Học tập và làm theo

11:00 | 17/05/2013

1,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những lời Bác dạy từ cách đây 63 năm, nếu đem soi vào những cán bộ “sâu mọt” hiện nay sẽ thấy họ hoàn toàn làm trái ngược lại. Họ nói rất hay, chỉ đạo rất bài bản nhưng làm thì bậy bạ.

Bùi Đức (NLM số 222)

Cách đây hơn chục năm, cả nước phát động cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ. Các thành phần, lứa tuổi đều hăng hái tham gia. Điều bất ngờ là hầu hết những người thi kể chuyện đều chưa được vinh dự một lần gặp Bác nhưng thông qua câu chuyện họ kể, Bác Hồ hiện lên khá sinh động hấp dẫn.

Thậm chí có những em học sinh nhỏ tuổi cũng kể được câu chuyện rất cảm động về Bác. Như vậy là cuộc thi đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Toàn đảng, toàn dân có dịp được ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu, hiểu thêm và càng thấy trân trọng Bác. Nhưng sau vài năm triển khai cuộc thi này, qua tổng kết rút kinh nghiệm, nhiều ý kiến đã đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung thi.

Thứ nhất là, không chỉ dừng lại việc kể những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Vì qua sách báo, phim ảnh, ai cũng có thể xem và thuộc tiểu sử hoặc chuyện về thuở sinh thời của Bác và kể lại trơn tru. Với những người có năng khiếu và có cách diễn đạt lưu loát, hấp dẫn thì các câu chuyện càng trở nên sinh động, cuốn hút người nghe; kể cả những chuyện mà mọi người đã được nghe nhiều lần.

Vì vậy, nội dung kể chuyện được mở rộng hơn là kể về những gương người tốt việc tốt trong cuộc sống hằng ngày. Có một số nơi còn bổ sung thêm phần thi năng khiếu đối với thí sinh để tăng điểm…

Tượng Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An)

Thứ hai là, đã có ý kiến phàn nàn về sự tốn kém kinh phí và thời gian cho cuộc thi. Có những thí sinh tham gia thi từ cơ sở lên đến cấp quốc gia, phải mất khá nhiều thời gian và tiền bạc cho việc tập tành, ôn luyện. Rồi nhiều nơi còn bố trí đội hình múa hát phụ họa cho người kể chuyện, như một tiết mục văn nghệ rất rườm rà. Vì thế, để đoạt giải trong kỳ thi kể chuyện về Bác ở cấp quốc gia đã phải chi phí đến tiền tỉ. Nghe mà giật mình! Như vậy là đã đi ngược lại lời dạy của Bác về tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả.

Đồng thời với cuộc thi kể chuyện còn có cuộc thi viết và tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thí sinh đã dày công sưu tập, nghiên cứu tài liệu hàng năm trời để có bài dự thi dày tới mấy trăm trang, đóng thành cuốn sách bìa cứng, trang trí công phu gồm ảnh tư liệu và những mẩu chuyện về Bác kèm theo bài viết của tác giả ca ngợi Bác. Với một bài dự thi như thế cũng tốn kém không ít tiền bạc và công sức. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sau cuộc thi kể chuyện và thi tìm hiểu về Bác như thế, kết quả đem lại là gì ngoài giải thưởng?

Trước thực trạng trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một ý kiến đóng góp rất quý báu là không thể chỉ dừng lại ở việc kể chuyện và học tập Bác mà phải làm theo Bác. Bởi nếu chỉ học tập thôi mà không làm theo thì chẳng có ý nghĩa gì. Ngày 3/2/2007, Bộ Chính trị đã quyết định phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn đảng, toàn dân. Hằng năm, cả nước lấy ngày 19/5 (ngày sinh nhật Bác) để tổ chức tổng kết và tiếp tục triển khai cuộc vận động cho năm tiếp theo.

