GS Trần Đông A: Bác sĩ đừng biến mình thành... con dơi hút máu!

16:31 | 05/03/2016

6,392 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giáo sư Trần Đông A có không ít những trăn trở về ngành y Việt Nam. Đặc biệt đó là việc xây dựng và phát triển mô hình “Bác sĩ gia đình”, vốn là giải pháp căn cơ nhất để phát triển Y học cá thể và giải quyết quá tải bệnh viện. Giáo sư đã chia sẻ với PetroTimes rất chi tiết về mô hình này. 

Bác sĩ gia đình – Giải pháp căn cơ cho phát triển y tế

PV: Thưa Giáo sư, được biết mô hình Bác sĩ gia đình là một mô hình căn cơ nhất để phát triển Y học của đất nước và giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện. Xin giáo sư chia sẻ cụ thể thêm về mô hình này?

GS.BS Trần Đông A: Khi y học tiến tới phát triển về chuyên khoa sâu thì người ta nhận thấy rằng có nhiều bác sĩ học chuyên khoa sâu, tức chỉ học chuyên sâu một bộ phận nào đó của cơ thể thì lại quên đi phần tổng quát đã học. Y học ở các nước phát triển rất lo ngại về tình trạng này, bởi cùng một bệnh nhưng có nhiều triệu chứng liên quan đến nhiều cơ quan thì bác sĩ chuyên khoa sâu sẽ khám thế nào?!

Hay có những trường hợp người ta chỉ bị bệnh rất nhẹ thì cũng không cần đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa sâu với giá khám bệnh cao hơn. Họ chỉ cần một bác sĩ biết khám tổng quát để biết triệu chứng như vậy thì tương ứng với loại bệnh gì, nặng hay nhẹ và có cần thiết đi khám chuyên khoa hay không.

gsbs tran dong a bac si dung bien minh thanh con doi hut mau
Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng đến thăm GS.BS Đông A nhân ngày 27.02

Những nước phát triển thực hiện Bảo hiểm Y tế cho toàn dân, bất kể làm gì, thu nhập ra sao, khi có bệnh thì mọi người đều được chăm sóc sức khỏe. Muốn áp dụng được như vậy thì ngoài hệ thống ngoài bác sĩ chuyên khoa sâu thì phải có những bác sĩ gần gũi bệnh nhân. Những bác sĩ này sẽ theo dõi sát bệnh nhân, cả lúc khỏe đến khi chớm bệnh, liên tục từ lúc trẻ đến trưởng thành. Từ đó hình thành Bác sĩ gia đình.

Bác sĩ gia đình thể hiện rõ ràng nhất ở các nước phát triển. Ví dụ như ở tại Mỹ, 35% số bác sĩ là hành nghề Bác sĩ gia đình. Và các bệnh viện chỉ nhận những bệnh nhân mà các bác sĩ gia đình đã khám và chỉ định ra đó là bệnh gì, cần đưa đến bệnh viện nào thì bệnh viện đó mới nhận chứ không phải tự đến khám tại bệnh viện được.

Còn ở Canada, hệ thống bảo hiểm ở đất nước này tốt hơn do số dân ít hơn với tỷ lệ bảo hiểm toàn dân đạt 100%; người dân lúc nào cũng được chăm sóc sức khỏe rất tốt. Và Canada thực hiện tới 50% bác sĩ là Bác sĩ gia đình.

Bác sĩ gia đình là một chuyên khoa được đào tạo tổng hợp, hiểu hết về các chuyên khoa khác nhau dù không chuyên sâu. Đó là mô hình của những nước phát triển vừa giúp quốc gia đó bảo đảm quỹ bảo hiểm, vừa lại rất nhân văn đối với người dân bởi họ được chăm sóc sức khỏe rất sát. Bệnh nhân gặp vấn đề gì về sức khỏe đều có thể đến bác sĩ gia đình để được khám, điều trị chứ không tự ý mua thuốc hay đến bệnh viện khám bừa bãi.

