Khi nào CSGT được trưng dụng tài sản, phương tiện

15:03 | 06/02/2016

3,939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mới đây, Bộ Công an đã có Công văn số 252/C67-P9 để giải thích rõ về vấn đề liên quan đến quyền trưng dụng tài sản của CSGT được nêu trong Thông tư 01 mà Bộ này đã ban hành vào đầu tháng 1 vừa qua.

Ngày 4/1, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2 và thay thế Thông tư 65/2012 ngày 30/10/2012 của bộ trưởng Bộ Công an. 

Ngay khi Thông tư này ban hành, thông tin về việc CSGT được quyền trưng dụng phương tiện giao thông, liên lạc của người dân xuất hiện ồ ạt trên các trang báo.

Cụ thể, trong Khoản 6 Điều 5 của Thông tư 01 định quyền hạn của CSGT nêu rõ: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.

khi nao csgt duoc trung dung tai san phuong tien
CSGT xử lý vi phạm giao thông (Ảnh: CAND)

Rõ ràng trong quy định trên có một yếu tố rất quan trọng là việc trưng dụng của CSGT phải “theo quy định pháp luật”. Tuy nhiên, quy định pháp luật về việc này cụ thể là như thế nào? Trường hợp nào được trưng dụng, trường hợp nào không? Nếu quy định không rõ ràng thì việc trưng dụng trên thực tế có khả thi hay không? Có thể áp dụng hay không?... thì không thấy báo chí nhắc đến, có chăng cũng rất ít.

Chính việc một số báo đưa tin kiểu như thể việc trưng dụng của CSGT là đương nhiên, cứ thích trưng dụng thì trưng dụng nên đã khiến người dân cảm thấy vô cùng băn khoăn, lo ngại. Nhiều ý kiến còn cho rằng quy định này của Thông tư 01 là quy định trái luật.

Có thể nói là trong câu chuyện này, báo chí thay vì làm minh bạch hóa những thông tin để công chúng tiếp cận quyền của mình thì một số bài viết đã đi ngược lại, làm gia tăng sự lo âu và kích thích sự bất mãn.

Rất may là mới đây, Bộ công an đã kịp thời ra Công văn số 252/C67-P9 để giải thích rõ về vấn đề liên quan đến quy định quyền hạn CSGT được trưng dụng phương tiện nêu trong Thông tư 01.

Theo Bộ Công an, Thông tư 01 chỉ nhắc lại quyền trưng dụng phương tiện nhưng do chưa đầy đủ nên đã dẫn tới hiểu nhầm đáng tiếc. Đây cũng chính là một sơ sót của Bộ Công an khi ban hành Thông tư này.

Bộ Công an đã khẳng định lại trong Công văn rằng: “việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 (điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục...). Riêng lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an”.

Bộ Công an cũng dẫn lại trong Công văn về Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân, quy định Công an nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.

Có thể nói, việc Bộ Công an ra Công văn 252 để giải thích rõ ràng về quy định quyền hạn của CSGT trong Thông tư 01 là hết sức kịp thời và đặc biệt cần thiết để xoa dịu và xóa bỏ sự hoang mang, bất mãn trong lòng người dân thời gian qua. 

L.Trúc