Khai mạc Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết

18:24 | 30/08/2012

1,041 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 30/8, Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) đã khai mạc tại Tehran, Iran với sự tham dự của nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các quan chức cấp cao đến từ 120 nước.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã có các cuộc hội đàm riêng với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei
trước hôm khai mạc Hội nghị NAM 2012

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nhiều nước thành viên NAM, làm tăng nguy cơ không đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 ở nhiều quốc gia. Tình trạng bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở Trung Đông- Bắc Phi,… tác động mạnh đến tình hình các khu vực, gây phân hóa giữa một số nhóm nước trong NAM. Bên cạnh đó, nước chủ nhà Iran cũng đang gặp nhiều thách thức khi các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này gần đây không có tiến triển và Tehran tiếp tục phải đối phó với sức ép của cộng đồng quốc tế.

Dự kiến, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei sẽ có bài phát biểu tại hội nghị cùng với Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, người sẽ chuyển giao hế Chủ tịch luân phiên NAM cho Iran. Đây cũng là một sự kiện được dư luận chú ý bởi nhân Hội nghị NAM lần này, Iran và Ai Cập sẽ chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao sau 3 thập kỷ gián đoạn kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và việc Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel.

Truyền hình nhà nước Iran đã phát đi hình ảnh địa điểm tổ chức hội nghị, tọa lạc tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt ở phía Bắc thủ đô Tehran.

Được thành lập ở Beograd (nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư cũ) năm 1961, trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, NAM hiện có 120 nước thành viên, chiếm 2/3 số thành viên Liên Hiệp Quốc và khoảng 55% dân số thế giới.

Từ đó tới nay, NAM đã trở thành diễn đàn đấu tranh cho lợi ích của các nước đang phát triển, kêu gọi cải tổ Liên Hiệp Quốc, theo đó giới hạn quyền hạn của các cường quốc trong Hội đồng Bảo an, thúc đẩy thành lập một nhà nước Palestine, lên án các lệnh trừng phạt của Phương Tây đối với các quốc gia thành viên NAM, trong đó có Cuba, Iran, Triều Tiên, Syria và Zimbabwe.

Mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng NAM đã suy yếu nhiều kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc song việc Iran đăng cai hội nghị NAM lần này tạo cơ hội để Tehran chứng tỏ rằng Washington đã thất bại trong việc cô lập một quốc gia với phần còn lại của thế giới. Điều đáng lưu ý nữa là việc Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã kiên định công du Iran bất chấp sức ép ngoại giao của Mỹ và Israel đòi tẩy chay sự kiện này.

Theo AFP, tại Iran, ông Ban đã tổ chức các cuộc hội đàm riêng với các nhà lãnh đạo Iran về các vấn đề như bế tắc hạt nhân, Syria và nhân quyền trước khi hội nghị NAM diễn ra. 

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng khẳng định Iran đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết hòa bình của cuộc khủng hoảng Syria. Ông Ban hy vọng sẽ nhìn thấy vai trò của Iran trong việc hòa giải chính trị trong cuộc khủng hoảng 18 tháng qua ở Syria.

Minh Châu (tổng hợp)