Có thể nói, Bác sĩ gia đình là mô hình rất hiện đại, nhân văn và khoa học vì nó giúp chăm sóc sức khỏe toàn diện cho con người.

PV: Thưa giáo sư, với điều kiện kinh tế xã hội và t tế của đất nước ta hiện tại thì liệu có phù hợp để áp dụng và phát triển mô hình Bác sĩ gia đình chưa?

GS.BS Trần Đông A: Tôi có quan hệ quốc tế từ trước với Âu châu, đặc biệt là với Bỉ từ năm 2000. Tôi làm một số chương trình phối hợp với vương quốc Bỉ trong lĩnh vực bệnh lí tiêu hóa, và bệnh lí gan mật, chương trình ghép gan cho trẻ nhỏ nhất ở Việt Nam vào năm 2005; và hiện tại thì các chương trình đó vẫn tiếp tục, chúng tôi vừa thực hiện ca ghép tạng vào hôm 28 tết vừa rồi.

Đây là chương trình do chính phủ Bỉ tài trợ, phía Việt Nam chỉ bỏ tiền ra mua trang thiết bị thôi. Các bác sĩ Bỉ sang phối hợp thực hiện chương trình này, đồng thời họ giảng dạy cho bác sĩ Việt Nam. Trong chương trình đó có chương trình “Bác sĩ gia đình”.

gsbs tran dong a bac si dung bien minh thanh con doi hut mau
GS.BS Trần Đông A

Tôi đã đưa giáo sư phụ trách Bác sĩ gia đình của Bỉ để giới thiệu trước Hội đồng nhân dân TP, lúc đó tôi là Đại biểu Quốc hội, thời bà Phạm Phương Thảo là Chủ tịch HĐND TP. Tôi nhớ khi đó tất cả đều nhất trí và TP HCM trở thành TP đi đầu thành lập mô hình Bác sĩ gia đình.

Khi đó TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp vừa được đưa lên làm Phó hiệu trưởng ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, BS Hiệp là học trò của tôi, trở thành người trực tiếp phối hợp với giáo sư Bỉ triển khai chương trình này. Còn lúc đó, tôi với BS Thế Dũng là những người đứng đằng sau hỗ trợ cho chương trình đó.

Cụ thể là mô hình Bác sĩ gia đình đã được thực hiện tại TP HCM từ năm 2009, thời Phó chủ tịch UBND Hứa Ngọc Thuận. Chính ông đã ra lệnh thành lập trung tâm Bác sĩ gia đình tại các quận huyện TP, thí điểm tại các quận 10, Bình Tân. Sau một thời gian triển khai có hiệu quả, Bộ Y tế đã áp dụng và nhân rộng ra trên toàn quốc từ Hà Nội, Huế, các tỉnh miền Bắc như Đại học Y Thái Nguyên…

Tuy nhiên, hiện tại thì mô hình Bác sĩ gia đình ở nước ta vẫn chưa được tiến hành đồng bộ, đều khắp. 

PV: Cụ thể ở nước ta, Bác sĩ gia đình sẽ hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực như thế nào, thưa giáo sư?

GS.BS Trần Đông A: Như tôi đã chia sẻ, trước tiên, mô hình Bác sĩ gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp giải quyết tận gốc vấn đề quá tải bệnh viện. Sẽ không ai muốn đi từ dưới tỉnh lên các bệnh viện lớn TP để khám bệnh hết, không ai xếp hàng từ sáng đến trưa để khám ho hết mà họ có thể khám ngay Bác sĩ gia đình. Bác sĩ gia đình chữa tốt, lại gần nhà, chạy sang khám dễ dàng mà lại được khai bệnh rõ ràng, còn chạy lên các bệnh viện lớn khám thì được khám chưa tới một phút vì bệnh viện quá tải mà.

Cũng từ đó, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên có thời gian áp dụng Y học cá thể - tức là họ có thời gian theo dõi những bệnh nhân nặng một cách sát sao hơn. Không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào, cùng một bệnh nhưng nhiều triệu chứng, cùng bệnh nhưng ở mỗi người khác nhau thì quá trình điều trị cũng khác nhau, vì thế bác sĩ phải theo dõi sát bệnh nhân thì mới tìm ra đúng thuốc, đúng thời điểm.

Như vậy thì việc điều trị mới vừa khoa học, vừa nhân đạo và vừa chính xác. Các bệnh viện lớn mới có thời gian chăm sóc bệnh nặng đến nơi đến chốn, cứu được nhiều bệnh nhân hơn. Đó cũng là cách tôi đã áp dụng từ trước đây, ở các bệnh viện lớn thì áp dụng được 2 năm nay.

Như vậy, mô hình Bác sĩ gia đình là mô hình hai chiều, căn bản giúp giải quyết tận gốc vấn đề quá tải bệnh viện, mặt khác, các bệnh viện lớn có thời gian đi sâu vào khoa học chuyên sâu nhất, gọi là Y học cá thể và nhờ đó điều trị được rất nhiều bệnh nặng, ngăn ngừa được nhiều biến chứng.

Nếu mô hình này được Đảng và Nhà nước quan tâm, vạch ra lộ trình thực hiện đều khắp thì sẽ giải quyết rất sớm quá tải bệnh viện, đồng thời giúp y học nước nhà có thể tiến nhanh, đuổi kịp thế giới về trình độ y học chuyên sâu và Y học cá thể.

PV: Thưa giáo sư, trong quá trình nước ta phát triển mô hình này thì đã gặp phải những khó khăn gì?

GS.BS Trần Đông A: Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ tư duy, tôi đã theo dõi việc giảng dạy cho Bác sĩ gia đình, tôi thấy nhiều khi lãnh đạo ở các quận, huyện chưa hiểu được tầm quan trọng của mô hình này nên cử ông bác sĩ gần về hưu đi học. Liệu một bác sĩ gần về hưu rồi thì có say sưa học không? Thật ra cũng có những ông học tốt nhưng nhìn chung như vậy tức là các địa phương chưa nắm được lợi ích về lâu dài của mô hình này.

Nếu tất cả đều quyết tâm thành hệ thống đồng bộ từ trên xuống dưới thì vấn đề đào tạo, triển khai mô hình hình này sẽ được thực hiện rất nhanh thôi. Và đất nước ta là một đất nước có sức mạnh hệ thống, ta đã dùng sức mạnh hệ thống để làm được nhiều việc như xóa đói giảm nghèo và được ca ngợi là nước đi đầu trong các nước đang phát triển, đạt được mục tiêu thiên niên kỷ.

Thế thì tại sao không áp dụng ngay sức mạnh hệ thống vào việc đào tạo, triển khai mô hình Bác sĩ gia đình. Lâu nay ai cũng bảo là bệnh viện đang quá tải nhưng mà không nghĩ ra cách căn cơ hiệu quả thì tôi kiến nghị đây chính là cách. Nó không những là cách vừa căn bản,  vừa nâng trình độ Y tế của đất nước lên lên, vừa để cho nhân dân được hưởng thành quả y học.

Bác sĩ đừng tự biến mình thành con dơi hút máu!

PV: Như giáo sư biết, người ta đã đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề quá tải bệnh viện nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết được. Vậy, trong khi chờ đợi mô hình Bác sĩ gia đình hoàn thiện thì còn giải pháp nào khác tạm thời không thưa giáo sư?

GS.BS Trần Đông A: Giải pháp căn cơ là bác sĩ gia đình, trong khi chờ đợi thì cũng có một cách khác mà tôi đã phát biểu khi còn làm Đại biểu Quốc Hội đó là đưa bác sĩ tuyến trên về làm với tuyến dưới như là vệ tinh, đó là mô hình Bệnh viện vệ tinh. Đây là một giải pháp vừa nâng trình độ của bác sĩ tuyến dưới, mặt khác cũng giảm bớt áp lực số lượng cho tuyến trên.

gsbs tran dong a bac si dung bien minh thanh con doi hut mau
Cảnh quá tải ở bệnh viện

Tôi là người đã trực tiếp đi về huyện Cần Giờ theo dõi mô hình này, ở bệnh viện Cần Thạnh lúc nào cũng có bác sĩ khoa Nhi của Bệnh viện Nhi đồng 2 khám, dân dưới địa phương không phải đưa trẻ lên TP để khám nữa, trừ khi bé bệnh nặng thì bác sĩ sẽ gửi lên.

