Hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý để nâng cao năng lực "tự bảo vệ mình"

06:30 | 21/12/2022

635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần có cách thức hỗ trợ hữu hiệu để các doanh nghiệp xây dựng và tăng cường chức năng pháp chế, nâng cao năng lực "tự bảo vệ mình" - vừa tuân thủ pháp luật, vừa có khả năng nhận diện, đánh giá, phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động.

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”. Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đồng hành cùng diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; sự chủ trì của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cùng lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan… đặc biệt là đông đảo đại diện của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý để nâng cao năng lực
Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển” là cơ hội để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe”; cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay. Từ đó có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, thông qua diễn đàn này, Ban Tổ chức muốn truyền tải thông điệp: “Thể chế, pháp luật phải phục vụ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Doanh nghiệp cần đề cao tính tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc pháp quyền”.

Hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý để nâng cao năng lực
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển” là rất phù hợp khi đất nước ta đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Việc cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các ách tắc, điểm nghẽn về pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan và đã kiến nghị, đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản, cho thấy có những sự chồng chéo trong văn bản và đã tiến hành rà soát, sửa đổi. “Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động xã hội khác”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

Hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý để nâng cao năng lực
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại diễn đàn

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp vừa hoạt động tốt ở trong nước vừa cạnh tranh hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn. Theo Phó Thủ tướng Thường trực, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn thảo luận sâu về môi trường thể chế, hành lang/khuôn khổ pháp lý, việc tiếp cận các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; nhận diện các vướng mắc, những vấn đề pháp lý đang là điểm nghẽn, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan…, từ đó đề xuất nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, quy định hiện hành cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, diễn đàn cần đánh giá, dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, cũng như trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng để xác định đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ ở hiện tại mà cả trong trung và dài hạn, cần có cả tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này.

Cùng với đó, hoạt động đầu tư bên ngoài vào sẽ xảy ra rủi ro kiện tụng ngày càng nhiều. Do đó phải tăng cường khả năng phòng vệ trong các vấn đề kiện tụng để bảo vệ lợi ích cao nhất của đất nước và doanh nghiệp, người dân.

Từ việc phân tích thực trạng của công tác hỗ trợ pháp lý và đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, diễn đàn cần đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp.

Đồng thời, lộ trình cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; cần có cách thức hỗ trợ hữu hiệu để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng và tăng cường chức năng pháp chế, nâng cao năng lực "tự bảo vệ mình" - vừa tuân thủ pháp luật, vừa có khả năng nhận diện, đánh giá, phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý để nâng cao năng lực
Phiên thảo luận với chủ đề “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý của doanh nghiệp”

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi, đa chiều giữa các diễn giả, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư xung quanh hai nhóm chủ đề lớn: “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý của doanh nghiệp”; và “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh”. Chủ đề, nội dung xuyên suốt của Diễn đàn đã bám sát và phản ánh khá rõ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp gắn với bối cảnh kinh tế - xã hội trong năm 2022 cũng như trong thời gian tới.

Theo trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo đánh giá Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, sau khi làm việc với nhiều doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết có nhiều thủ tục gây mất nhiều thời gian khi doanh nghiệp muốn tiếp cận đến những gói hỗ trợ. Lý giải về vấn đề này, bà Thảo cho rằng các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trước đó, chưa cụ thể khiến cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý lúng túng trong quá trình hỗ trợ.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Vì thế, bà mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra nếu có thì nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại e ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ cao nhưng lợi ích nhỏ nên các ngân hàng thương mại không mặn mà.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Công Hùng, sau đại dịch, các chính sách của Nhà nước đã giãn, hoãn nợ để chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp vận tải. Ở đây cho nợ, hoãn, giãn thì vẫn phải trả. Trong giai đoạn sau dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đang khôi phục, giờ phải nộp thuế, nộp tiền bảo hiểm xã hội. Nếu không nộp là bị thanh tra, kiểm tra và có thể bị khởi tố. Cũng theo ông Hùng, nếu muốn cứu doanh trong giai đoạn này, đặc biệt là đối với ngành vận tải, đề nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục ban hành sớm gói cơ cấu nợ, cho chậm nộp thuế và chậm nộp bảo hiểm xã hội. Phải áp dụng chậm nộp thuế tùy thời điểm, chứ còn cộng thêm lãi suất chậm nộp là chất chồng khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết diễn đàn đã góp phần nhận diện chính xác các vướng mắc pháp lý, nguyên nhân, giải pháp; phát hiện các rào cản pháp lý cần tháo gỡ để khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thêm, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là phương thức nhà nước đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên việc tiếp cận các gói hỗ trợ này còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện tiếp cận còn khắt khe; tâm lý e ngại về trách nhiệm; chưa thực hiện đồng bộ và nhất quán tại các địa phương; nhận thức chưa thông suốt giữa cơ quan có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp; một số quy định chưa khả thi và tương đối khó thực hiện. Bộ trưởng Lê Thành Long hứa ghi nhận, nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý tại diễn đàn và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, Bộ trưởng bày tỏ hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật.

N.H

Thủ tướng dự diễn đàn kinh doanh và đầu tư Hongkong - Việt NamThủ tướng dự diễn đàn kinh doanh và đầu tư Hongkong - Việt Nam
Diễn đàn kinh doanh hàng đầu của ngành công nghiệp nhựa, cao su tại Việt NamDiễn đàn kinh doanh hàng đầu của ngành công nghiệp nhựa, cao su tại Việt Nam
PV GAS: Khẳng định và nâng tầm Văn hóa Doanh nghiệp PetrovietnamPV GAS: Khẳng định và nâng tầm Văn hóa Doanh nghiệp Petrovietnam