Hiểm họa từ phát hành nhạc online

08:48 | 28/11/2013

2,255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã qua rồi cái thời ca sĩ cạnh chạy đua bằng các sản phẩm băng đĩa nhạc truyền thống mà thay vào đó là các album, MV nhạc được phát hành online. Rõ ràng bằng cách này, âm nhạc đến với công chúng với tốc độ “thần tốc” nhưng tiềm ẩn đằng sau nó lại là những hiểm họa khôn lường…!

Công nghệ nhạc số phát triển kéo theo các sản phẩm âm nhạc được phát hành online trở nên thời thượng hơn hẳn. Với một sản phẩm sản xuất vừa nhanh, hiệu quả cao và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí sản xuất thì đương nhiên là lựa chọn hàng đầu của nghệ sĩ giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại.

Sự thật rằng các ca sĩ rất e dè với việc phát hành album dạng truyền thống bởi trong khi thị trường băng đĩa gần như đóng băng, nhu cầu thưởng thức nhạc theo cách chọn đĩa truyền thống giảm cộng với tình trạng in băng đĩa lậu ngày một nhiều, ngày một tinh vi… thì ra đĩa quả làm nghệ sĩ chán nản. Đương nhiên, chọn con đường phát hành online như một giải pháp tình thế để… “sống chung với lũ”.

Nhiều sản phẩm online và chất lượng thì thả nổi

Việc phát hành trở nên gọn nhẹ hơn hẳn, chi phí giảm tiện mà công chúng lại có thể biết đến nghệ sĩ một cách dễ dàng hơn. Đương nhiên, để có một sản phẩm trình làng đã không còn quá xa vời đối với các ca sĩ trẻ. Thế là từ các tên tuổi đã thành danh đến những gương mặt mới đều có một thị trường ngang nhau cùng chạy đua thi thố. Thậm chí, sản phẩm không còn là những album “cầu kỳ” với một seri sản phẩm còn trở nên lỗi mốt, mà thay vào đó là các MV được đầu tư khủng và đánh vào thị hiếu nghe kèm theo xem của khán giả. Chính vì thế mà thời gian gần đây những ca sĩ tên tuổi như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Minh Quân… cũng “trẻ hóa” để chiều chuộng khán giả của mình bằng cách tung ra các MV online như một xu thế tất yếu.

Hình thức phát hành âm nhạc này nghiễm nhiên cũng là một sự “cứu cánh” cho các gương mặt trẻ. Trong khi thế hệ nghệ sĩ đi trước để có điều kiện làm một sản phẩm tử tế để trình làng, để công chúng biết đến cứ phải là “trường kỳ” quảng bá… cũng khó mà để đại bộ phận khán giả nhớ tên. Nhưng thực tế hiện nay đã khác, với chỉ một cái click chuột để âm nhạc đến với công chúng thì nhiều gương mặt ca sĩ trẻ cũng dễ dàng được cả nước biết đến chỉ sau một đêm. Với nhiều lợi thế như vậy thì cho ra đời một sản phẩm online là sự lựa chọn tất yếu.

Rõ ràng, việc phát hành bằng cách online có lợi nhiều mặt cho nghệ sĩ nhưng kéo theo đó cũng là những hiểm họa khôn lường.

Thời của âm nhạc “vàng thau lẫn lộn” xem ra cũng là kết quả của việc xuất hiện quá nhiều những sản phẩm âm nhạc trôi nổi trên mạng online. Bằng phương thức hoạt động dễ dàng rằng, sản phẩm nào được nhiều lượt nghe, tải và bình luận sẽ nhanh chóng trở thành “hit” thì việc nổi tiếng với những gương mặt mới quả “dễ thở” hơn hẳn.

Quảng cáo trá hình dễ dàng lọt cửa kiểm duyệt

Chính việc phát hành online một cách dễ dãi là kẽ hở cho những sản phẩm kém chất lượng “lọt” vào đời sống âm nhạc. Thậm chí nhan nhản các thảm họa kiểu như Vọng cổ teen, Nói dối, Ông xã em number one… nhức nhối đến thế. Chưa kể đến hàng loạt các hiện tượng quảng cáo trá hình, mánh khóe khoe nhà sang, xế xịn… để nổi cũng được tận dụng triệt để trong các sản phẩm âm nhạc.

Tiếp đến là sản sinh một lớp ca sĩ chỉ hát… online như hiện tại. Bởi phát hành qua mạng nên mọi thứ đã được trau truốt từ hình ảnh, đến giọng ca sĩ cũng được chỉnh sửa quá nhiều. Với “tai nghe” bình dân như của đại đa số công chúng hiện tại thật khó có thể phát hiện.  Điều này cũng dễ hiểu vì sao nhiều ca sĩ trẻ có những bài “hit”, nổi như cồn và nhanh chóng được cộng đồng mạng yêu thích nhưng khi lên đến sân khấu thì lại “á khẩu” hoặc khiến khán giả “vỡ mộng”. 

Với một thị trường “nhộm nhoạm” như thế thì các giá trị âm nhạc cũng như lần ranh phân định nhạc tử tế và nhạc nhảm trở nên mong manh. Mong ước dẹp yên để trả lại sự trong sạch cho đời sống âm nhạc quả là bộn bề trước nhiều cái khó. Đúng như ca sĩ Mỹ Dung chia sẻ: “Muốn đời sống âm nhạc được gạn đục khơi trong thì việc đầu tiên cần làm là phải có những chế tài khắt khe hơn trong quá trình quản lý kiểm duyệt và phát hành các sản phẩm âm nhạc online. Bởi với quá nhiều những tồn đọng như hiện tại thì người làm nghề tử tế sẽ còn phải e ngại với thị trường này”.

Trong khi khán giả vẫn còn quá quen với thói quen “xài chùa” kéo theo đó tâm lý dễ tiếp nhận thì mối hiểm họa thật khó lường. Cứ tình trạng này, tương lai không xa “lệch gu thẩm mỹ” sẽ xảy ra ở một đội ngũ làm nghề và tầng khán giả thưởng thức!?

Huy An