Hơn 9.000 xe công nông, xe ba gác... vẫn đang hoạt động

17:00 | 07/12/2013

1,254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP thì các phương tiện là xe công nông, xe lôi, xe ba gác… chính thức bị cấm hoạt động từ năm 2008. Thế nhưng, sau hơn 5 năm Nghị quyết có hiệu lực, đến nay vẫn còn hơn 9.000 phương tiện thuộc diện bị đình chỉ vẫn hoạt động.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa họp tổng kết kế hoạch thực hiện công tác quản lý và hỗ trợ phương tiện thay thế xe công nông, xe ba gác, xe thô sơ 3-4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 5 năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ hơn 860 tỉ đồng cho các chủ phương tiện là xe công nông, xe mày lôi, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ 3-4 bánh để dừng hoạt động. Theo thống kê, cả nước có khoảng 54.000 phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.

Từ khi Nghị quyết 32/2007/NQ-CP có hiệu lực, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 12.500 trường hợp là xe công nông, xe ba gác… với tổng tiền xử phạt gần 3,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này cả nước vẫn còn hơn 9.000 phương tiện chưa được loại bỏ.

Sau 5 năm ban hành lệnh cấm, xe công nông vẫn lén lút hoạt động.

Tham dự buổi tổng kết, ông Nguyễn Xuân Ba – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nắng lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trang xe công nông, xe ba gác... vẫn tồn tại mặc dù lệnh cấm có hiệu lực từ 5 năm trước. Theo đó, nguyên nhân là do xe công nông, xe ba gác có tính cơ động, giá thành rẻ, trong khi đó nhiều loại xe thay thế vẫn có những bất cập nên phương tiện này được ưu tiên ở nhiều vùng kinh tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, tại các vùng có khó khăn về kinh tế, vùng đồng bào ít người thì việc tổ chức thi giấy phép sử dụng các loại phương tiện thay thế gặp nhiều khó khăn. Để kêu gọi những người sử dụng phương tiện thay thế đến các trung tâm sát hạch lái xe ở trung tâm các huyện, thành phố thi lấy giấy phép là việc không hề dễ dàng.

Ngoài ra, nhiều đại biểu tham dự cũng cho rằng, các địa phương triển khai Nghị quyết 32 của Chính phủ, tuy nhiên công tác giám sát sau khi thay thế các phương tiện này tại một số địa phương còn lỏng lẻo. Dù đã nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thay thế nhưng nhiều người vẫn lén lút sử dụng các loại phương tiện trên.

Còn theo ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng vụ Vận tải, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang có những kiến nghị lên Chính phủ, các Bộ, ban ngành và chính quyền các địa phương để khắc phục tình trạng các loại xe bị đình chỉ vẫn tiếp tục hoạt động. Bộ đã nghị các Bộ, ban ngành chỉ đạo các lực lượng chức năng tổng kiểm tra, rà soát lượng phương tiện thuộc diện bị đình chỉ còn tồn tại hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, những giải pháp khác như chỉ đạo các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nghiên cứu sản xuất phương tiện thay thế hợp lý xe bị đình chỉ. Đề xuất cơ chế ưu đãi chuyển đổi phương tiện đối với đối tượng là các hộ gia đình thương binh đang sử dụng phương tiện ba bánh... Hiện còn một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc công tác thống kê, báo cáo việc đình chỉ xe tham giam giao thông như: Bắc Kạn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận, Hà Nội.

Trước những vấn đề mà các đại biểu bày tỏ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến các loại xe bị đình chỉ đã giảm hẳn trong 5 năm qua. Các loại xe được dùng thay thế xe công nông và các xe bị đình chỉ cũng đang thể hiện được sự an toàn. Tại nhiều địa phương chưa xảy ra các tai nạn giao thông do người điều khiển các loại phương tiện thay thế gây ra. Chúng ta phải làm cho người dân thấy được lợi ích để tự nguyện thay thế phương tiện. Các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương cũng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn.

T.Minh