Hình thức rởm, ai chả biết...

07:00 | 18/04/2013

975 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khẩu hiệu “tiết kiệm là quốc sách” đã có từ lâu, nhất là ở thời kỳ kinh tế khó khăn như mấy năm nay, nó lại càng được nhắc đến nhiều hơn. Tiết giảm chi phí công cũng là chính sách của Chính phủ ban hành gần 2 năm rồi. Nhưng thực tế cuộc sống hằng ngày, khẩu hiệu vẫn cứ là khẩu hiệu, lãng phí vẫn cứ còn tiếp diễn.

Bùi Đức (NLM số 213)

1. Hoa giả và hoa thật: Khắp cả nước, hầu như ngày nào cũng diễn ra những lễ khởi công, khai trương, khánh thành, lễ hội và hội nghị. Khi đại biểu đến dự, ban tổ chức những sự này kiện này thường bố trí đội hình thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp, áo dài sặc sỡ đón tiếp khách quý và gắn lên ngực khách một bông hồng giả đính kèm băng vải đỏ hình đuôi nheo. Có những sự kiện mời lượng đại biểu lên tới hàng nghìn người, số bông hồng ấy phải làm dư ra so với số đại biểu đã ấn định. Không chỉ tốn kém, lãng phí mà xung quanh cái bông hồng bằng vải đỏ ấy cũng còn những chuyện phiền hà.

Quan khách đến dự lễ, mỗi người trang phục một kiểu khác nhau, áo họ mặc cũng có chất liệu vải khác nhau. Dù bông hồng được dùng chất liệu băng keo để dán lên ngực nhưng độ bám dính phụ thuộc vào chất liệu vải áo. Vì thế, có đại biểu vừa bước đi được mấy bước thì bông hồng kia đã rời khỏi ngực áo. Có nhặt lên gắn lại cũng chỉ lủng lẳng được vài phút rồi lại rơi.

Và có những đại biểu lâu ngày gặp nhau, hồ hởi ôm hôn quấn quýt, hoa hồng cũng bị rơi. Tâm lý chung, chẳng có ai thích đeo cái bông hoa giả kèm lá cờ đuôi nheo như thế trên ngực cả. Chính vì thế mà có vị vào đến ghế ngồi là bóc ngay ra. Tế nhị thì đút vào túi, dán vào bàn ghế; còn thô hơn thì dúi xuống gầm bàn. Thế là sau khi kết thúc buổi lễ, trên sàn nhà, ghế ngồi và rải khắp từ sân ra đường, la liệt hoa hồng vải đỏ rực dính đầy đất cát, bị hàng trăm người vô tình giẫm lên.

Không chỉ có hoa hồng, nhiều nơi còn làm tấm biển mica cỡ 6x9cm, trong đó ép miếng giấy in tên của hội nghị, hội thảo hoặc buổi lễ. Tấm biển đó có nơi dùng kim băng cài lên ngực đại biểu, có nơi dùng dây vải để đeo trên cổ khách. Cũng phải tiền triệu chi cho việc làm số biển này nhưng những tấm biển ấy thường bị đung đưa, lật mặt trái ra, trắng phớ, chẳng có chữ gì cả.

Còn hoa thật thì sao? Rất nhiều cuộc lễ lạt, mặc dù ban tổ chức đã có dòng thông tin nhắc các đoàn khách đến dự không mang theo lẵng hoa, nhưng khách mời vẫn vô tư mua những lẵng hoa trị giá 500-600 trăm ngàn đồng đến tặng. Hoa để tràn lan từ ngoài sân, tiền sảnh vào trong hội trường, sân khấu. Tan cuộc, hàng trăm lẵng hoa trở thành đống rác, lại làm khổ công nhân vệ sinh môi trường thu gom vào buổi tối. Đó là chưa kể những bát hoa, lọ hoa mà ban tổ chức đã trang trí ở trên bàn của đoàn chủ tịch, bàn khách VIP.

Không ít cuộc còn đặt một giỏ hoa tươi trên bục phát biểu. Cái giỏ hoa quá to, rườm rà che kín mặt người phát biểu. Ngồi dưới hội trường, đại biểu chỉ còn nhìn thấy cái chỏm đầu gật gù của diễn giả, thật khó chịu.

Trước giờ khai mạc các sự kiện, đại biểu còn bị tra tấn bằng một chương trình văn nghệ inh tai nhức óc.

2. Bóng bay, cờ, phướn, pháo giấy và khẩu hiệu cũng là chuyện đáng phải bàn. Có những lễ lạt cấp địa phương mà các ngả đường dẫn đến khu hành lễ, nhan nhản baner, khẩu hiệu chào mừng; rợp trời cờ, phướn, cổng chào. Khi ban tổ chức công bố khai mạc lễ hội hoặc cuộc thi nào đó, một loạt pháo giấy bắn ra lấp lánh, từng chùm bong bay thả lên, kéo theo mấy dải baner cuốn đi cùng chiều gió. Quan chức vỗ tay hoan hỷ, còn dân chúng thấy xót ruột cho sự phô trương lãng phí.

Đối với lễ khởi công, động thổ, một hộp gỗ dài chừng 10m, rộng 0,6m chứa đầy cát đen; những chiếc xẻng mới tinh được quấn vải đỏ ở cán trao cho quan chức xúc mấy nhát tượng trưng. Rồi chuyện cắt băng khánh thành, khoảng chục quan chức dàn hàng ngang, mỗi vị một chiếc kéo, đứng xen kẽ là những cô gái áo dài sặc sỡ, bưng khay đỡ dải băng vải đỏ cho quan chức cắt băng.

Một số cuộc long trọng hơn thì ban tổ chức bố trí hàng nút điện cho quan chức bấm nút, còi kêu đầy ấn tượng. Đồng thời máy phun khói, máy phun pháo hoa cải mù mịt trước lễ đài. Trong những cuộc khánh thành cầu, đường trên các tuyến quốc lộ, sau lễ cắt băng là một đoàn xe ôtô hàng trăm chiếc nối đuôi nhau diễu hành một vòng trước khi quay về nơi ăn cỗ.

Tất cả những “đạo cụ”, những vật dụng được “trình diễn” trong các cuộc vui nêu trên đều chỉ sử dụng một lần rồi hầu như bỏ đi cả. Không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn để mất mỹ quan. Rác trên mặt đất, dây dợ và băng biển trên cành cây, cột điện sau mấy ngày không có ai dọn dẹp. Quan chức ào ào đến dự rồi vội vã ra về, có ai quan tâm đến chuyện ấy. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng ra tổ chức những sự kiện làm gì không hiểu được sự phô trương hình thức và lãng phí của mình. Vậy tại sao họ vẫn làm? Vì sĩ diện, vì muốn thể hiện với cấp trên để gây thanh thế! Cấp trên có biết không?

Chắc chắn là biết, có nhắc nhở nhưng vì nể cấp dưới rồi quen dần, đôi lúc tỏ ra vô tâm, buông xuôi. Có vị lãnh đạo đã từ chối khi được mời đi khai trương, khai mạc, khánh thành, trao giải thưởng vì nó quá nhiều, đâm nhàm chán. Nhưng rồi hằng ngày các sự kiện đó vẫn diễn ra. Thế thì ai sẽ là người thực hiện khẩu hiệu “Tiết kiệm là quốc sách”? Những người có chức, có quyền và có tiền (chi từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương) mới có thể tổ chức được sự kiện.

Một điều tưởng chừng rất đơn giản sao không thực hiện được: Đã chi tiêu vào tiền ngân sách thì phải có thanh quyết toán. Nếu cấp trên không thanh quyết toán những khoản tiền lãng phí, vô bổ ấy thì làm sao cấp dưới dám chi. Người chi tiền đều là cán bộ, đảng viên chứ không phải dân thường. Cán bộ, đảng viên không gương mẫu, không tự giác chấp hành quy định của cấp trên thì khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Chủ nghĩa hình thức đã ăn sâu vào suy nghĩ và hành động của cán bộ nhiều cấp, nhiều ngành. Đã phú quý gì mà sinh lễ nghĩa! Quá chú trọng hình thức mà không quan tâm đến nội dung nên thường “đầu voi, đuôi chuột”. Khai trương, khánh thành long trọng, hoành tráng lắm nhưng chỉ mấy tháng sau công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Nhiều phong trào phát động rầm rộ nhưng cứ “phát” cho xong chứ không thấy “động”. Bao nhiêu lễ hội cũng chỉ dừng lại ở phần lễ còn phần hội thì dành cho tư nhân thao túng, chặt chém và gây ra bao hệ lụy đáng buồn.

Bao nhiêu cuộc hội thảo, hội nghị nhằm khắc phục thực trạng yếu kém này nhưng không có chuyển biến tiến bộ. Một năm, nếu tính toán chi li ra thì trong cả nước, số tiền “nướng” vào cái sự long trọng hình thức kia không biết bao nhiêu tỉ đồng. Dân tình rất bức xúc nhưng không biết làm gì, chỉ xì xào bình luận. Những đứa trẻ tranh nhau nhặt những bông hồng vải, quả bóng bay, tấm biển mica đeo ngực trong niềm hân hoan, sung sướng thì cha mẹ chúng lại thấy chua xót trong lòng. Họ ước mơ số tiền ấy đưa vào xây dựng những công trình phúc lợi cho những vùng quê nghèo thì biết bao con người được hưởng lợi.

Việc có lợi cho dân, cho nước như thế, hà cớ gì không được cấp trên ra tay quyết liệt để cho dân được nhờ?

B.Đ

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc