Gian nan đòi tiền bồi thường án oan

10:03 | 27/04/2014

973 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bản án xử Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thái Bình phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản cho ông Lương Ngọc Phi gần 21,5 tỷ đồng đã có hiệu lực cách đây gần 9 tháng, nhưng cho đến thời điểm này, ông Phi vẫn chưa nhận được đồng bồi thường nào, mặc dù ông đã có nhiều đơn đề nghị giải quyết.

Bại sản vì án oan

Ông Lương Ngọc Phi (SN 1948, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) là nạn nhân của vụ án oan xảy ra vào năm 1998, khi ông là Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông sản xuất khẩu Hòa Bình.

Ngày 1/5/1998, ông Phi bị cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thái Bình) khởi tố, bắt tạm giam về tội “Trốn thuế” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND) Thái Bình đã truy tố ông Phi về 2 tội trên.

Ngày 29/9/1999, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình đã xử phạt ông Phi tổng cộng 17 năm tù cho 2 tội trên; tuyên xử lý hàng hóa, tài sản của ông Phi. Từ một giám đốc thành đạt, ăn nên làm ra, ông Phi bỗng biến thành người bại sản.  

Ông Lương Ngọc Phi.

Ông Phi đã kháng cáo. Ngày 26/4/2000, TAND tối cao tại Hà Nội tuyên xử ông Phi không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” và hủy một phần bản án về tội “Trốn thuế”, tiếp tục giam ông Phi cho đến khi cơ quan điều tra thụ lý lại vụ án. Đến ngày 16/10/2006, VKSND tỉnh Thái Bình đã đình chỉ vụ án “Trốn thuế” đối với ông Phi.

Do bị oan, ngày 5/6/2007, ông Phi có đơn yêu cầu TAND tỉnh, CA tỉnh Thái Bình bồi thường. Vào năm 2009, TAND thành phố Thái Bình đã tuyên TAND tỉnh Thái Bình bồi thường số ngày tạm giam và tổn thất về tinh thần cho ông Phi tổng số tiền 666 triệu đồng. Ông Phi đã nhận được số tiền này.

Đến ngày 6/8/2013, TAND thành phố Thái Bình đã xét xử vụ án “kiện đòi bồi thường thiệt hại tài sản cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”, tuyên TAND tỉnh Thái Bình buộc phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Phi số tiền gần 21,5 tỉ đồng. Bị đơn là TAND tỉnh Thái Bình sau đó đã không kháng cáo, theo quy định, bản án đó đã có hiệu lực. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Phi chưa nhận được một đồng nào trong số tiền bồi thường về tài sản trên. 

Trao đổi với phóng viên, ông Phi cho biết, ông đã đưa đơn kiện từ năm 2007, nhưng ông phải chờ đợi ròng rã đến mãi 2013, vụ án mới được xét xử, nguyên nhân là do “các cơ quan tố tụng loanh quanh đổ lỗi cho nhau”. Khi đã thắng kiện, thì ông lại tiếp tục phải chờ gần 9 tháng nay và không biết đến bao giờ nữa để được nhận tiền bồi thường?

Gian nan chờ tiền bồi thường

Ông Phi nói, ngay sau khi bản án đã có hiệu lực, ông đã 4 lần gửi đơn tới TAND tỉnh Thái Bình để yêu cầu cơ quan này bồi thường. Ngày 4/12/2013, TAND tỉnh Thái Bình đã có văn bản trả lời cho 4 đơn trên của ông, với nội dung: “Ngày 2/10/2013, TAND tỉnh Thái Bình đã gửi hồ sơ, báo cáo TAND tối cao thẩm định; đến ngày 4/12/2013 đã có văn bản đề nghị TAND tối cao, Bộ Tài chính cấp kinh phí chi trả bồi thường. Nhưng “hiện đang chờ TAND tối cao thẩm định và bổ sung kinh phí nên chưa có tiền chi trả cho ông được”.

Ngày 21/11/2013, ông Phi có đơn đề nghị gửi tới TAND tối cao. Văn bản trả lời của cơ quan này lại “đá” trách nhiệm về cho cấp dưới với nội dung: “TAND tối cao nhận thấy nội dung đề nghị trong đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tối cao. TAND tối cao chuyển đơn đến TAND Thái Bình để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.

Mới đây, trả lời báo chí, một lãnh đạo của Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, TAND tối cao vẫn đang nghiên cứu, thẩm định bản án.

Cho đến thời điểm này, ông Phi vẫn chưa biết bao giờ có thể nhận được số tiền bồi thường án oan của bản án đã có hiệu lực cách đây gần 9 tháng?

Theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tại Điều 54 quy định về trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường thì: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp; trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách Trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên.

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí hoặc có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị cấp kinh phí bồi thường; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường. Thời hạn bổ sung không quá 15 ngày.


   Thục Quyên