Hình ảnh bão số 2 gây sóng lớn, sạt lở nhiều nơi

20:52 | 23/06/2013

816 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tính đến thời điểm này, bão số 2 đã có sức gió lên tới cấp 11, cấp 12, gây sạt lở nghiêm trọng tại một số địa phương.

>> Bão số 2 áp sát Quảng Ninh – Hải Phòng, biển động mạnh

Tại Quảng Ninh, ảnh hưởng của cơn bão số 2 khiến sức gió trên vùng biển Cô Tô đã mạnh dần lên cấp 7, cấp 8 giật cấp 9, biển động dữ dội. Đến 15h cùng ngày do sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã xảy ra sự cố sạt lở cầu cảng từ Cô Tô đi xã Thanh Lân.

Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện do đồng chí Nguyễn Đức Thành – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô trực tiếp chỉ đạo lực lượng quân đội, dân quân biển tập kết bao cát, đá, bạt và kêu gọi nhân dân cùng khắc phục sự cố. Sau hai giờ đồng hồ vật lộn với mưa, sóng lớn tuyến cầu đã được gia cố, không còn nguy hiểm đến khu vực dân cư.

Các lực lượng tiến hành gia cố phần cầu tàu bị sóng làm sạt lở.

Đồng chí Nguyễn Đức Thành – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo của nhân dân và lực lượng trực tại khu vực này, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của huyện đã khẩn trương huy động lực lượng để khắc phục sự cố. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây tổn thất về tài sản. Đồng chí cho biết thêm, gần 1.000 du khách đang trên đảo đã được bố trí chỗ ăn, ở đảm bảo.

Chiều 23/6, trên địa bàn Cô Tô đã có gió cấp 8, giật cấp 9.

Đến nay, các phương tiện tàu thuyền trên đảo vẫn được đảm bảo ở nơi tránh trú. Các tuyến đê xung yếu đã được chủ động xả tràn ngay trong sáng nay khi chưa có triều cường. Và hiện tại Cô Tô chưa có thiệt hại về người.

Cũng theo tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 2 kết hợp với triều cường nên khoảng 50 mét đê biển Quan Lạn (huyện Vân Đồn) có hiện tượng nước biển tràn qua đê.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiểm tra tại đầm nuôi trồng thủy sản của Công ty CP thủy sản Tân An.

Ngay sau sự cố xảy ra, lực lượng quân đội, dân quân và nhân dân trên đảo đã tiến hành dùng bao cát, xử lý khẩn cấp, khắc phục kịp thời. Vào khoảng 15 giờ cùng ngày, chính quyền xã đã di dời 11 hộ dân ở trong vùng trũng khu vực sau đê đến trường tiểu học Quan Lạn.

Hiện nay, Quảng Ninh đang có mưa lớn, tình hình mưa bão có chiều hướng phức tạp. Khu vực ngoài biển có sóng lớn, một số thuyền đò nhỏ của người dân ở khu vực Tp Hạ Long bị chìm đã được lực lượng biên phòng cứu vớt.

Tại Hải Phòng, công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện phòng chống bão lụt khá chu đáo với gần 37.000 người tham gia.

Chiều 23/6, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), gió đang rất mạnh. Sóng biển đập liên tục vào các tuyến bờ kè, gây ngập các tuyến đường ven biển.

Tính đến 17h chiều qua (22/6), cơ quan chức năng đã thông tin cho gần 4.000 phương tiện, lồng bè với 11.500 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của khu vực có gió mạnh để chủ động phòng tránh. Trong đó, đang hoạt động ven biển là 400 phương tiện/1.000 lao động. Gần 3.000 phương tiện đang neo đậu tại các bến với 9.300 lao động và 534 lồng bè nuôi trồng thủy sản với 1.000 lao động.

Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ: Có 366 phương tiện tàu thuyền trong khu vực âu cảng và tàu thuyền hoạt động khu vực biển quanh đảo, trong đó có 27 phương tiện hoạt động cách đảo 5 hải lý trở lên; Huyện đảo đã bố trí 70 người, 2 xe cẩu, cần cẩu đưa tòa bộ số thuyền chèo tay, thuyền gắn máy, tàu thuyền nhỏ trong khu vực âu cảng lên bờ tránh bão.

Công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện phòng chống bão lụt khá chu đáo với gần 37.000 người. Trong đó, lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là 7.300 người; 328 xe ôtô các loại, 107 tàu, xuồng cao tốc và 4 xe thiết giáp.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều du khách, người dân ở Hải Phòng vẫn bất chấp nguy hiểm "hồn nhiên" kéo nhau đi... xem bão.

Sóng đánh tràn bờ tại khu 2, Đồ Sơn, ngay trước mặt một gia đình đang "hồn nhiên" chụp ảnh.

Mặc sóng đánh tràn bờ, khách du lịch vẫn thi nhau tạo dáng, chụp ảnh tại khu 1 Đồ Sơn

Tại Thái Bình, hiện có gần 900 tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn

Tính đến trưa 22/6, đã có 892 tàu thuyền của Thái Bình với hơn 2.000 ngư dân lao đã trở về đất liền neo đậu an toàn, hiện còn 294 phương tiện với 831 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo để tránh trú bão, không đi vào vùng nguy hiểm.

Bản đồ dự báo đường đi của bão số 2 .

Tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại cảng bến Lân (xã Nam Thịnh, Tiền Hải).

Đê biển số 7 của Thái Thụy được nâng cấp, cứng hoá mặt đê ngay trước cơn bão.

Cùng ngày, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hai đoàn công tác xuống kiểm tra tại các tuyến đê biển xung yếu, trong đó có tuyến đê biển số 5 (từ km15 đến km17+500) thuộc địa phận xã Nam Phú, H.Tiền Hải đang thi công dở dang có chiều dài trên 2,7 km. Tỉnh Thái Bình yêu cầu huyện Tiền Hải vận động 14 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ngoài đê quốc gia (xã Đông Long) vào khu tái định cư trong nội đồng trước 10h ngày 23/6.

 

PV (Tổng hợp)