Tôi đánh giá mô hình này rất hay. Nhưng có vấn đề tôi đã góp ý với giám đốc bệnh viện ở đây rằng: bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 đến khám thì bác sĩ ở đây cũng phải đến khám cùng, trước là để học cách khám hai là để quen với người dân. Đó mới là hai chiều tác động qua lại, vừa học cách khám nhi vừa tạo được thiện cảm với người dân. Còn nếu chỉ mình bác sĩ Nhi đồng khám thì sau đó những bác sĩ này về lại bệnh viện trên thì người dân không đến đây nữa thì sao.

Không riêng gì nơi đây mà hiện giờ mô hình Bệnh viện vệ tinh đang gặp trục trặc ở chỗ chuyển giao như vậy. Tuy nhiên, có nhiều nơi đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật được rất tốt như bệnh viện Thủ Đức – bệnh viện quận huyện đầu tiên của cả nước thành bệnh viện loại 1.

Giải pháp trong khi chờ đợi mô hình Bác sĩ gia đình phát triển là như vậy, nhưng như bệnh viện Thủ Đức bây giờ cũng lại quá tải rồi. Như vậy để thấy, vấn đề phải được giải quyết bằng giải pháp căn cơ là Bác sĩ gia đình.

PV: Với tốc độ phát triển hiện tại thì theo giáo sư bao lâu nữa đất nước ta sẽ áp dụng được một cách hiệu quả mô hình Bác sĩ gia đình?

GS.BS Trần Đông A: Theo tôi thấy trong vòng 5 năm nếu chúng ta quyết tâm, và các bệnh viện chuyên sâu phải đồng hành, cùng tham gia, trực tiếp đi ngay vào Y học cá thể rồi lấy kinh nghiệm đó truyền lại.

Người ta cho rằng, không thể giảng dạy được y học ngày nay nếu không làm việc hết mình trong bệnh viện hôm qua; và cái “máy sinh học” siêu đẳng nhất không phải là máy móc gì mà đó chính là người bác sĩ thực hành giỏi, người biết khi nào cần đến máy móc khi nào không, chứ đụng đến gì cũng lấy máu xét nghiệm thì khi đó người bác sĩ sẽ trở thành con dơi hút máu!

Tôi biết là lãnh đạo hiện nay có quyết tâm thực hiện. Kiến nghị cũng đã kiến nghị rồi và chúng ta cũng đã tổ chức nhiều hội thảo rồi, vấn đề là phải thực hiện một cách kiên quyết. Chuyên môn y khoa không phải chỉ có Bộ Y tế mà ở các địa phương đều phải nắm được và cùng nhau giải quyết vấn đề.

Đây là vấn đề an sinh xã hội thuộc hàng lớn nhất bởi vì đầu tư cho y tế là đầu tư cho tương lai, có sức khỏe mới phục vụ cho cuộc sống được. Như tôi đây, hiện tại tôi vẫn có thể đứng mổ 10 tiếng mà không sao, đó là do sức khỏe tôi tốt. 

Tóm lại, nếu không có Y tế gia đình (hay Bác sĩ gia đình) thì không có Y tế chuyên sâu (hay còn gọi là Y học cá thể). Nếu không làm được như vậy thì ngành y không thể nào phát triển, y tế nước ta không thể nào biết chữa trị những bệnh nặng ra sao cả!

PV: Cảm ơn những chia sẻ của giáo sư, chúc giáo sư thật nhiều sức khỏe!

Lê Trúc (Thực hiện)