Hiền tài là nguyên khí quốc gia

09:56 | 09/08/2011

6,646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tự ngàn xưa, một nét đặc trưng của văn hóa Việt là kính trọng hiền tài. Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn coi trọng truyền thống ấy và Người đã nâng thành tư tưởng chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường rất xúc động và ngợi khen những tấm gương học sinh nghèo hiếu học, vượt qua muôn trùng khó khăn của cuộc sống vật chất để học hành đỗ đạt, giành giải cao tại các cuộc thi tài, điển hình là thi đại học. Nhiều em, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vẫn đủ nghị lực vượt lên số phận. Công bằng mà nói, những em con nhà khá giả mà học giỏi cũng đáng khen không kém. Họ không phải chịu những nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng họ lại phải vượt qua những cám dỗ hưởng thụ, nén lại những ham muốn chơi bời để chăm chỉ học hành. Nhiều em, có đầy đủ điều kiện để sung sướng cả đời, lại vẫn miệt mài đèn sách, đạt thành tích cao.

Tuy vậy, câu chuyện muốn nói ở đây không phải so sánh ai khó – dễ hơn ai.

Câu chuyện là chuyện hiền tài, khuyến học khuyến tài.

Từ năm 1484, Vua Lê Thánh Tông khởi xướng và cho lập Bia Tiến sĩ lần đầu tiên ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Lê Thánh Tông là người rất trọng dụng nhân tài và thực tế, dưới thời ông trị vì, hiền tài thường được trọng dụng và đã cùng ông xây dựng một nước Đại Việt hưng thịnh. Tiến sĩ Thân Nhân Trung, tự là Hậu Phủ, một danh sĩ nổi tiếng thời ấy trong bài ký “Đại Bảo tam niên nhâm tuất khoa tiến sĩ đề danh bi” dâng lên đức vua có viết: “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí”. Sự kiện này được khắc trên bia đá Văn Miếu, được người đời đánh giá là “nhất ngôn hưng bang”.

Từ xưa, dân ta đã luôn đề cao vai trò của hiền tài đối với quốc gia, họ chính là rường cột, có quan hệ lớn tới thịnh suy của đất nước, khẳng định vai trò quan trọng của tri thức và người trí thức trong xã hội, đồng thời dân ta cũng luôn quan tâm đến giáo dục và trọng dụng nhân tài. Những người tài xuất hiện trong tiến trình lịch sử của dân tộc, rất nhiều người xuất thân từ những gia đình lao động vất vả, từ những dòng họ, từ những làng quê có bề dày về truyền thống hiếu học, chịu thương, chịu khó.

Xin nhắc lại vài tấm gương xưa hiếu học lưu danh sử sách như: Lộc Khuê hầu, Hoằng Quốc công Đào Duy Từ, thuở nhỏ ban ngày chăn trâu, tối về gom lá đốt để lấy ánh sáng mà học, một tấm gương sáng về lập thân, lập nghiệp và hiếu học. Đông Các đại học sĩ Nguyễn Du, 12 tuổi đã mồ côi cả mẹ lẫn cha, sống nhờ vào người khác nhưng tính kiên trì học tập nên đến năm 17 tuổi thi đậu Tú tài. Lê Văn Hưu, Thượng thư bộ binh, Lâm viện học sĩ, kiêm Quốc Sử viện Giám tu, với chí ham học mới 17 tuổi đã đỗ Bảng nhãn. Phan Bội Châu,ngay từ tấm bé đã hiểu biết Tam Tự Kinh, Luận Ngữ, 13 tuổi thi đỗ đầu huyện, do nhà nghèo phải tự đi dạy học và ôn thi, đến năm 1900 đỗ Giải Nguyên và sớm tham gia vào nhiều phong trào chống Pháp. Thượng thư hữu bật Lê Quát, mồ côi cha từ nhỏ, dựng lều sống với mẹ ở chợ và sống bằng nghề quét rác, nhưng do chí khí vững bền nên đã chăm chỉ học tập và thi đỗ Thái học sinh…

Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương sáng ngời về hiếu học, qua hoạt động cách mạng đầy gian truân của Người có thể thấy ở mọi nơi, mọi lúc Người đều tranh thủ học tập, tích lũy kiến thức. Người cũng nêu tấm gương sáng cho việc trọng dụng nhân tài. Người từng giới thiệu tham gia Chính phủ đầu tiên của nước ta nhiều trí thức dù họ mới đến với cách mạng, nhiều người chưa phải đảng viên. Sau này, Đảng ta cũng đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực của đội ngũ trí thức trong nước cũng như ở nước ngoài trong sự nghiệp giữ gìn độc lập, phát triển đất nước và đội ngũ trí thức nước ta đã đóng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đó.

Thời gian gần đây, báo đài đưa rất nhiều tấm gương trò nghèo hiếu học, nhiều em có khả năng mà không có điều kiện học, đỗ đạt mà không có khả năng theo học như em Phạm Văn Khánh đỗ thủ khoa Trường ĐH Bách khoa; em Nguyễn Thị Phượng, thủ khoa khối B của Đại học Quảng Nam; Nguyễn TrầnVăn Quyện là “quán quân” kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM… những em như: Nguyễn Huy, thủ khoa Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Tăng Văn Bình, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Ngoại thương; Lê Thị Minh Vượng, thủ khoa Đại học Y Hà Nội; Chu Thị Kim Liên, thủ khoa ĐH Y Thái Bình…

Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

Các em là những học sinh con nhà nghèo, có hoàn cảnh éo le, thậm chí số phận nghiệt ngã vô cùng nhưng vẫn cố gắng vươn lên. Những thông tin động lòng người ấy đã được rất nhiều người quan tâm, nhiều tấm lòng thiện nguyện đã ra tay trợ giúp, động viên các em, nhiều quỹ khuyến học khuyến tài được lập ra, các chương trình tặng sách, tặng đồ dùng học tập, xây trường mở lớp được các tổ chức xã hội và các cá nhân chung tay góp sức, nhưng dường như bấy nhiêu là chưa đủ, mới chỉ là liều thuốc chữa triệu chứng chứ chưa phải chữa căn nguyên.

Tự ngàn xưa, một nét đặc trưng của văn hóa Việt là kính trọng hiền tài. Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn coi trọng truyền thống ấy và Người đã nâng thành tư tưởng chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội nhập mỗi ngày một nhanh và toàn diện với thế giới, chúng ta hôm nay đã bước vào một nền kinh tế tri thức, nhưng mong muốn của Bác từ hơn nửa thế kỷ trước: “…Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” vẫn như một trăn trở còn nóng hổi.

Thời gian qua, chúng ta đã chủ trương xã hội hóa giáo dục, mọi người, mọi ngành, mọi cấp đều bắt đầu có sự đóng góp tâm sức chăm lo đến giáo dục và đào tạo. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần có những giải pháp toàn vẹn về giáo dục, một chiến lược lâu dài đào tạo và phát huy tài nguyên trí tuệ của quốc gia, một chính sách phát hiện, đánh giá, bồi dưỡng, khuyến khích và trọng dụng, thu hút và đãi ngộ nhân tài để tránh tình trạng “chảy máu” chất xám.

Những người có công chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục, giúp đỡ để hiền tài không bị thui chột là những người có tầm nhìn xa, có tấm lòng bao dung nhân ái, đầy tâm huyết với tương lai của đất nước. Họ cần được xã hội kính trọng và tôn vinh xứng đáng.

Mỗi người chúng ta, song hành với những nghĩa cử trợ giúp hảo tâm cần góp thêm những ý tưởng, những giải pháp, những tiếng nói trong việc chăm lo cho những tài năng trẻ của đất nước. Những nhân tài vượt lên mọi khó khăn để tôi luyện cốt cách, trí tuệ, dùi mài kinh sử… cần được nhìn nhận, được đánh giá đúng mức, được bảo vệ và trợ giúp phát huy. Sẵn sàng tạo cơ hội và điều kiện cho các em được phát triển và đóng góp tài năng của mình cho đất nước rất cần trở thành chuẩn mực ứng xử của cộng đồng.

Dung dưỡng bồi đắp hiền tài chính là giữ gìn nguyên khí quốc gia.

Nguyễn Tiến Dũng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc