Gian nan tái hợp tác Nga-Thổ trong lĩnh vực dầu khí

13:16 | 04/07/2016

984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc mối quan hệ giữa Moscow và Ankara được cải thiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có lời xin lỗi về sự cố với chiếc máy bay Su-24 đã khiến cho các nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ phải lo lắng đến mất ăn mất ngủ, theo tạp chí Foreign Policy.
tin nhap 20160704131415
Lắp đặt đường ống dẫn khí xuyên biển

Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga và Israel là do mong muốn ngăn chặn sự bành trướng quyền bá chủ của Iran ở Trung Đông, chuyên gia về năng lượng và địa chính trị trong khu vực, Michael Tanchum cho biết trong bài báo.

Sau khi thỏa thuận về chương trình hạt nhân, Tehran đã thoát khỏi sự cô lập quốc tế đồng thời thoát khỏi sự trừng phạt kinh tế, nhà phân tích này cho biết. Bây giờ mục tiêu của Iran là giành lấy từ tay Arập Xê-út ngôi vị anh cả trong khu vực Hồi giáo Sunni, và thực hiện điều đó bằng cách gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

"Hàn gắn quan hệ với Nga là một phần trong chiến lược lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bao hàm cả việc khôi phục hợp tác với Israel và đẩy mạnh thêm quan hệ chiến lược với Ả Rập Saudi và Qatar" - tạp chí Foreign Policy cho biết.

Nhà phân tích Michael Tanchum viết tiếp, liên quan đến chuyện này, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành vấn đề cấp bách hơn. Đó là một dự án đã bị đình chỉ sau sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga Su-24. Câu hỏi được đặt ra là liệu việc Moscow và Ankara hòa giải lần này có đủ sức để đưa hai nước trở về mức độ quan hệ đối tác chiến lược như giai đoạn 2014-2015, khi Nga từ chối dự án Dòng chảy phương Nam và bắt đầu một cuộc thảo luận tích cực về việc xây dựng một đường ống dẫn khí trên Biển Đen với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, số phận của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ do Nga xây dựng cũng phụ thuộc vào mối quan hệ giữa hai nước và vị thế của Moscow trên thị trường toàn cầu.

"Nga cần phải hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (dự kiến ​​nhà máy điện hạt nhân trên bờ biển phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, các thỏa thuận về việc xây dựng các hạng mục công trình đã được ký kết trong năm 2010) để thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ phân khúc thị phần của mình trên thị trường toàn cầu trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc" - bài báo viết.

Tuy nhiên, tương lai của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khá mơ hồ, thậm chí trong bối cảnh không khí chính trị thay đổi trong quan hệ giữa Moscow và Ankara. Có lẽ phía Nga không có kỳ vọng lớn về dự án này, vì người Nga từng tính toán rằng việc xây dựng đường ống dẫn khí sẽ mở ra cho Moscow khả năng tiếp cận nhiều hơn với thị trường châu Âu, nhưng bây giờ thì có vẻ như người thụ hưởng khí đốt của Dòng chảy phương Nam sẽ chỉ là Thổ Nhĩ Kỳ, mà Thổ Nhĩ Kỳ thì lại đang cố gắng giảm sự phụ thuộc về khí đốt tự nhiên từ Nga.

Đối thủ chính của Nga trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ là Israel, hiện đang muốn gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đổ vỡ từ tháng 11 năm 2015, sau khi máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom của Nga ở Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là "cú đâm từ phía sau" của những kẻ đồng lõa khủng bố. Nga áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này gặp phải nhiều khó khăn về kinh tế.

Sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi đến phía Nga lời xin lỗi bằng văn bản cho các sự cố với Su-24, nên Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu Chính phủ bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Ankara.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong danh sách các hiệp định thỏa thuận thương mại và đầu tư với Thổ Nhĩ Kỳ, bị đình chỉ từ tháng 11/2015 do vụ việc kể trên.

Sau lời xin lỗi của Tổng thống Erdogan, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak công bố sự sẵn sàng để tiếp tục thực hiện dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ trong sự hiện diện bảo chứng từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ủy ban châu Âu. Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nói rằng hãy còn khá sớm để nói về việc nối lại các dự án hợp tác. Tất cả các cuộc thảo luận, bao gồm cả về việc xây dựng tuyến đường ống, hiện tại chỉ mang tính chất định dạng khuôn.

Thiện Tâm

RIA, Tass