“Hà Nội có đầy đủ yếu tố phát triển các khu Đô thị xanh”

22:00 | 10/12/2011

952 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại buổi tọa đàm “Đô thị xanh” tổ chức sáng nay (10/12), TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng khẳng định: “Hà Nội có đầy đủ yếu tố phát triển các khu Đô thị xanh – một đô thị đặc thù gắn với các yếu tố Đất, Nước, Cây xanh, Văn hóa và Con người”.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bất động sản cho rằng: Trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, kiến trúc đô thị nông thôn Việt Nam đang đối mặt với những thách thức và nguy cơ về sự suy giảm chất lượng môi trường do tác động tiêu cực của tiến trình đô thị hóa nhanh chóng. Tình trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu là sự bất cập về nhận thức về phát triển bền vững, thiếu những giải pháp công cụ quản lý, phát triển bền vững, tiêu chí phát triển xanh đối với hoạt động kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị nông thôn.

Tuy nhiên, các chuyên gia có mặt tại buổi tọa đàm cũng chỉ ra rằng: Nếu quá trình đô thị hóa được tiếp cận một cách thông minh, biết học hỏi nghiêm túc những kinh nghiệm của các nước đi trước thì các đô thị Việt Nam sẽ có cơ hội giảm thiểu được nhiều khiếm khuyết đáng tiếc và các yếu tố “xanh” trong đô thị sẽ không còn vấn đề bức xúc như hiện nay. Hà Nội chính là một minh chứng điển hình.

Bên lề buổi tọa đàm, PV Petrotimes đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng về cơ hội xây dựng các khu đô thị xanh ở Hà Nội.

TS. KTS Trương Văn Quảng: Hồ Tây là viên kim cương vô giá có một không hai của Thủ đô Hà Nội.

PV: Thưa ông, đâu là những yếu tố được coi là đặc thù của Hà Nội để phát triển các khu đô thị xanh?

TS. KTS Trương Văn Quảng: Trước hết phải thấy rằng, mỗi vùng địa lý, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những nét riêng mà ở vùng khác, dân tộc khác, hay quốc gia khác không có được. Các đô thị ở châu Âu khác với các độ thị ở châu Á, bởi chúng được xây dựng ở những vùng có điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống, khoa học công nghệ khác nhau. Có thể gọi đây là những “đặc tính” hay những “cái duyên” rất riêng của từng đô thị. Những “đặc tính” hay những “cái duyên” chính là giá trị thiên nhiên và nhân tạo trong cấu trúc tổng thể không gian hợp thành. Đó cũng chính là sự tổng hòa gần gũi, thân thiện giữa con người và thiên nhiên trong phát triển và tồn tại.

Hà Nội với các yếu tố thiên nhiên Đất – nước – cây xanh – khí hậu cùng với các yếu tố văn hóa và con người đã tạo ra những nét rất riêng, rất đặc trưng của Thủ đô. Trong đó, yếu tố cây xanh và nước được coi là đặc trưng của Hà Nội vì chúng đã tạo ra nhiều dấn ấn vật chất cũng như tinh thần trong đời sống, trong lịch sử phát triển đô thị Hà Nội. Ngoài số lượng, số loài nhiều hơn các đô thị lớn khác trong nước, cây xanh cùng với mặt nước đã đi vào tâm tưởng người Hà Nội bởi nó không những đứng cùng kiến trúc, cùng các di tích một cách hài hòa.

Bản sắc văn hóa Hà Nội cũng thật dung dị, đời thường và rất con người. Nó được thể hiện ngay trong đời sống tự nhiên (sinh hoạt đời thường); lễ hội, biểu diễn và sinh hoạt văn hóa văn nghệ; giao lưu; hoạt động tín ngưỡng, huyền thoại, cổ tích; trong mối quan hệ thiên nhiên và xã hội; trong sự nhận biết được bộc lộ, ghi nhận theo thời gian, sự kiện lịch sử;..

Tổng hòa các yếu tố con người – thiên nhiên được hình thành từ hàng ngàn năm lịch sử chính là tiền đề để Hà Nội phát triển các đô thị xanh.

Phố Hoàng Diệu với hàng cây xanh có một không hai của Thủ đô Hà Nội.

PV: Ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển các khu đô thị xanh ở Hà Nội sau khi mở rộng?

