Hàng nghìn sinh viên chưa thể ra trường vì thiếu... con dấu

12:00 | 15/08/2013

993 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân có kết luận không chấp thuận đề nghị của trường ĐH Hùng Vương về việc tổ chức thi/bảo vệ tốt nghiệp cho sinh viên trong tình trạng không có con dấu cũng như việc khắc con dấu mới. Vậy là hàng nghìn sinh viên của nhà trường chưa thể tốt nghiệp vì tiếp tục chờ con dấu.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân giao Công an TP HCM thành lập tổ công tác kiểm tra việc quản lý, bảo quản và sử dụng đối với con dấu của trường ĐH Hùng Vương; đồng thời yêu cầu các cá nhân, tổ chức có liên quan bàn giao con dấu cho người có thẩm quyền. Đồng thời, UBND TP thống nhất phương án HĐQT trường ĐH Hùng Vương chọn cử hiệu trưởng tạm quyền để giải quyết vấn đề thi cử cho sinh viên.

Cách đây 20 năm, vào ngày 3/11/1993 Bộ GD-ĐT công nhận Hội đồng sáng lập trường ĐH Hùng Vương gồm 9 thành viên, GS - Thạc sĩ Y khoa Ngô Gia Huy làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Sau đó, đến ngày 14/8/1995 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 470/Ttg thành lập trường Đại học Hùng Vương.

TS Nguyễn Nhã, nguyên thành viên HĐSL của trường và là trợ lý của hiệu trưởng, nhớ lại: "Tâm huyết của những người sáng lập là theo tôn chỉ bất vụ lợi, những người góp vốn không chia lời, không hoàn lại, đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, cộng với uy tín của GS Ngô Gia Hy và HĐSL nên trường đã quy tụ được nhiều người có tâm huyết. Có người làm việc không lương trong thời kỳ sáng lập và sau đó tiếp tục làm việc với tinh thần trách nhiệm cao".

Nhưng đến năm 1997, trong trường đã xuất hiện bất đồng vì một số người có chủ trương khác ban đầu như ủy quyền các khoa trong đào tạo, điều hành; tăng sỉ số để tăng thu nhập và thực hiện đạt chất lượng bằng cách đào thải hằng năm từ 30%-50% sinh viên. Một số thì sốt ruột vì so bì với một số trường dân lập khác có sĩ số tới vài chục ngàn SV nên có nguồn tài chính để phát triển và có lợi tức để chia…

Đại học Hùng Vương TP HCM

Từ khi Thủ tướng ban hành quy chế 86/2000/QĐ-TTg về “quy chế đại học dân lập” vào ngày 17/8/2000 quy định những người trên 70 tuổi không được tham gia HĐQT cũng như Ban giám hiệu thì ĐH Hùng Vương mới thật sự chao đảo. Lúc này GS Ngô Gia Hy và 5 người khác trong Hội đồng sáng lập phải nghỉ việc do quá tuổi, chỉ còn 2 thành viên được tham gia tiếp HĐQT nhiệm kỳ 2, trong đó có TS Nguyễn Nhã.

Lúc này, lại xảy ra bất hòa trong nội bộ nhà trường giữa Chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng mới dẫn đến việc ngày 29/12/2004, Bộ GD-ĐT có quyết định yêu cầu HĐQT nhiệm kỳ 2 phải chấm dứt hoạt động; đồng thời chủ tịch HĐQT, hiệu trưởng và các thành viên khác trong HĐQT, trong đó có TS Nguyễn Nhã phải rời cương vị.

Thay vào đó là HĐQT lâm thời được Bộ GD-ĐT chỉ định ông Lương Ngọc Toản làm Chủ tịch và ông Lê Văn Lý làm quyền hiệu trưởng. Ông Ngô Gia Lương, con trai cố GS Ngô Gia Hy từ chối tham gia HĐQT lâm thời vì không đồng tình với cách thay đổi nhân sự của Bộ GD-ĐT.

Trước tình hình bất ổn của trường, lãnh đạo TP HCM đã mời ông Đặng Thành Tâm làm nhà bảo trợ cho trường. Tháng 2/2010, trường đại hội cổ đông và bầu HĐQT gồm ông Lương Ngọc Toản làm Chủ tịch, ông Đặng Thành Tâm làm phó chủ tịch và làm hiệu trưởng.

Tình cảnh cơm không lành canh không ngọt được đẩy lên đỉnh điểm khi ông Lương Ngọc Toản rút khỏi cương vị HĐQT, ông Đặng Thành Tâm lên thay. Ông Lê Văn Lý cho rằng quá trình bổ nhiệm ông Đặng Thành Tâm không hợp pháp và ông Tâm lạm quyền sử dụng con dấu khi chưa được chính thức bổ nhiệm.

Lễ kỷ niệm ngày truyền thống trường ĐH Hùng Vương vào tháng 4/2013

Ngày 3/3/2012, UBND TP HCM ban hành quyết định tạm đình chỉ chức vụ của ông Đặng Thành Tâm và ông Lê Văn Lý nhằm kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan theo kết luận của Thanh tra TP. Theo đó, quá trình lập thủ tục chuyển đổi sang loại hình trường ĐH tư thục có nhiều sai sót, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ ngày càng nghiêm trọng; chưa có quyết định bổ nhiệm lại các chức danh trưởng cấp phòng, khoa, bộ môn nhiệm kỳ 2010-2015 theo quy chế; sai phạm trong thu chi tài chính…

Đến ngày 7/3/2012, Bộ GD-ĐT quyết định ngừng tuyển sinh năm học 2012 của trường do mất đoàn kết nghiêm trọng dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động, ảnh hưởng môi trường giáo dục. Năm 2013, trường tiếp tục bị ngưng tuyển sinh do chưa khắc phục lý do bị ngưng tuyển sinh năm 2012.

Ngày 6/2/2013, Bộ GD-ĐT có công văn phúc đáp văn bản của UBND TP với nội dung: Quyết định không công nhận hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương TP HCM là thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố và Bộ cũng thống nhất đề nghị của UBND TP không công nhận hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương đối với ông Lê Văn Lý.

Đến ngày 18-6 thì UBND  có quyết định không công nhận hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý và yêu cầu thực hiện việc bàn giao nhiệm vụ, con dấu, các hồ sơ sổ sách, giấy tờ có liên quan đến chức vụ hiệu trưởng cho Hội đồng Quản trị trường ĐH Hùng Vương TP HCM (được công nhận hợp pháp) theo đúng quy định pháp luật; đề nghị HĐQT cử hiệu trưởng tạm quyền để điều hành trường trong thời gian không quá 1 tháng nhằm cử hiệu trưởng theo quy định. Tuy nhiên, ông Lê Văn Lý không chịu bàn giao con dấu và các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến nhà trường theo yêu cầu của UBND TPHCM. Khi chúng tôi gọi cho ông Lý để hỏi lý do vì sao không trả con dấu thì số điện thoại của ông liên tục "ngoài vòng phủ sóng".

Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là việc một trường ĐH không có con dấu. Nghiêm trọng hơn nữa là đang có hàng nghìn sinh viên trong tình trạng lơ lửng không biết tương lai của mình ra sao khi chưa thể tốt nghiệp vì thiếu con dấu.

Thanh Thanh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...