng phạt, Iran vẫn phát triển mỏ khí đốt ngoài khơi vùng VịnhBất chấp Mỹ trừng phạt, Iran vẫn phát triển mỏ khí đốt ngoài khơi vùng Vịnh

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc