Giải mã sự thành công của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2011

08:05 | 30/12/2011

529 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ là nước gặt hái được nhiều thành công nhất năm 2011 và sẽ có một vị trí với sức mạnh đáng kể trên trường quốc tế?

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, các quốc gia châu Âu oằn mình vì bão nợ thì Thổ Nhĩ Kỳ – đất nước nằm ở ngã tư đường, nơi gặp nhau của châu Á và châu Âu đang có những bước phát triển nhảy vọt ngoạn mục.

Quy mô của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lên cầm quyền (năm 2002) và khẳng định rõ quyết tâm cũng như tầm nhìn đến năm 2023 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới – đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự lạc quan hiếm hoi trên bản đồ các quốc gia Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại trái ngược với bức tranh nghèo đói, lạm phát có khi lên tới 3 con số và đầy bất ổn chính trị trong quá khứ.

Nền móng cho câu chuyện thành công của Thổ Nhĩ Kỳ là sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ. Trái ngược hoàn toàn với các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cam kết theo đuổi cải cách và tập trung vào việc nắm bắt những cơ hội nảy sinh từ cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nền móng cho câu chuyện thành công của Thổ Nhĩ Kỳ là sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ do Thủ tướng 3 lần đắc cử Recep Tayyip Erdogan đứng đầu

Những yếu tố nào làm cho Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng quản lý những rủi ro trong giai đoạn hiện tại và tiếp tục khai thác thành công những cơ hội tiềm năng?

Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã giải quyết được các xung đột sắc tộc, tôn giáo trong nội bộ quốc gia.

Không giống các nước có cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số khác, ở Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có truyền thống tách biệt giữa tôn giáo và quốc gia. Thậm chí nhà nước không có bất kỳ hành động/hay khuyến khích tôn giáo, nhà nước giám sát tích cực những lĩnh vực tôn giáo. Hiến pháp cấm phân biệt giữa các tôn giáo và thực hiện điều này rất chặt chẽ. Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ công nhận tự do tôn giáo cho các cá nhân, và các cộng đồng tôn giáo nằm dưới sự bảo vệ của nhà nước, nhưng hiến pháp cũng quy định rõ rằng tôn giáo không được can thiệp vào quá trình chính trị, ví dụ thông qua cách thành lập một đảng phái tôn giáo. Không đảng phái nào được tuyên bố rằng mình được hình thành để đại diện cho một niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, những sự nhạy cảm tôn giáo nói chung thường được thể hiện thông qua các đảng bảo thủ.

Đất nước giao thoa của những nền văn hóa Á – Âu, Đông – Tây, tôn giáo – thế tục đã biết phát huy sự phong phú và bề dày lịch sử văn hóa của mình. An ninh xã hội và các quy định của pháp luật đã trở thành các họa tiết trung tâm trong câu chuyện tôn giáo ở đây.

Thứ hai, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được sự ủng hộ và tin tưởng khi đưa ra những quyết định chính trị khó khăn.

Nội các của Thủ tướng Erdogan đã bắt tay vào cải cách tài chính và tiền tệ đồng thời với việc tiến hành sửa đổi hiến pháp thông qua các cuộc trưng cầu dân ý sâu rộng.

Là mẫu hình nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhưng ông Erdogan đã vượt qua các vấn đề kinh điển của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ bị “vây” bởi những “môn đệ” yếu thế hơn. Những nhân vật trong nội các của ông như Phó Thủ tướng Ali Babacan, Bộ trưởng các vấn đề EU và trưởng đoàn đàm phán gia nhập EU Egmen Bagis, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ahmet Davutoglu và Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek đều là những tiếng nói có uy tín, trọng lượng và họ cùng chia sẻ quan điểm về những thách thức của Thổ Nhĩ Kỳ và tuân thủ phương hướng triển khai các chính sách cần phải thực hiện.

