Hamas lấy đâu ra nhiều rốc-két thế?

13:48 | 19/07/2014

6,409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù bị phong tỏa suốt 5 năm qua nhưng lực lượng Hamas ở Gaza vẫn có tới 1.000 quả rốc-két bắn sang Israel trong mấy ngày gần đây. Ở đâu mà Hamas có được nhiều vũ khí đến vậy?

>> Dùng 1.000 quả rốc-két đổi lấy 1 mạng người

Hamas lấy đâu ra nhiều rốc-kết thế?

40 tên lửa M-302 được Hải quân Israel thu giữ trên một tàu hàng ở Hồng Hải ngày 5/3/2014

Sau lần tấn công Gaza năm 2009, Israel đã phong tỏa dải đất này cả trên đất liền lẫn trên biển.

Trong đợt bùng phát giao tranh lần này, từ ngày 8/7/2014, Hamas đã bắn gần 1.000 quả rốc-két vào lãnh thổ Israel. Đa phần trong số đó đã bị triệt hạ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên Vòm sắt của Israel.

Hamas thừa nhận tất cả các rốc-két là do họ chế tạo ở Gaza. Israel nói rằng hầu hết rốc-két phóng đi từ Gaza là các loại Qassam, tầm bắn từ 5 tới 17km.

Các chuyên gia vũ khí nói rằng chế tạo một quả rốc-két không khó khăn lắm, chỉ cần có những bộ phận kim loại, nhiên liệu đặc lấy từ sản phẩm nông nghiệp và đầu nổ có thể là dùng lại những trái mìn cũ. Những quả đạn này không có bộ phận điều khiển, chỉ phóng đi như những hỏa pháo.

Patrick Maegahan, chuyên gia vũ khí của Mỹ, nhận định rằng, Hamas có thể tự chế tạo các rốc-két thô sơ mà chỉ cần ít hoặc không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Hamas lấy đâu ra nhiều rốc-két thế?

Chính quyền Hamas tại Gaza bắn tên lửa đáp trả Israel.

Tuy nhiên, ngày 9/7, một quả tên lửa đã được Hamas bắn tới thành phố ven biển Hadera, cách biên giới Gaza 112km. Bộ quốc phòng Israel nói rằng tên lửa này thuộc loại M-302, tương tự như số vũ khí mà Hải quân Israel đã bắt giữ được hồi tháng 3/2014 trên một tàu hàng ở biển Hồng Hải.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel, Peter Lerner nói: “Chúng tôi biết có hàng chục tên lửa với tầm bắn xa như vậy ở Gaza”.

Tên lửa M-302 do quân đội Syria sản xuất theo kiểu mẫu “Weishi-2” (WS-2) của Trung Quốc. Theo Tal Inbar, chuyên viên thuộc Viện nghiên cứu chiến lược không gian Fisher của không quân Israel, sự can dự của Trung Quốc trong việc này có tính cách bị động hơn là chiến lược. Ông cho rằng Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ về quân sự hơn với Israel.

40 tên lửa M-302 được tìm thấy ngày 5/3/2014 trên chiếc tàu hàng Klos C mang cờ hiệu Panama của hãng Whitesea Shipping & Trading Company Limited  trụ sở tại Marshall Islands. Một tiểu ban điều tra Liên Hiệp Quốc nói rằng tàu Klos C xuất phát từ cảng Bandar Abbas ở Iran chở các tên lửa cùng một số vũ khí đạn dược của Iran đến cảng Umm Qasr ở Iraq rồi sau đó đi Port Sudan, cảng của Sudan trên Hồng Hải, chứ không phải đến Gaza. Tiểu ban này không đưa ra dự đoán vì sao các vũ khí ấy được chở dến Sudan, quốc gia mà các giới tình báo đều biết là trạm chuyển vũ khí Iran đi những nơi khác ở châu Phi và kể cả Gaza.

Việc Hamas phóng các tên lửa tầm xa chứng tỏ một số M-302 đã đươc đưa lén lút vào Gaza trước khi chiếc tàu Klos C bị bắt. Giáo sư Yossi Mekelberg thuộc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Cơ quan nghiên cứu Anh Chatham House, nói rằng mặc dù một số đường hầm từ bán đảo Sinai qua biên giới Palestine đã bị Ai Cập phá hủy nhưng không loại trừ khả năng một số khác vẫn còn tồn tại.

Hamas khẳng định Lữ đoàn Al-Qassam, bộ phận quân sự của Hamas, đã chế tạo phiên bản của M-302, đặt tên là R-160. Một đoạn băng video trên YouTube cho thấy một chiến binh Hamas đang hoàn thành những chi tiết cuối cùng của vũ khí này với thông cáo rằng đây là lần đầu tiên Lữ đoàn Qassam pháo kích Israel bằng một tên lửa R160.

Trong tiết lộ của Wikileaks năm 2009, các giới chức tình báo Israel nói rằng Hamas có những tên lửa do Iran chế tạo đặc biệt để có thể đem lén lút qua đường hầm và lắp ráp ở Gaza.

Iran phủ nhận là không cung cấp vũ khí cho Hamas kể cả loại tên lửa Fajr-5 có tầm bắn xa 80km. Các chuyên viên vũ khí Israel cho rằng Hamas chỉ có thể chế tạo các rốc-két thô sơ tầm ngắn chứ không đủ khả năng chế tạo M-302 và loại tên lửa này phải được nhập lậu bằng cách nào đó.

Nh.Thạch

AFP, AP