Hà Nội chủ động phòng, chống dịch bệnh

18:18 | 01/03/2013

754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Campuchia và đã lây lan sang Việt Nam. Dịch tai xanh có nguy cơ bùng phát ở Quảng Nam. Trước tình hình đó, buộc Chi cục Thú y Hà Nội phải khẩn trương đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh, tránh lây lan và bùng phát trên diện rộng.

>> Cảnh báo dịch 'lợn tai xanh' bùng phát trở lại

Gia cầm không nguồn gốc, không được kiểm dịch là nguyên nhân lây lan bệnh cúm gia cầm

Ngày 5/2/2013 Cục Thú Y (Bộ NN & PTNT) cho biết ở Việt Nam đã xuất hiện ổ cúm gia cầm. Cụ thể, cuối tháng 1/2013, đã phát hiện hai hộ chăn nuôi có dịch cúm gia cầm tại tỉnh Tây Ninh. Số gia cầm mắc bệnh và chết là hơn 1.200 con và tổng số phải tiêu hủy là hơn 2.200 con.

Trước tình hình đó, Bộ NN & PTNT đã có công điện khẩn và văn bản chỉ đạo đến tất cả các địa phương trong cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh nhằm phòng chống, ngăn chặn dịch, bệnh lan trên diện rộng.

Tại Hà Nội, nhận được chỉ đạo của Bộ NN & PTNT, Sở NN & PTNT Chi cục Thú y Hà Nội đã nhanh chóng, khẩn trương thực hiện các phương án phòng chống dịch cúm gia cầm. Cụ thể, 19 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội được tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Phân phát thuốc đến từng địa phương để phòng chống dịch bệnh. Phòng chống dịch đại trà theo kế hoạch 2 lần/1 năm, tổng vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Đình Đảng – Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Hiện tại trên địa bàn Hà Nội chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng Chi cục Thú y đã thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn thành phố. Trọng tâm là phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh...

Hiện tại Hà Nội có 11 chốt kiểm dịch được canh phòng, túc trực kiểm tra nghiêm ngặt 24/24, hầu hết các chốt kiểm dịch này đóng ở các cửa ngõ Thủ đô. Trong đó đáng chú ý nhất là chốt kiểm dịch chính đóng ở chợ gia cầm Hà Vĩ và tại một cơ sở giết mổ ở Thanh Trì. Việc kiểm dịch sản phẩm gia súc, gia cầm được thực hiện bằng 2 cách: sản phẩm trước khi giết mổ và mang đi tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm dịnh tại gốc. Nếu là sản phẩm đã qua giết mổ thì phải được kiểm dịch tại nơi thu gom và bắt buộc phải có tem, dấu, nhãn mác trên bao bì sản phẩm.

Năm 2012, Chi cục Thú y Hà Nội phối hợp với một số lực lượng chức năng trên địa bàn như công an giao thông, lực lượng quản lý thị trường… đã thu giữ và tiêu hủy 8 tấn thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó hơn 50 là thịt gia cầm các loại. Theo báo cáo mới đây nhất, tình hình nhập lậu gia cầm tại chợ Hà Vĩ  đã được ngăn chặn, một số hộ buôn bán nhỏ vẫn cố tình vi phạm nhưng đều bị xử lý nghiêm.

Trong năm 2013 này, Chi cục Thú y đã và đang từng bước thực hiện những chính sách, quy định nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội được tốt hơn như: Quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung, có chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giết mổ trong 3 năm liền (năm 1 là 50%, năm 2 là 40 %, năm 3 là 30 %). Đội ngũ thú y sẽ được hưởng lương như một viên chức ở địa phương.

Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo thế giới vẫn đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N1. FAO cảnh báo nhiều “ổ” virus A/H5N1 vẫn tồn tại ở châu Á và Trung Đông. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chủng virus này có thể dễ dàng lây lan trên toàn cầu như đã từng xảy ra hồi năm 2006, thời điểm có tới 63 nước chịu ảnh hưởng. Đầu tháng 2/2013, dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện ở Campuchia,  tính từ đầu năm đến nay nước này đã có 8 người tử vong vì dịch cúm gia cầm H5N1.

 

Hà Văn Long