Gia súc giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng

20:53 | 04/04/2012

408 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Trong hai ngày làm việc của kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV, những vấn đề được các đại biểu HĐND TP quan tâm nhất là: Giáo dục, Y tế, Chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, Cơ sở chế biến gia súc và việc dồn điền đổi thửa....

Đại biểu huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng, nông nghiệp đang phải phục vụ cho cuộc sống của 4 triệu dân. Nhưng trên thực tế mức đầu tư hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra. Đại biểu huyện Sóc Sơn đã kiến nghị hàng năm thành phố cần tách ra từng danh mục đầu tư, trong đó phải ưu tiên những lĩnh vực đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp.

Cùng quan tâm đến vấn đề sản xuất nông nghiệp, đại biểu huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Thắng cho biết, hiện các nước được hỗ trợ 5% sản phẩm nông nghiệp. Riêng châu Á mức hỗ trợ lên đến 10%. Dựa vào con số này, Hà Nội có thể hỗ trợ cho nông nghiệp 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Đặc biệt rau sạch chỗ nào cũng thấy nhưng kiểm soát thì rất khó khăn. Ngoài ra nông sản sản xuất ra không có nơi tiêu thụ. Thành phố đã khuyến khích phát triển sản xuất rồi thì phải giải quyết đầu ra cho nông nghiệp.

Nhiều vấn đề để phát triển kinh tế- xã hội sẽ được các đại biểu đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV.

Đề cập về vấn đề chế biến nông sản, đại biểu Nguyễn Duy Hồng, huyện Hoài Đức đề nghị UBND TP ban hành danh mục cụ thể cho ngành chế biến trong lĩnh vực rau, củ, quả. Trên cơ sở đó xác định lĩnh lực nào cần ưu tiên đầu tư. Ngoài ra TP cần khuyến khích cho doanh nghiệp chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngược lại việc sơ chế đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý môi trường, vì thế cần loại bỏ.

Theo đại biểu Lê Hà, huyện Thanh Oai, từ năm 2009 UBND Thành phố đã có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm. Tuy nhiên quá trình giám sát các cơ sở giết mổ để hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Đơn cử ở huyện Thanh Oai, số hộ giết mổ gia súc gia cầm rất nhiều, để kiểm soát từng cơ sở, từng con gia súc để hỗ trợ rất khó. Bà Hà kiến nghị Thành phố cần thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp vào chi phí điện, nước, công tác vệ sinh môi trường. Làm như vậy sẽ dễ dàng kiểm soát hơn.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Như Mai cũng tỏ ra đồng tình với cơ chế hỗ trợ nông nghiệp, nhất là cơ sở giết mổ gia súc gia cầm để đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Theo bà Mai, vấn đề cần làm rõ hiện nay là phân biệt cơ sở giết mổ tập trung và bán tập trung. Vấn đề này cần giao cho UBND Thành phố làm rõ. Nhưng về lâu dài, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hiện nay thì thành phố nên có cơ chế chính sách ưu tiên cơ sở giết mổ tập trung hơn loại cơ sở bán tập trung.

Đối với việc giám sát hỗ trợ, đại biểu Mai cũng tỏ ra băn khoăn, nếu giao cho cán bộ thú y và cán bộ xã giám sát thì việc hỗ trợ sẽ không hiệu quả, từ đó phát sinh tiêu cực. “Tôi cho rằng cần giao UBND TP quy định về việc hỗ trợ cụ thể. Mặt khác gia súc khi đưa vào cơ sở giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng” – bà Mai kiến nghị.

Giải trình về những ý kiến đưa ra của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt lý giải, ngay cả đến những cơ sở chế biến gia súc dù đầu tư khá hiện đại nhưng lại làm việc không hết công suất. Nếu chỉ hỗ trợ đầu vào mà không hỗ trợ đầu ra thì các cơ sở chế biến sẽ gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì thế TP đã khuyến khích đầu ra để thu hút vào cơ sở giết mổ tập trung. Tất nhiên việc hỗ trợ phải quy định chặt chẽ về mặt hóa đơn chứng từ của các cơ sở giết mổ.

Ngày 3/4, Hà Nội đã tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV. Trong buổi khai mạc các đại biểu nghe UBND báo cáo về các lĩnh vực giáo dục, y tế… Trong lĩnh vực y tế, Hà Nội phấn đấu từ nay đến 2015 sẽ khởi công xây mới 10 bệnh viện. Mục tiêu của Hà Nội là phát triển đồng bộ hệ thống y tế chuyên sâu và phổ cập trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân Thủ đô. Đến 2015, Thành phố cũng phấn đấu nâng tỷ lệ bác sỹ lên 12,5/10.000 dân, dược sỹ đạt 2/10.000 dân.

Về Quy hoạch mạng lưới bệnh viện công lập thuộc Thành phố Hà Nội, phấn đấu xây dựng và phát triển hệ thống bệnh viện công lập Hà Nội với 60 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Thủ đô và những tỉnh lân cận và cả nước trong việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật cao trong y tế. Giai đoạn từ năm 2016-2020, Hà Nội sẽ khởi công và xây mới 15 Bệnh viện với tổng số giường bệnh là 5.000, tổng kinh phí 8.600 tỷ đồng với nhu cầu đất là 50,5ha.

T.Minh