Một điều rất đáng ghi nhận về sự “được lòng dân” của Đảng Công lý và Phát triển của Erdogan khi Đảng cầm quyền đã thiết lập được mối quan hệ sâu sắc với nhiều tầng lớp nhân dân trong nước. Qua đó, bộ máy điều hành nhận được sự ủng hộ, chia sẻ với các chính sách đang thực thi, huy động được những lá phiếu bầu cử và tìm được những tiếng nói đồng tình từ thế hệ trẻ.

Thứ ba, giữa chính phủ và khu vực tư nhân đã thiết lập được mối quan hệ đối tác hữu cơ, mở ra một sự thay đổi sâu sắc trong việc hình thành và hoạt động của lĩnh vực kinh tế.

Trong quá khứ, các tầng lớp doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào sự bảo trợ và bảo vệ của chính phủ. Nền kinh tế đóng của Thổ Nhĩ Kỳ đã là một hệ thống dễ bị khủng hoảng, nơi mà lạm phát định kỳ “quét” sạch tiết kiệm và khiến cho người nghèo phải hứng chịu thêm rất nhiều thiệt thòi.

Các doanh nhân và các doanh nghiệp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ngược lại, là sản phẩm của cạnh tranh toàn cầu – một trường học rất khắc nghiệt và đang không ngừng cố gắng tạo dựng danh tiếng của mình ở nhiều mảng thị trường tại nhiều quốc gia. Tính linh hoạt mới của Thổ Nhĩ Kỳ đã được minh chứng rõ ràng trong hoạt động kinh doanh: quốc gia này đã định hướng lại nền kinh tế của mình để cạnh tranh toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ với ngành công nghiệp của mình đã nổi lên như một nhân tố quan trọng với địa bàn hoạt động được mở rộng từ Nga đến Kurdistan (Iraq). Với sản phẩm được đa dạng hóa từ mệt may đến điện tử và công nghiệp quốc phòng, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào vào các thị trường mới nổi trên toàn thế giới.

Chính phủ không ngồi để bình xét doanh nghiệp mà hỗ trợ quyền tự chủ của họ và hợp tác với họ, tạo điều kiện để họ mở rộng các cơ hội thị trường toàn cầu. Khu vực tư nhân lần lượt chấp nhận sự cần thiết của một môi trường pháp lý dự đoán được và được định hướng bởi chính phủ cũng như đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của nhà nước vào con người – nền tảng của cạnh tranh quốc gia. Thực tế, chưa khi nào Thổ Nhĩ Kỳ lại dành nhiều % trong ngân sách quốc gia của mình để ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ như bây giờ.

Tính hợp pháp trong nước chính là nền tảng cho chính sách hoạt động ở nước ngoài – và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò ngày càng nổi bật trên trường quốc tế. Quốc gia này đã nói với một giọng nói đặc biệt về các vấn đề quốc tế khác nhau từ Afghanistan đến “mùa xuân Arab” và đến châu Âu, từ khủng hoảng tài chính đến quyền độc lập và được công nhận của Palestine hay nạn đói ở Somalia. Việc Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với Liên đoàn Arab trong các phản ứng với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Syria thông qua một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đã biểu hiện sự linh hoạt của Thổ Nhĩ Kỳ với sự thay đổi cục diện ở Trung Đông.

Tiềm năng phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể bị đe dọa bởi những vấn đề cũ của nó. Căng thẳng giữa chính phủ và người Kurd, di sản của những căng thẳng gây chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự, xung đột bị đóng băng tại Cyprus và Armenia, sự trì trệ ở châu Âu và sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu đều có thể đe dọa đến lợi ích quốc gia và khơi lên những mâu thuẫn nội tại. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã vượt qua được những trở ngại đã cản trở sự phát triển của mình trong quá khứ.

Bằng cách trở thành một “người nằm ngoài” thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ về sự thành công thu được khi thực hiện ý chí chính trị và cam kết dân chủ. Và thực sự, đất nước cầu nối Âu – Á này đã trở thành một quốc gia thành công nhất trong năm 2011, được ghi nhận bởi những bứt phá về kinh tế, sự ổn định về xã hội, năng lực lãnh đạo của Chính phủ, sự cải thiện vị trí chính trị trên trường quốc tế và sự tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phương Anh