Đến nay, sau 6 năm thực hiện cuộc vận động, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong cả nước đã thu được kết quả đáng mừng là nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, học tập và công tác. Từng cơ quan, đơn vị đến các địa phương đều vận dụng sáng tạo việc học tập và làm theo Bác trong công việc hằng ngày của mình, lập thành tích xuất sắc, trở thành gương sáng cho tập thể noi theo.

Học tập và làm theo Bác trở thành một trong những nội dung thi đua yêu nước, là tiêu chí để đánh giá năng lực, phẩm chất mỗi người. Cảm động biết bao trước những con người bình thường, giản dị đã có suy nghĩ và việc làm cao quý, cống hiến hết sức mình cho xã hội. Đó là những chiến sĩ quân đội, công an hy sinh thân mình bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; họ là những công nhân ở công trường, nhà máy, xí nghiệp; là nông dân trên đồng ruộng; là kỹ sư, bác sĩ; là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu khoa học; là giáo viên, cán bộ hưu trí và có cả những nhà sư ở các chùa chiền…

Hình ảnh những nhà giáo đã nghỉ hưu dạy dỗ miễn phí hàng trăm lượt cháu nhỏ học chữ hoặc học thêm vì hoàn cảnh nghèo khó, không có tiền đến trường; những nhà sư nuôi hàng trăm lượt cháu nhỏ mồ côi, bệnh tật và người già cô đơn, không nơi nương tựa; những gia đình có điều kiện kinh tế mỗi ngày lo hàng trăm xuất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo; những thầy thuốc chăm lo chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV; những nhà nghiên cứu khoa học thầm lặng hiến dâng cả cuộc đời cho những công trình mang ý nghĩa xã hội rộng lớn; những người kiên trì đấu tranh chống tiêu cực… Họ đã và đang trở thành nhân tố tích cực, góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân.

Nhưng đáng tiếc là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - những đối tượng lẽ ra phải đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì một số lại thoái hóa, biến chất, không xứng đáng là “đầy tớ” của nhân dân. Họ là những cán bộ, đảng viên chỉ học tập mà không làm theo Bác. Biểu hiện rõ nhất là xa rời quần chúng, quan liêu, hách dịch; nói không đi đôi với làm; câu kết với nhau để hưởng lợi ích nhóm.

Nhiều cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong những năm vừa qua phạm đủ các tội danh, từ mâu thuẫn nội bộ, bè cánh đấu đá thanh trừng nhau đến tham nhũng, cờ bạc, rượu chè, quan hệ nam nữ bất chính, nhũng nhiễu dân. Họ đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, làm suy yếu bộ máy công quyền. Gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi những cán bộ đảng viên này là “bầy sâu mọt”.

Năm 1947, giữa lúc phải tập trung chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Cuốn sách có 6 phần: “Phê bình và sửa chữa”; “Mấy điều kinh nghiệm”; “Tư cách và đạo đức cách mạng”; “Vấn đề cán bộ”; “Cách lãnh đạo”; “Chống thói ba hoa”. Cuốn sách đã chỉ dẫn, động viên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, của quân, dân ta góp phần đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện giành thắng lợi vẻ vang.

Ngày nay, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,  yêu cầu “làm theo” trở thành cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, với tất cả các cơ quan, đơn vị thì cuốn “Sửa đổi lối làm việc” càng trở nên cần thiết. Những lời Bác dạy từ cách đây 63 năm, nếu đem soi vào những cán bộ “sâu mọt” hiện nay sẽ thấy họ hoàn toàn làm trái ngược lại. Họ nói rất hay, chỉ đạo rất bài bản nhưng làm thì bậy bạ.

Kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc tới đây sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với 49 chức danh do Quốc hội bầu ra. Người dân cả nước hy vọng rằng, các đại biểu Quốc hội do dân tín nhiệm bầu lên sẽ thể hiện tâm huyết và trách nhiệm với đất nước, với nhân dân để bỏ những lá phiếu tín nhiệm chuẩn xác, loại trừ những đại biểu không còn xứng đáng đại diện cho dân ra khỏi vị trí lãnh đạo hiện tại.

B.Đ