TS. KTS Trương Văn Quảng: Với việc sáp nhập toàn bộ ranh giới tình Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (Hòa Bình), Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên lên tới 3.300 Km2 với 3 vùng văn hóa chính là: vùng văn hóa Thăng Long (Trung tâm Hà Nội); vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam của Hà Tây cũ) và vùng văn hóa xứ Đoài (vùng phía bắc Hà Tây cũ). Trong đó, Thăng Long và xứ Đoài là hai vùng có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Bên cạnh yếu tố văn hóa thì hệ khung thiên nhiên của Hà Nội cũng là một tài sản vô giá. Thực tế cho thấy, thiên nhiên trong đô thị Hà Nội chính là ưu thế của Thủ đô với mạng lưới sông hồ, làng hoa, vườn cây len lỏi khắp thành phố. Những khoảng không thiên nhiên quý hiếm của Hà Nội không những góp phần điều tiết vi mô khí hậu mà còn là ngôn ngữ biểu đạt những giá trị văn hóa rất riêng, rất thanh lịch của người Hà Nội. Sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Đáy,… rồi Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang,… đã tạo nên nét đặc trưng bản địa của đô thị Hà Nội và là cái nền của bản sắc đô thị với những đặc trưng riêng về thiên nhiên và bề dày văn hóa.

Không gian đô thị Hà Nội được mở rộng, kéo dài cùng với những tài sản văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị còn lưu giữ được đang là cơ hội, là khát vọng để xây dựng một Thủ đô “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại”. Đồng thời đây cũng là thách thức không nhỏ đối với trách nhiệm và lòng tự trọng của người dân Thủ đô là làm sao để Hà Nội phát triển bền vững, trường tồn.

PV: Vậy Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có đảm bảo các yêu cầu của “Đô thị xanh” không thưa ông?

TS. KTS Trương Văn Quảng: Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo QĐ số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã xác định: Thủ đô Hà Nội là đô thị “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại”. Dựa trên mục tiêu đó, bản Quy hoạch được xây dựng phát triển theo mô hình chum đô thị với đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh cùng với hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với hệ giao thông vùng Thủ đô và Quốc gia.

Mô hình này đã dựa trên tầm nhìn, một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện, có tính đột phá mang tính chất bền vững. Tuy nhiên để đảm bảo cơ hội phát triển đô thị xanh thì chúng ta phải bảo toàn được diện tích hành lang xanh, vành đai xanh và các nêm xanh theo cấu trúc tổng thể đô thị đã được phê duyệt với tỷ lệ đất dành cho hành lang xanh là 70% và đất cho phát triển các chức năng đô thị trên phạm vi toàn thành phố là 30%,…

Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đảm bảo yêu tố hình thành các khu đô thị xanh.

PV: Để thực hiện được những yêu cầu trên, Hà Nội phải làm gì thưa ông?

TS. KTS Trương Văn Quảng: Hà Nội cần có chiến lược duy trì, bảo toàn được hệ khung thiên nhiên cơ bản, có giá trị, mang tính đặc thù – đây là cơ sở để phát triển các khu đô thị xanh cho nhiều thế hệ. Hệ khung thiên nhiên này sẽ là nền tảng để duy trì, phát triển “Hệ thống cấu trúc xanh” trong cấu trúc tổng thể của Thủ đô với các yếu tố: Hành lang các con sông lớn (Sông Hồng, sông Nhuệ,…) gắn với hệ sinh thái nông nghiệp tạo nên vành đai xanh chủ đạo và không gian xanh, mặt nước các hồ lớn làm trọng tâm; hệ thống các công viên lớn trung tâm như công viên Lê – nin, Tuổi trẻ,…

Bên cạnh việc duy trì hệ thống cấu trúc xanh vốn có, Hà Nội cần tạo ra nhiều không gian xanh hơn trong cấu trúc đô thị để góp phần che phủ, giảm nhiệt độ hấp thụ đối với những bề mặt diện tích bê tông,… Đồng thời, hệ thống cấu trúc xanh này phải được kết nói với hệ thống không gian xanh của vùng Thủ đô.

Như vậy, với việc phát triển cả hai giá trị căn bản là thiên nhiên và nhân tạo đã được nhìn nhận tích cực trong phát triển Thủ đô, hướng tới xây dựng Hà Nội thành một đô thị kiểm mẫu về môi trường. Điều đó sẽ tạo cơ hội để Hà Nội không những trở thành một thành phố xanh, đô thị xanh mà còn đảm bảo để Hà Nội phát triển có bản sắc, có những “đặc tính riêng” với các yếu tố Đất, nước, cây xanh, văn hóa và con người. Đó chính là nền tảng để Hà Nội mãi mãi là Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngọc