Giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được đặt như thế nào?

15:45 | 09/05/2014

3,671 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những ngày này, không chỉ người Việt Nam mà cả trên thế giới đều quan tâm về việc Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam.

Hiện nay các lực lượng bảo vệ của Việt Nam đang nỗ lực hết mức để ngăn chặn hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Để bạn đọc hiểu thêm một chút về hoạt động của giàn khoan này, PetroTimes xin cung cấp một số thông tin sau:

Để giàn khoan này hoạt động được ở nơi có mực nước sâu tới 1.200m như vị trí hiện nay là điều cực kì phức tạp và siêu tốn kém.

Giàn khoan HD-981 sẽ được đặt như thế nào?

Giàn khoan Hải Dương 981

Trước hết, giàn khoan này phải được neo cố định bằng 12 sợi xích neo, mỗi sợi có chiều dài trên 3.000m. Mỗi sợi xích nặng khoảng hơn 100 tấn. 12 sợi ích này đảm bảo cho giàn khoan không bị dòng hải lưu cuốn trôi. Nhưng khi có sóng to, việc giữ cân bằng cho giàn khoan mới là công việc phức tạp. Ở giàn khoan, có một hệ thống chân vịt được điều khiển bằng máy tính. Hệ thống chân vịt này hoạt động liên tục khi có gió cấp 5, cấp 6 trở lên. Các chân vịt được điều khiển cực kỳ linh hoạt nhằm đảm bảo cho giàn khoan luôn ở trạng thái cân bằng.

Hiện nay, để duy trì cho một giàn khoan như thế này trên biển (chưa nói đến chuyện khoan xuống lòng biển) là khoảng 1,2 triệu đô la mỗi ngày. Khi khoan, chi phí cực kỳ tốn kém. Nếu khoan ở mực nước sâu 40-70m, chi phí cho một giếng khoan sâu 3.000m là 20-25 triệu đô la, còn chi phí cho một giếng khoan ở mực nước 90-120m là 200-250 triệu đô la. Còn chi phí cho một giếng khoan ở mực nước sâu 1.200m thì không có giá dưới 500 triệu đô la. Đó là chưa kể chi phí về dịch vụ và bảo vệ.

Hải Dương 981 (HD-981) là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, có chiều dài 114m, chiều rộng 90m, chiều cao 137,8m và khối lượng 31.000 tấn. Giàn khoan HD-981 có thể di chuyển trên biển với tốc độ 3 đến 4 hải lý/giờ, hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan sâu tới 12.000m. Giàn khoan này được chế tạo trong 3 năm với chi phí 952 triệu đô la. Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ thủy giàn khoan HD-981 vào giữa năm 2012. Hiện tại, HD-981 thuộc quyền quản lý của công ty dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc CNOOC.

PV